Các nhà đầu tư nhỏ cũng cần sự đồng cảm và  được lãnh đạo DN lắng nghe ý kiến.

Các nhà đầu tư nhỏ cũng cần sự đồng cảm và được lãnh đạo DN lắng nghe ý kiến.

Bao giờ Việt Nam có IRPAV?

(ĐTCK-online) Muốn sản phẩm đến tay người tiêu dùng, doanh nghiệp (DN) có thể thông qua kênh phân phối, các chiến dịch marketing… Nhưng muốn cổ phiếu đến tay nhà đầu tư, nhiều lãnh đạo DN đang đau đầu, dù họ chỉ muốn cổ phiếu của DN được đánh giá đúng những gì thuộc về nó. Tại sao chúng ta không có một ban tiếp thị DN dành riêng cho các nhà đầu tư hay chính xác hơn, công tác quan hệ nhà đầu tư (IR - investor relation) cần được chú trọng hơn?

Trông "Tây"…

Các DN trong nước đã được tiếp xúc với nhiều sở GDCK các nước trong khu vực châu Á, châu Âu và thậm chí là ở Mỹ. Một trong những ưu điểm mà các sở GDCK nhấn mạnh để thu hút DN tham gia đăng ký niêm yết là việc hỗ trợ công tác IR. Không phải ngẫu nhiên mà họ coi đây là điểm nhấn, bởi IR thực sự có hiệu quả, ảnh hưởng lớn đến tính thanh khoản của cổ phiếu. Nhưng hiện nay, công tác này ở Việt Nam đang thiếu và yếu.

Tại Sở GDCK Luân đôn (LSE), công tác IR được coi trọng với hàng loạt hoạt động như: truyền thông tài chính, gồm các quy tắc điều chỉnh và kênh thông tin tài chính giúp DN dễ dàng trao đổi thông tin với nhà đầu tư chuyên nghiệp; cơ sở dữ liệu website giúp nhà đầu tư liên tục cập nhật thông tin; các buổi trao đổi "capital market days", các DN niêm yết gặp gỡ, trao đổi với các quỹ, các nhà đầu tư cá nhân, giải thích lý do đầu tư vào các khoản mục, các lĩnh vực, ngành nghề... Sở giao dịch sẽ hỗ trợ công tác quảng bá, truyền thông, giới thiệu các buổi nói chuyện... và theo thời gian, đổi mới và đa dạng hóa các kênh thông tin DN - nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các CTCK cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ công tác IR cho DN trong, sau quá trình IPO, niêm yết.

Tại Singapore , Hiệp hội Các nhà quan hệ nhà đầu tư chuyên nghiệp (IRPAS - Investor relations professionals association Singapore ) rất được chú ý và đóng vai trò quan trọng trên thị trường. Thực tế, các hoạt động lớn của IRPAS diễn ra không thường xuyên, nhưng với vai trò của mình, IRPAS giúp nói lên tiếng nói, nguyện vọng của các nhà đầu tư cá nhân, chia sẻ kinh nghiệm, tầm nhìn, tạo kênh thông tin liên lạc giữa họ với sở GDCK, công ty niêm yết và các tổ chức đầu tư... Bên cạnh đó, tổ chức này còn hỗ trợ và đẩy mạnh việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức và tính chuyên nghiệp trong công tác IR.

Có thể nói, ở những TTCK càng phát triển, công tác IR càng quan trọng, vì IR là điều kiện quan trọng để bảo vệ nhà đầu tư cá nhân, giúp thông tin thị trường thông suốt, minh bạch, hỗ trợ tính thanh khoản cho thị trường ngay cả khi thị trường đi xuống.

 

Lại nghĩ đến ta

Ở Việt Nam , Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) xét ở góc độ nào đó đã có một phần vai trò và chức năng của hiệp hội IR. Tuy nhiên, thị trường vẫn cần có một tổ chức quan hệ nhà đầu tư chuyên nghiệp đúng nghĩa.

Thời gian vừa qua, có rất nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng giảm sâu của TTCK, từ ảnh hưởng bởi yếu tố vĩ mô, tình hình kinh tế thế giới, việc đầu tư dàn trải, phát hành cổ phiếu tràn lan của DN đến tình trạng dự đoán quá bi quan về hoạt động của DN. Bên cạnh đó, nhà đầu tư đôi khi còn bị tác động bởi chính tâm lý của mình, dẫn đến việc ra các quyết định sai lầm.

Tổng giám đốc một CTCK từng nói, chính tâm lý coi tiền thắng là tiền được đã đẩy nhà đầu tư dẫn đến quyết định vội vàng, khiến mức độ rủi ro cao và tâm lý bỏ qua tất cả khi đã thua đau khiến họ bị mất cơ hội đầu tư. Vị này cho rằng, khi bị lỗ quá nhiều, họ sẽ có xu hướng hoặc đặt cược tất cả tài sản của mình vào một phi vụ theo kiểu "được ăn cả, ngã về không", dẫn đến mức độ rủi ro quá lớn hoặc cũng giống như nhiều nhà đầu tư khác, họ coi như chứng khoán không tồn tại. Với tâm lý "chờ thị trường lên mới mua vào", ai sẽ là con chim đầu đàn?

Đã không hiếm những công ty đại chúng có các quyết định được coi là phân biệt đối xử cổ đông lớn - nhỏ, những hoạt động đầu tư không đúng trọng tâm... gây ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

IR không phải là những gì quá xa lạ, nó chính là thông tin hàng ngày của DN với nhà đầu tư và ngược lại. Tuy nhiên, hoạt động này ở Việt Nam còn quá xa vời. Các nhà đầu tư nhỏ cũng đang cần có những chia sẻ về kinh nghiệm, tầm nhìn, cần có sự đồng cảm và cần được lãnh đạo DN lắng nghe ý kiến. Vì vậy, việc học hỏi mô hình của Singapore hay một nước nào đó trên thế giới về việc tổ chức hiệp hội những nhà quan hệ nhà đầu tư chuyên nghiệp là cần thiết. Đó không chỉ là nơi để thỏa mãn việc nghe và nói của nhà đầu tư, mà đó còn là nơi để bảo vệ cái gốc của thị trường, giúp thị trường ổn định.

Rất nhiều nhà đầu tư cá nhân cho biết, họ thấy giá cổ phiếu đã quá rẻ, nhưng vẫn không dám mua, vì nếu chỉ mình họ mua trong khi những người khác bán thì họ vẫn không tránh khỏi thua lỗ. Nếu Việt Nam có một IRPAV giống như của Singapore thì có lẽ thị trường sẽ đỡ bi quan hơn nhiều!