Bảo hiểm nhân thọ trực tuyến vướng khung pháp lý

Bảo hiểm nhân thọ trực tuyến vướng khung pháp lý

(ĐTCK) Sau FWD, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã có thêm một hãng bảo hiểm là Prudential thông báo chính thức triển khai bán bảo hiểm ung thư đăng ký hoàn toàn trực tuyến. Bên cạnh đó, nhiều khả năng trong quý III và quý IV/2018, thị trường sẽ đón nhận thêm các sản phẩm bảo hiểm bán qua kênh trực tuyến của 2 doanh nghiệp khác. 

Với mức phí bảo hiểm thấp, đăng ký đơn giản, thẩm định nhanh chóng, thanh toán tiện lợi, các công ty bảo hiểm kỳ vọng hoạt động bán sản phẩm qua các kênh trực tuyến không chỉ giúp khách hàng tiết kiệm được chi phí, thời gian, mà còn thể hiện bước tiến mạnh mẽ trong việc chú trọng đầu tư vào phát triển thương mại điện tử của ngành bảo hiểm nhân thọ tại thị trường Việt Nam.

Chẳng hạn, với bảo hiểm ung thư PRU-iProtect vừa ra mắt, khách hàng chỉ cần thao tác 4 bước đơn giản để hoàn tất việc mua sản phẩm. Prudential không yêu cầu khách hàng phải khám sức khoẻ thẩm định, chỉ cần dựa vào các câu trả lời trung thực từ phía người mua.

Tổng giám đốc Prudential, ông Clive Daren Baker chia sẻ, cùng với tốc độ phát triển vượt bậc của công nghệ, lối sống của người tiêu dùng cũng thay đổi.

Việc mua sắm trực tuyến đang ngày càng phổ biến và trở thành thói quen của số đông người tiêu dùng, đặc biệt là những khách hàng trẻ ở khu vực thành thị. Do đó, Công ty muốn nhanh chóng bắt kịp xu hướng này bằng việc triển khai bán bảo hiểm hoàn toàn trực tuyến.

Tuy được kỳ vọng sẽ là phân khúc “hot” không kém bancassurance trong tương lai, nhưng bảo hiểm trực tuyến ở khối nhân thọ thực tế đang phát triển theo kiểu “ném đá dò đường”.

Theo đó, một số công ty bảo hiểm đang thử nghiệm bằng cách bán các sản phẩm đơn giản nhất, mệnh giá thấp… như một số sản phẩm thuộc dòng bảo hiểm sức khỏe.

“Khung pháp lý chưa hoàn thiện là vấn đề khiến các công ty bảo hiểm nhân thọ rất thận trọng với mô hình này. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất có lẽ nằm ở chính sự phức tạp của các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ”, một chuyên gia trong ngành nhìn nhận.

Thực tế, tại thị trường Việt Nam, không nhiều người nghĩ tới và chủ động tìm mua bảo hiểm khi đang khỏe mạnh. Do vậy, bảo hiểm nhân thọ vẫn phải tự tìm đến với khách hàng hơn là khách hàng chủ động tìm đến doanh nghiệp.

“Nhiều khách hàng chưa quen và cảm thấy không an tâm với việc chi trả một số tiền đều dặn hàng tháng cho sản phẩm “vô hình” , trong khi các công ty bảo hiểm cũng rất lo ngại vấn đề trục lợi bảo hiểm. Do đó, với bảo hiểm nhân thọ, bán qua kênh trực tuyến có lẽ mới chỉ phù hợp với các sản phẩm đơn giản, ngắn hạn hoặc không có giá trị cao”, vị chuyên gia trên cho biết.

Bên cạnh các khó khăn về thói quen, nhận thức của người dân, những quy định về việc doanh nghiệp bảo hiểm phải chứng minh người mua bảo hiểm cũng chính là người đứng tên hợp đồng sẽ là công việc rất khó thực thi khi triển khai bán bảo hiểm qua kênh trực tuyến. Trong khi đây là nguyên tắc chung của bảo hiểm nhân thọ để chống trục lợi bảo hiểm.

“Chưa nói tới bán hàng trực tuyến, ngay cả việc bán bảo hiểm qua kênh truyền thống thì doanh nghiệp đã rất khó khăn để kiểm soát vấn đề này”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhìn nhận. Ngoài ra, với hợp đồng bảo hiểm trực tuyến, các quy định về chữ ký sống cũng rất mới mẻ với khách hàng và có thể là vấn đề gây tranh chấp sau này.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán về khung pháp lý cụ thể, rõ ràng hơn cho việc phát triển mô hình bảo hiểm trực tuyến mới đây, đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, Hiệp hội đang cùng các doanh nghiệp bàn thảo thống nhất để đề xuất Bộ Tài chính về vấn đề này.

“Chúng tôi hy vọng chậm nhất là vào năm 2019 các quy định cụ thể về phát triển mô hình bán bảo hiểm trực tuyến sẽ được ban hành”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chia sẻ.

Tin bài liên quan