Bàn tròn chứng khoán: Cơ hội trở lại nhóm ngân hàng?

Bàn tròn chứng khoán: Cơ hội trở lại nhóm ngân hàng?

(ĐTCK) Nhóm cổ phiếu tài chính - ngân hàng vốn là tâm điểm của thị trường ở nhịp tăng trước đó, nhưng ở lần này lại là nhóm giảm tương đối mạnh, nhiều cổ phiếu đã giảm sâu đến 30%. Đây có phải là cơ hội để nhà đầu tư mua vào? Cùng Đầu tư Chứng khoán tìm câu trả lời từ các chuyên gia chứng khoán trong chuyên mục Bàn tròn tuần này.

Với những diễn biến trồi sụt của thị trường trong giai đoạn vừa qua, ông/bà đánh giá nào về xác suất thị trường test lại mốc 1.000 điểm trong ngắn hạn?

Ông Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng phân tích CTCK Vietcombank (VCBS)

Trong suốt các phiên giao dịch tháng 4 cũng như đầu tháng 5, dòng tiền vẫn đang có xu hướng rút ra khỏi các cổ phiếu đã có một giai đoạn tăng nóng kể từ đầu năm trong bối cảnh tâm lý nghi ngại về mức độ hồi phục của chỉ số vẫn đang chiếm ưu thế.

Điều này phản ánh tâm lý giao dịch trên thị trường vẫn chưa thực sự được cải thiện đáng kể và khiến cho những nhịp hồi phục của thị trường không kéo dài.

Cùng lúc này, thị trường cũng bước vào vùng trũng thông tin trong tháng 5 sau khi kết quả kinh doanh trong quý I đã được phản ánh khá sớm và thậm chí đi trước vào diễn biến giá cổ phiếu trong quý I. Do đó, trước khi thị trường có những động lực tăng trưởng đáng kể mới có thể ảnh hưởng tích cực tới tâm lý nhà đầu tư, hoàn toàn có khả năng thị trường sẽ tiếp có thể kiểm định lại mốc 1.000 điểm.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, CTCK Maybank KimEng (MBKE)

Mốc 1.000 điểm đang bị thử thách ghê gớm khi bull-trap tuần qua đã làm nhiều nhà đầu tư nản lòng. Nỗi lo giải chấp, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng đã khiến giá mỗi lần lên là gặp ngay lực bán.

Quan sát kỹ thị trường sẽ thấy, những phiên hồi nhờ lực bán giảm chứ không phải bên mua chủ động, điều này sẽ khiến chỉ cần bên bán "mạnh tay" hơn thì thị trường tại kiểm tra các ngưỡng hỗ trợ mới. Vì thế, 1.000 điểm khá hiện thực, thậm chí thấp hơn nếu tình hình về dòng tiền dương không được cải thiện mà thị trường vẫn duy trì dòng tiền âm như hiện nay.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

Thị trường vẫn đang nằm trong nhịp điều chỉnh kể từ đầu tháng 4. Sự chồi sụt gần đây của VN-Index cho thấy sự giằng co giữa cầu giá thấp và lượng cung kỹ thuât.

Bàn tròn chứng khoán: Cơ hội trở lại nhóm ngân hàng? ảnh 1

 Ông Vũ Minh Đức

Điều này khiến gia tốc giảm của VNI nhỏ lại và là tín hiệu hình thành vùng đáy. Ở vùng này, có khả năng mốc 1000 điểm sẽ được kiểm định lại, thậm chí tạm thời bị phá vỡ.

Đứng ngoài thị trường trường hoặc tham gia “bắt đáy”, đâu là chiến lược đầu tư hợp lý ở thời điểm này, theo ông bà?

Ông Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng phân tích CTCK Vietcombank (VCBS)

Tôi cho rằng chiến, lược trong giai đoạn này sẽ phân hóa và phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư. Cụ thể, nhà đầu tư ngắn hạn có thể tận dụng những phiên hồi phục của chỉ số để “lướt sóng” ở những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và đang ở trong trạng thái quá bán sau một giai đoạn giảm giá mạnh.

Trong khi đó, nhà đầu tư dài hạn cần cập nhật tình hình kinh doanh và đánh giá lại triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp trong năm nay, cũng như mức độ phản ánh các thông tin vào giá để cân nhắc cơ cấu lại danh mục.

Trong giai đoạn thị trường liên tục biến động trồi sụt chưa rõ rệt xu hướng, thì sự lựa chọn đứng ngoài thị trường sẽ phù hợp cho các nhà đầu tư không ưa rủi ro và đồng thời tạo vị thế thuận lợi hơn trong giai đoạn chỉ số vẫn đang kiểm định lại ngưỡng 1.000 điểm.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, CTCK Maybank KimEng (MBKE)

Chiến lược hợp lý lúc này có 2 ý:

 - Các cổ phiếu pennies rất ít bị ảnh hưởng giảm (dù không phải tất cả các mã), nhưng nhóm này có mức giảm thấp hơn, thậm chí nhiều mã tăng điểm ngược thị trường. Vì vậy, đây cũng là một gợi ý cho các nhà đầu tư ngắn hạn.

Về trung và dài hạn, cần đợi dòng tiền chuyển trạng thái dương thì khi đó có thể mua những mã có nền tảng tốt và giảm sâu nhưng lúc này chưa phải thời điểm ấy.

Bàn tròn chứng khoán: Cơ hội trở lại nhóm ngân hàng? ảnh 2

 Ông Phan Dũng Khánh

 - TTCK phái sinh thanh khoản tăng cao nhờ thị trường này có thể giao dịch 2 chiều. Trong bối cảnh xu hướng xuống hiện nay, các nhà đầu tư vẫn có thể kiếm được tiền nếu mở vị thế bán trên phái sinh. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần lưu ý do mức độ ký quỹ cao nên nếu nhà đầu tư mở nhiều hợp đồng, nhưng tiền ký quỹ thấp, nếu thị trường swing (biến động mạnh liên tục) thì dù có mở vị thế đúng chiều vẫn có thể thua lỗ.

Mặc dù vậy, kênh này mang lại lợi nhuận lớn nếu ai có thể phân tích kỹ thuật tốt, vì margin trên phái sinh lớn hơn nhiều TTCK cơ sở.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

Với những nhà đầu tư trung và dài hạn, theo tôi đây là cơ hội để xây dựng chiến lược giải ngân hợp lý vì khá nhiều cổ phiếu trong danh mục khuyến nghị của VCSC đã có mức định giá hấp dẫn.

Nhóm cổ phiếu tài chính - ngân hàng vốn là tâm điểm của thị trường ở nhịp tăng trước đó, nhưng ở lần này lại là nhóm giảm tương đối mạnh, nhiều cổ phiếu đã giảm sâu đến 30%. Đây có phải là cơ hội để nhà đầu tư mua vào?

Ông Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng phân tích CTCK Vietcombank (VCBS)

Trên thực tế, quan sát trên thị trường lực cầu bắt đáy đã bắt đầu xuất hiện khá mạnh mẽ kể từ giữa tuần xung quanh một số cổ phiếu ngân hàng (BID, CTG) và bất động sản (VIC). Tuy nhiên, áp lực bán nhìn chung vẫn là rất lớn khi dòng tiền vẫn duy trì xu hướng rút lui khỏi nhiều cổ phiếu “trụ” trong nhịp điều chỉnh của chỉ số.

Bàn tròn chứng khoán: Cơ hội trở lại nhóm ngân hàng? ảnh 3

 Ông Trần Anh Tuấn

Do đó, như tôi đã đề cập ở trên, chỉ những nhà đầu tư có được sự nhạy cảm với sự dịch chuyển của dòng tiền và sẵn sàng chịu mức rủi ro cao phù hợp với chiến lược mua bắt đáy tại các cổ phiếu trên.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, CTCK Maybank KimEng (MBKE)

Hiện nay, dòng tiền vẫn đang rút ra khỏi nhóm này, chưa có dấu hiệu quay lại trừ một số dòng tiền nhỏ. Vì thế, trong ngắn hạn, nhà đầu tư vẫn nên đứng ngoài nhóm này. Vì dù giá có thể không giảm nữa, nhưng nếu cổ phiếu thiếu yếu tố này thì vẫn chưa bật lại ngay được.

Ngoài ra, nhóm ngân hàng đã tăng 2-3 năm nay, một chu kỳ khá dài, vì thế nhóm này cần thời gian tương đối, không chỉ có một vài tuần mà có thể cân bằng lại được.

Bên cạnh đó, cần xem tốc độ tăng trưởng nhóm ngân hàng với tốc độ tăng giá cổ phiếu từ cuối năm ngoái bị chênh lệch khá nhiều, vì vậy việc giảm giá này sẽ đưa giá trở về cân bằng.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

Như tôi đã nói ở trên, nhịp điều chỉnh mạnh trong tháng 4 đã khiến nhiều cổ phiếu có định giá hấp dẫn, trong đó có các cổ phiếu ngành Ngân hàng.

Tin bài liên quan