Bảo hiểm “bắt chước” ngân hàng

Bảo hiểm “bắt chước” ngân hàng

(ĐTCk-online) Theo Bộ Tài chính thì bản dự thảo cuối cùng Quy chế về việc thành lập công ty cổ phần bảo hiểm mới tại Việt Nam có nhiều nét khá giống với Quy chế cấp giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng thương mại cổ phần được Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 7/6/2007, mà nét giống nhất đó là giới hạn tỷ lệ góp vốn của một nhà đầu tư cá nhân là 10%, nhà đầu tư tổ chức tối đa là 20%, chỉ có khác là không phân biệt giữa nhà đầu tư trong nước và ngoài nước.

Nhu cầu lớn

Thị trường bảo hiểm Việt Nam từ đầu năm đến nay chưa có thêm một giấy phép thành lập doanh nghiệp bảo hiểm nào chính thức được cấp, ngoại trừ sự xuất hiện và đi vào hoạt động của Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (ABIC) với giấy phép từ năm 2006. Chính vì vậy, tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường bảo hiểm vẫn chưa vượt quá con số 40.

Với một thị trường hơn 80 triệu dân và đang phát triển nhanh, nhu cầu thành lập các doanh nghiệp bảo hiểm mới là rất lớn, số lượng doanh nghiệp dự kiến sẽ không dừng ở con số này, bởi nhu cầu trước mắt cũng đã là rất lớn. Ngoài nhu cầu của các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài thiết lập hoạt động kinh doanh tại Việt Nam thì ngay trong nước, nhiều ngân hàng theo xu hướng phát triển thành các tập đoàn tài chính cũng muốn phát triển thêm hoạt động bảo hiểm bên cạnh hoạt động ngân hàng.

Vào đầu năm nay, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã cùng hai đối tác khác là Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (Seabank) và Cardif S.A (Công ty cổ phần Bảo hiểm thuộc Tập đoàn Tài chính BNP Paribas của Pháp) đã ra mắt, tuy nhiên đến nay vẫn đang trong quá trình xin sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính.

Mới đây nhất, Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) với Công ty Light House, Ngân hàng Nam Á và Bệnh viện Triều An cũng đạt được thoả thuận là thành lập Công ty Bảo hiểm phi nhân thọ Phương Nam, vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Ngoài ra, theo một số nguồn tin riêng của ĐTCK thì một số doanh nghiệp khác như Ngân hàng Quân đội (MB) hay như Vietnam Airlines… cũng đang có những kế hoạch tương tự.

 

Chặt chẽ hơn

Tháng 3/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 46 quy định chế độ tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm, quy định mức vốn pháp định đối với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ là 300 tỷ đồng (mức cũ là 70 tỷ đồng); doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ là 600 tỷ đồng (mức cũ là 140 tỷ đồng) và 4 tỷ đồng với doanh nghiệp môi giới bảo hiểm. Một quan chức Bộ Tài chính cho biết, việc đưa ra các quy định chi tiết về việc thành lập công ty cổ phần bảo hiểm mới là bước tiếp theo trong quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của thị trường bảo hiểm.

Theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, việc quy định tỷ lệ góp vốn của một nhà đầu tư tổ chức tối đa là 20% nhằm đảm bảo công ty cổ phần bảo hiểm mới thành lập hoạt động theo mô hình công ty đa sở hữu, không bị chi phối quá nhiều bởi một cổ đông lớn nào đó. "Hiện có một số công ty cổ phần bảo hiểm đã thành lập phụ thuộc quá nhiều vào khách hàng từ công ty mẹ cũng như các thành viên của công ty mẹ; việc phát triển thị trường và sản phẩm không được chú ý nhiều, điều này không tạo ra sự phát triển bền vững trong dài hạn", ông Lộc nói.

Mặc dù vậy, ở góc độ của nhà đầu tư nước ngoài, quy định này lại không nhận được nhiều sự ủng hộ. Theo bà Allanda McConnel, Giám đốc bộ phận Tư vấn doanh nghiệp Công ty Ernst&Young Việt Nam thì việc hạn chế nhà đầu tư tổ chức chỉ nắm giữ 20% sẽ không tạo sự hấp dẫn đối với các công ty bảo hiểm nước ngoài khi đầu tư vào các công ty bảo hiểm nội địa.

Trong khi đó, cũng theo bà Allanda McConnel, các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam vẫn còn yếu về mặt công nghệ, quản trị, chiến lược kinh doanh… việc có mặt các nhà đầu tư chiến lược với tỷ lệ nắm giữ cao hơn sẽ giúp khắc phục những điểm yếu này. "Một tỷ lệ nắm giữ 49% giống như quy định đối với các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán sẽ là phù hợp hơn", bà Allanda McConnel nói.

Hiện có một vấn đề đáng quan tâm đó là quy định về tỷ lệ nắm giữ này dự kiến sẽ áp dụng đối với cả doanh nghiệp cổ phần bảo hiểm đang hoạt động, nơi mà một số doanh nghiệp có tỷ lệ sở của một tổ chức lớn hơn 20%. Trong khi đó, theo một quan chức Bộ Tài chính, lộ trình cho việc giảm tỷ lệ này vẫn chưa được xác định.