Lĩnh vực bán dẫn đang khiến nhiều quốc gia trên toàn cầu đua nhau cạnh tranh thu hút đầu tư

Lĩnh vực bán dẫn đang khiến nhiều quốc gia trên toàn cầu đua nhau cạnh tranh thu hút đầu tư

“Bệ phóng” cho công nghiệp bán dẫn

0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam đang trở thành tâm điểm của chuỗi cung ứng ngành bán dẫn, với cơ hội thu hút nguồn lực không nhỏ của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong hành trình đó, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đóng vai trò như một “bệ phóng”.

Cơ hội “ngàn năm”

Có lẽ, chưa bao giờ, thời cơ “ngàn năm có một” mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhiều lần nhắc tới khi nói về việc tận dụng cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0 lại lớn như bây giờ. Ít nhất, là trong lĩnh vực bán dẫn - ngành công nghiệp đang khiến nhiều quốc gia trên toàn cầu đua nhau cạnh tranh thu hút đầu tư, thậm chí còn biến thành một “chiến trường”.

“Việt Nam có đủ điều kiện để xây dựng hệ sinh thái bán dẫn trong nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã nói như vậy.

Lời khẳng định của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng càng thêm chắc chắn hơn khi nhìn vào những động thái gần đây: Amkor Technology và Hana Micron lần lượt đưa các nhà máy bán dẫn quy mô lớn đi vào hoạt động; Tập đoàn Victory Gaint Technology (Trung Quốc) muốn đầu tư một dự án 400 triệu USD ở Bắc Ninh; còn Tập đoàn Khoa học kỹ thuật năng lượng mới Runergy (Thái Lan) cũng đã đầu tư 440 triệu USD ở Nghệ An…

Chưa kể, Marvell đã công bố thành lập Trung tâm Thiết kế vi mạch tại TP.HCM; Samsung sẽ sản xuất linh kiện bán dẫn tại Nhà máy Samsung Electro-Mechanics Thái Nguyên; Synopsys, NXP Semiconductors, Hanmi Semiconductor… cũng có các hoạt động đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực bán dẫn ở Việt Nam.

Cơ hội càng lớn hơn kể từ sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện và đạt được nhiều thỏa thuận hợp tác về đổi mới sáng tạo, trong đó có công nghiệp bán dẫn, khi Tổng thống Joe Biden sang thăm Việt Nam.

Ngay sau đó, trong chuyến công du tới Hoa Kỳ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp gỡ hàng loạt tập đoàn lớn trong lĩnh vực bán dẫn, như Nvidia, Synopsys… Cả hai công ty này, trên thực tế, đều đã có các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Trong đó, riêng Synopsys Việt Nam đã mở 4 văn phòng tại TP.HCM và Đà Nẵng, thu hút gần 500 kỹ sư.

Làm việc với các doanh nghiệp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị cả Nvidia và Synopsys sớm mở nhà máy, lấy Việt Nam làm trung tâm sản xuất tại khu vực Đông Nam Á, đồng thời có các hoạt động hỗ trợ cho sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam.

“Việt Nam có thể trở thành một trung tâm tăng trưởng lớn của ngành bán dẫn”, ông Clark Tseng, Giám đốc cấp cao của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA), Nhóm Tình báo thị trường nói. Ông Clark Tseng cũng cho biết, theo dự báo của SEMI, thị trường bán dẫn toàn cầu sẽ đạt quy mô 1.000 tỷ USD vào năm 2030.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng từng nhấn mạnh, trong một thập kỷ qua, Việt Nam đã nổi lên như một điểm nút quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu. Có lẽ, đó cũng chính là lý do Mỹ và Việt Nam đã có những thỏa thuận về thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

NIC - “bệ phóng” cho công nghiệp bán dẫn

Sự xuất hiện của các “đại gia” công nghệ không chỉ tạo cú hích quan trọng để ngày càng nhiều tên tuổi lớn tìm đến, biến NIC trở thành trung tâm đổi mới, sáng tạo quy mô khu vực và toàn cầu, mà sẽ trở thành “bệ phóng” cho ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.

Ngày mai (28/10), NIC chính thức được khánh thành. Sự kiện này không chỉ có ý nghĩa lớn đối với ngành công nghiệp bán dẫn nói riêng, mà còn với các ngành công nghiệp thời 4.0 khác. Bởi lẽ, ngoài công nghiệp bán dẫn, sẽ có 7 lĩnh vực được hỗ trợ kết nối và thúc đẩy nghiên cứu, phát triển tại NIC, bao gồm nhà máy thông minh, thành phố thông minh, công nghệ hydrogen, công nghệ môi trường, công nghệ y tế, truyền thông số, an ninh mạng. Đây là những lĩnh vực sẽ góp phần tạo bước đột phá cho khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo - động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng của Việt Nam trong tương lai.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là người tiên phong đưa ra ý tưởng xây dựng NIC và biến kế hoạch này thành hiện thực, cũng đồng thời là người đóng vai trò quan trọng trong việc thiết kế tầm nhìn, đưa và kết nối các doanh nghiệp bán dẫn toàn cầu đến Việt Nam. Trong các chuyến công du nước ngoài, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã rất nỗ lực thực hiện điều này. Thậm chí, ngay cả vào thời điểm Covid-19 căng thẳng, các cuộc trao đổi trực tuyến với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán dẫn cũng liên tục được tổ chức…

Tất cả đã mang tới những cơ hội hiện hữu cho Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên, mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài liên tục đến và bày tỏ mối quan tâm tới việc hình thành hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

“Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành xây dựng kế hoạch hành động và chiến lược để phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam. Một đề án phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư, chuyên gia cho ngành công nghiệp bán dẫn vào năm 2030 cũng đang được xây dựng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Trong kế hoạch ấy, NIC hiện diện như một phần quan trọng. Theo chia sẻ của ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC, nhân chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Hoa Kỳ mới đây, NIC đã ký một loạt biên bản ghi nhớ hợp tác quan trọng. Chẳng hạn, ký kết thỏa thuận hợp tác với Synopsys, Cadence Design Systems - hai công ty cung cấp phần mềm thiết kế chip lớn nhất thế giới hiện nay - về thúc đẩy năng lực thiết kế và phát triển sản phẩm chip bán dẫn tại Việt Nam; rồi ký kết hợp tác với Đại học bang Arizona (ASU) về việc phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

Phía Hoa Kỳ cũng đang đề xuất NIC phối hợp với ASU để sử dụng một nguồn tài trợ của Chính phủ Hoa Kỳ (khoảng 50 triệu USD) nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam. Cơ quan Hợp tác quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cũng đã cam kết hỗ trợ NIC 12,5 triệu USD để đào tạo nguồn nhân lực đổi mới sáng tạo và ngành công nghiệp bán dẫn. Theo ông Vũ Quốc Huy, NIC đã triển khai một phần gói tài trợ này và năm 2024 sẽ mở rộng triển khai.

Đây chính là những bước tiến tiếp theo để triển khai các hoạt động hợp tác giữa các tổ chức, doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ với các đối tác Việt Nam nhằm mang đến những cơ hội mở rộng thị trường và nâng cao năng lực của Việt Nam trong ngành công nghiệp này.

Và không chỉ là doanh nghiệp Hoa Kỳ, theo kế hoạch, hàng loạt “gã khổng lồ” công nghệ trên thế giới cũng như trong nước, như Meta, Google, Signify, Intel, Viettel, FPT… sẽ có sự hiện diện tại NIC. Samsung sẽ mở một phòng lab, Tập đoàn SK sẽ xây dựng khu vực trải nghiệm các công nghệ mới trên thế giới, John Cockerill sẽ xây dựng trung tâm R&D cùng phòng lab tại NIC. Đặc biệt, NIC đã phối hợp với Tập đoàn SpaceX để xây dựng trung tâm R&D, có thể phát triển công nghệ mới nhất của SpaceX tại NIC…

Sự xuất hiện của các “đại gia” công nghệ không chỉ tạo cú hích quan trọng để ngày càng nhiều tên tuổi lớn tìm đến, biến NIC trở thành trung tâm đổi mới, sáng tạo quy mô khu vực và toàn cầu, mà sẽ trở thành “bệ phóng” cho ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.

“Tất cả đã sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Sức ép cạnh tranh

Dù Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để trở thành một phần quan trọng của chuỗi cung ứng ngành bán dẫn toàn cầu, nhưng cạnh tranh thu hút đầu tư trong lĩnh vực này nói riêng và thu hút đầu tư nước ngoài nói chung không hề nhỏ.

Trong một bài báo được đăng tải cách đây chưa lâu, tờ Nikkei Asia đã dẫn lời Giám đốc cố vấn của KPMG nhận định rằng, châu Á đang chứng kiến “một cuộc cạnh tranh gay gắt” để thu hút các doanh nghiệp bán dẫn đầu tư.

Ấn Độ là một ví dụ điển hình. Thậm chí, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi còn nhấn mạnh rằng, Ấn Độ sẵn sàng trở thành đối tác tin cậy trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Trong khi đó, Thái Lan đang quyết tâm thu hút đầu tư trong lĩnh vực này, vì coi chất bán dẫn là “một trong những mặt hàng quan trọng nhất với quốc gia”. Một số tập đoàn lớn cũng đã đến các nền kinh tế này, đặc biệt là Ấn Độ, để đầu tư.

Việt Nam có nhiều lợi thế. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã chỉ ra 5 ưu thế quan trọng của Việt Nam trong thu hút đầu tư và phát triển ngành bán dẫn trong nước. Có hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi và Chính phủ rất quan tâm việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam là một trong những yếu tố quan trọng. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã và đang xây dựng nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn. Nhưng có lẽ, còn cần nhiều hơn thế, nhất là trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu đang được thực thi và cạnh tranh thu hút đầu tư ngày càng gay gắt.

NIC, như ông Vũ Quốc Huy đã nói, là trung tâm đổi mới sáng tạo đầu tiên trên thế giới do Nhà nước quản lý, hợp tác với khu vực tư nhân để cùng xây dựng, phát triển. Thậm chí, Chính phủ còn có một nghị định riêng về các cơ chế, chính sách ưu đãi cho NIC và các doanh nghiệp hoạt động tại NIC - Nghị định số 94/2020/NĐ-CP.

“Có thể chế, chính sách đột phá, vượt trội, thì tiền sẽ đến, người tài cũng sẽ đến”. Vào thời điểm dự thảo nghị định này được xây dựng, rất nhiều chuyên gia đã nói như vậy. Và giờ đây, trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng mạnh mẽ, Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 94/2020/NĐ-CP cho phù hợp với xu thế hiện tại, đồng thời đảm bảo sự cạnh tranh vượt trội của NIC.

Các phản ứng chính sách của Việt Nam trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu được thực thi tại một số quốc gia kể từ năm 2024 cũng là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo cho sự thành công trong thu hút đầu tư từ các “ông lớn” công nghệ thế giới đến Việt Nam và đến NIC, bao gồm cả trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.

Không chỉ vậy, để đảm bảo sự cạnh tranh, ngoài một chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn có tầm nhìn và bước đi rõ ràng, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam (ví dụ, trước hết chỉ nên chọn 2 khâu khả thi nhất là lắp ráp và đóng gói), ông Thomas Vallely, Chủ tịch Hội đồng Tín thác của Đại học Fulbright còn cho rằng, Việt Nam cần phải đảm bảo năng lực của một số ngành công nghiệp truyền thống. Công nghiệp năng lượng là một ví dụ điển hình.

Và tất nhiên, một trong những yếu tố quan trọng khác chính là nhân lực.

Tin bài liên quan