Bảo hiểm nhân thọ sẽ có thêm “tân binh”

Bảo hiểm nhân thọ sẽ có thêm “tân binh”

(ĐTCK) Sau lễ ra mắt của Công ty Bảo hiểm nhân thọ PVI - Sunlife vào tháng 3/2013, thị trường bảo hiểm nhân thọ hứa hẹn sẽ đón nhận thêm những “chiến binh” mới, nâng tổng số doanh nghiệp lên hơn con số 15 hiện nay.

Vẫn dồi dào tiềm năng

Nguồn tin của ĐTCK cho biết, ít nhất trong năm 2013, có thể có thêm 2 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ mới gia nhập thị trường, một công ty 100% vốn của một tập đoàn tài chính - ngân hàng của Úc - tập đoàn này hiện đã có một ngân hàng hoạt động tại Việt Nam và một công ty liên doanh bảo hiểm nhân thọ của Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC). Việc thành lập thêm một công ty bảo hiểm nhân thọ nằm trong dự án tái cấu trúc thành một tập đoàn của BIC. Theo BIC, cùng với việc nhận chuyển nhượng vốn từ Công ty liên doanh Bảo hiểm Lào - Việt (LVI) và Công ty Bảo hiểm Combodia Việt Nam (CVI), HĐQT BIC cũng đang chỉ đạo Ban lãnh đạo phân công nhân sự phối hợp với BIDV làm việc với một vài đối tác tiềm năng để hợp tác thành lập liên doanh bảo hiểm nhân thọ. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch năm 2013 của BIC. Thông tin ban đầu cho biết, BIC đã nhắm được một đối tác là một tập đoàn bảo hiểm hàng đầu thế giới, đối tác này không đến từ châu Á.

Bảo hiểm nhân thọ sẽ có thêm “tân binh” ảnh 1

PVI - Sunlife là cái tên mới nhất trên thị trường bảo hiểm nhân thọ và danh sách sẽ còn nối dài

Không khó để cắt nghĩa tại sao thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam vẫn được “thèm muốn” như thế, dù những năm qua, thị trường này đã không còn tăng trưởng ở mức “phi mã’. Báo cáo Chỉ số lạc quan về đầu tư lần đầu tiên được Manulife thực hiện tại châu Á (Manulife Investment Sentiment Index - MISI) cho thấy, tại các thị trường phát triển ở châu Á, các nhà đầu tư ở khắp châu Á đều đang nắm giữ phần lớn tài sản dưới dạng tiền mặt. Tuy nhiên, đa số nhà đầu tư tại các thị trường đều cho rằng, đây không phải là phương thức đầu tư hiệu quả. Điều này cũng có nhiều điểm tương đồng với thị trường Việt Nam . Hơn 30% ý kiến nhà đầu tư trong cuộc khảo sát của Manulife cho biết vẫn nắm giữ tiền mặt - con số này có thể phản ánh mức độ bi quan của nhiều nhà đầu tư châu Á, nhưng trong con mắt các tập đoàn tài chính, nguồn tiền mặt vẫn còn dồi dào trong dân chính là tiềm năng. Con số này khó tìm thấy ở thị trường châu Âu hay những nước đã phát triển. Ông Robert A.Cook, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Manulife châu Á cho rằng, xét ở góc độ đầu tư, không nơi nào hấp dẫn hơn khu vực châu Á. Có rất nhiều cơ hội để mọi người có thể đầu tư và đạt mục tiêu của riêng mình.

Với trường hợp Việt Nam, thời gian qua, Việt Nam không chỉ là điểm đến giúp nhiều CEO các công ty bảo hiểm nước ngoài dễ dàng thăng chức, mà còn được ví là “bàn đạp” vững vàng cho các công ty bảo hiểm nhân thọ tiến sang các thị trường châu Á khác. Chính vì những lý do trên mà trong tương lai gần, thị trường bảo hiểm Việt Nam có thể có 15, 17 hay thậm chí hơn 20 công ty bảo hiểm nhân thọ.

“Điều quan trọng là khách hàng phải cảm nhận được rằng, các công ty bảo hiểm có mặt trên thị trường là nhằm mang lại những giải pháp tài chính hữu hiệu để bảo vệ họ và gia đình, chứ không phải vì mục đích bán sản phẩm và tăng lợi nhuận”, ông Robert A. Cook nhìn nhận.

 

Các “anh tài” châu Á chờ thời

Dù hai nhân tố mới sắp góp mặt vào thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đều không đến từ châu Á, nhưng điểm lại, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam hiện đã góp mặt đầy đủ các “anh tài” đến từ các châu lục Á, Âu và Mỹ. Tuy nhiên, sự góp mặt của các tập đoàn tài chính đến từ châu Á trong các công ty bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam vẫn chiếm số đông.

Nguồn tin của ĐTCK cho biết, một vài tập đoàn tài chính bảo hiểm ở châu Á hiện chỉ chờ thời cơ chín muồi là chính thức bước chân vào thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam . Được biết, các tập đoàn này cũng đã có văn phòng đại diện tại Việt Nam và văn phòng đại diện xuất hiện mới nhất ở thị trường Việt Nam cũng đã được 3 năm, vừa đủ thời gian để có thể xin cấp phép chính thức thành lập công ty 100% vốn nước ngoài.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, tính đến năm 2012, thị trường bảo hiểm Việt Nam có sự hiện diện của 32 văn phòng của các tổ chức bảo hiểm nước ngoài, trong đó có gần 10 văn phòng của các tổ chức bảo hiểm nhân thọ mà chủ yếu đến từ châu Á. Có những văn phòng có thời gian hiện diện tại thị trường Việt Nam khá lâu, gần 7 năm và đã xin gia hạn giấy phép đến 2 lần.

“Không phải vì vấn đề nhu cầu sử dụng bảo hiểm nhân thọ của thị trường Việt Nam hay khó khăn pháp lý nào khác, mà chỉ đơn giản là thời điểm vào thị trường chưa thích hợp. Năm ngoái, chúng tôi cũng đã có những động thái xúc tiến xin cấp giấy phép thành lập công ty, nhưng kế hoạch này tạm dừng sau khi tìm hiểu và nhận được nhiều góp ý nên chờ 1 - 2 năm nữa, khi kinh tế phục hồi”, đại diện một tập đoàn tài chính bảo hiểm nói.

Với lý do thời cơ chưa chín muồi, hầu hết tập đoàn tài chính bảo hiểm đến từ châu Á, sau một thời gian đủ lâu để nghiên cứu thị trường Việt Nam , vẫn quyết định tiếp tục án binh bất động, chờ thời điểm hợp lý hơn để chính thức lập công ty.

Trái ngược với sự yên ắng của các văn phòng đại diện nhân thọ tại Việt Nam , những tập đoàn đã có mặt tại Việt Nam đang nỗ lực bứt phá.

Sau gần 4 năm đi vào hoạt động với vị trí 7/14 về doanh thu phí tính đến hết năm 2012, Hanwha Life Việt Nam đã xây dựng một mạng lưới rộng khắp trên toàn quốc. Công ty bảo hiểm đến từ Hàn Quốc này cũng đặt ra mục tiêu tăng trưởng khá tham vọng cho những năm kế tiếp. Cụ thể, năm 2013, Hanwha Life Việt Nam đặt mục tiêu tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm trên 65% và năm 2016 đạt 1.000 tỷ doanh thu phí bảo hiểm.

Trong khi đó, một doanh nghiệp có nguồn gốc châu Á khác là Cathay Life Việt Nam sau 5 năm có mặt tại thị trường Việt Nam đã quyết định tăng vốn điều lệ từ 60 triệu USD lên 110 triệu USD (tương đương 2.007 tỷ đồng). Với số vốn tăng thêm gấp đôi này, Cathay Life Việt Nam trở thành công ty bảo hiểm nhân thọ có tổng vốn đầu tư lớn nhất tại thị trường Việt Nam . Lãnh đạo Cathay Life Việt Nam nói rằng, tăng vốn là một quyết định mang tính chiến lược nhằm gia tăng thị phần tại thị trường Việt Nam .