Bếp lửa nhà sàn

Bếp lửa nhà sàn

(ĐTCK) Tết quê tôi bao năm rồi vẫn thế, nhà nào cũng vài cặp bánh nẳng, hai ba chục cái bánh chưng, ba bốn nhà chung nhau thịt một con lợn; ban thờ vẫn có hai cây mía dựng hai bên…

Một tuần nay trời trở lạnh đột ngột. Năm nay cái lạnh về gần như không báo trước. Đột ngột thấy gió thổi ù ù, đột ngột thấy hơi lạnh phả rát mặt, cóng buốt chân tay. Hai mẹ con nấp kỹ trong chăn bông, nghe hơi ấm sực lên từ mái tóc mềm mại, từ đôi má phúng phính hồng và bàn tay bé nhỏ của con gái. Tự dưng cái cảm giác ấm áp của bếp lửa nhà sàn giữa mùa đông giá rét năm nào lại mơ màng tìm đến...  

5 tuổi, tôi luôn nghĩ rằng, người già không cần ngủ. Bởi lẽ, mỗi lần về thăm ông bà nội, khi tôi đi ngủ, vẫn thấy ông bà lụi cụi bên bếp lửa. Khi tôi giật mình tỉnh giấc vì tiếng ngỗng kêu quàng quạc, ngoài trời còn tối om, đã thấy ông đang ngồi gẩy bếp cho bà đun nấu nồi gì đó toả hơi ngùn ngụt. Những lúc đó, tôi thường rúc sâu vào chăn, thò một tí mặt ra ngoài, he hé mắt nhìn ngọn lửa tí tách, mờ tỏ. Ngoài trời, gió rừng vần vũ đuổi nhau trên mái cọ, réo ù ù qua những tán cây rậm rạp, chỉ nghe thôi cũng biết là lạnh lắm. Hơi lạnh len qua vách gỗ, chui lên từ sàn nhà, bâng khuâng dạo khắp mấy gian nhà thênh thang. Nếu không có cái ánh lửa bập bùng và ấm áp kia, tôi chắc mọi thứ đã bị đông cứng lại. Khung cảnh êm ái lại dỗ tôi vào giấc ngủ chập chờn, tai vẫn nghe bước chân nhè nhẹ, rón rén của ông vì sợ tiếng cót két của sàn nhà đánh thức mọi người...

Giống như bao ngôi nhà sàn khác trong bản, ngôi nhà sàn 5 gian của ông bà nội có một bếp lửa ở gian trong cùng. Từ ngày biết nhớ đến giờ, tôi chưa từng thấy ông bà nhóm bếp, đơn giản vì ngọn lửa ấy chưa bao giờ tàn lụi. Ngày này qua ngày kia, tháng này qua tháng khác, dù có lúc không cháy lên thành ngọn, lửa vẫn giấu mình trong những viên than hồng, dưới lớp tro xám mịn, chờ một hơi thổi nhẹ lại bùng lên reo tí tách…

Cũng bên bếp lửa này, chắc rằng ngày bé, bố cùng các chú cũng từng như anh em tôi, háo hức chờ đợi ông nướng đùi ếch, cá suối…

Đối với người dân quê tôi, bếp lửa không chỉ là nơi nấu nướng, mà đó là nơi quần tụ của mỗi gia đình sau một ngày làm việc mệt nhọc. Khách đến nhà, nếu thân thiết cũng thường đi thẳng vào bếp ngồi chơi, uống nước, trò chuyện, chứ chẳng mấy khi lên đỉnh đảng - là tấm phản sát cửa sổ ở gian giữa - vốn là nơi tiếp khách.

Những ngày gia đình tôi về thăm ông bà, buổi tối, anh em họ hàng, bà con làng trên xóm dưới đốt đuốc đến chơi chật mấy gian nhà. Ánh lửa bập bùng, hắt ánh sáng ấm áp lên từng khuôn mặt, khiến câu chuyện càng về khuya càng thêm rôm rả. Bà nội móm mém cười, cứ nhắc mãi những câu chuyện ngày bé của bố, rồi nhìn anh em tôi bảo: "Con nó giờ bằng này rồi đây".

Cũng bên bếp lửa này, chắc rằng ngày bé, bố cùng các chú cũng từng như anh em tôi, háo hức chờ đợi ông nướng đùi ếch, cá suối; chờ bà vùi sắn, luộc ngô, ỏm cọ...; chắc cũng nhiều lần vùi hạt mít mật vào nướng mà quên cắt mắt khiến nó nổ tung, tro bay mù mịt. Chắc cũng bao lần ngủ gật mà vẫn không chịu lên giường vì luyến tiếc cái cảm giác ấm áp từ than hồng toả ra, từ giọng nói rề rà của bà khi kể chuyện ngày xưa...

Bao nhiêu năm rồi, chỉ có con người là lớn lên và già đi, còn nhà sàn và bếp lửa vẫn vậy, giống như nếp sống của người dân quê tôi. Nhất là khi hơi Xuân đã theo gió rét về đậu trên những nụ hoa mận trắng e dè mọc trên những cành cây khô khốc. Quây quần bên bếp lửa, người lớn nấu nướng, trò chuyện; trẻ con nướng ngô, vùi sắn rồi chí choé trêu nhau. Những câu chuyện từng kể cho anh em tôi, giờ lại được bà tỉ mẩn kể cho mấy đứa chắt đang vây xung quanh...

Câu chuyện cứ ngỡ vừa hôm qua, hôm kia thôi, khi tôi còn là một đưa bé háo hức ngắm những cành mận bắt đầu nhú lên những chiếc nụ xanh xanh, bé xíu. Ấy là tín hiệu đầu tiên báo cho tôi biết rằng, Tết sắp về. Với một đứa trẻ con nhà nghèo nơi núi rừng là tôi lúc ấy, Tết thật diệu kỳ. Bởi những ngày đó, bát cơm sẽ không độn thêm củ mài, trên mâm sẽ có thịt, có cá, chứ không đơn độc mỗi bát canh lõng bõng mấy búp sắn muối chua… Tôi còn được níu áo bố mẹ đi chơi khắp xóm, được về quê ngoại cách đó mấy giờ đi bộ đường rừng, mà cả năm bận bịu, bố mẹ chả mấy lúc về thăm. Niềm vui ấy khiến tôi cứ đếm ngày, đếm tháng, chờ những cây mận ven đường làng bung ra cái sắc trắng diệu kỳ, nhuốm lên những mái lá nhà sàn đã bạc vì mưa nắng một không khí thật tươi mới, tinh khôi…

Một buổi trưa, lúc mẹ đi nương về, tôi không thấy trên vai mẹ có bó củi như thường lệ mà là mấy cuộn lá dong, lá chít rất to - tôi biết ngay là Tết đã cận kề rồi. Cây đào phai trước nhà cũng thấy bắt đầu chúm chím nụ… Mẹ và chị lấy thóc nếp để dành từ vụ chiêm ra xay, tiếng cối xay ù ù khắp hai gian nhà bếp. Xay xong, chị lại hì hục chuyển xuống gầm chạn, đổ vào cối giã. Đêm ấy, mấy lần tỉnh giấc, tôi vẫn nghe tiếng kẽo kẹt của giàn cối bằng gỗ theo mỗi bước nhún chân của chị. Sáng dậy, mắt nhắm mắt mở chui từ chăn ra, tôi đã thấy cái dáng ngồi cong cong của chị đang sàng gạo ở dưới bếp rồi, mẹ đang đứng ở mép giàn thích, tay cầm nia, nhẹ nhàng sảy gạo. Vừa làm, mẹ vừa bảo chị: “Chỗ này chắc đủ gói chục cặp bánh nẳng và hai chục cái bánh chưng rồi”.

Với người bản tôi, có hai thứ bánh cổ truyền không thể thiếu trong ngày Tết, đó là bánh nẳng và bánh chưng. Để gói bánh nẳng, người ta dùng lá cây chít - thứ cây mọc khắp các triền đồi, triền núi. Gạo nếp ngâm nước tro đã lắng cặn một ngày (phải là tro của cây vừng hoặc vỏ chuối tiêu phơi khô rồi đốt cháy), đãi sạch rồi để ráo, bốc một nắm khum khum lòng bàn tay rồi rải đều theo chiều dài của lá, chập hai mép lá gấp lại, hai đầu lá cũng bẻ xuống rồi cuốn lạt giang vòng trong theo thân bánh. Lá chít thuôn dài, vừa vặn để gói chiếc bánh nẳng to hơn hai ngón tay một chút, dài khoảng gang rưỡi. Bánh chín có màu nâu óng mượt, trong suốt, quyện thành một khối. Ăn cùng với bánh nẳng nhất thiết phải là mật mía cất vừa tới, vàng nâu sóng sánh. Dùng một chiếc đũa ăn cơm hoặc que tre vót nhỏ xắn từng miếng, chấm vào bát mật, đưa lên miệng, khe khẽ nhai và cảm nhận vị dẻo dai, ngọt mát thanh tao của sản vật quê hương đang tan ra và thấm vào vị giác…

Bánh chưng quê tôi cũng có nhiều điểm đặc biệt, nó không vuông như bánh chưng của người Kinh, mà tròn và dài như bánh tét của người miền Nam . Bánh chưng của người Tày cũng gói bằng lá dong, thứ lá dong mọc đầy rừng, rất dài và to bản. Để hai chiếc lá trở đầu đuôi trên lòng bàn tay, xúc một bát gạo rải đều dọc theo lá, tiếp một lượt đỗ xanh, rồi đặt những miếng mỡ thái con chì đã ướp nước mắm, hạt tiêu dọc theo chiều dài của chiếc bánh, rồi đổ thêm một lượt đỗ xanh, một lượt gạo trên cùng nữa… Mỗi lần mẹ và chị gói bánh, tôi cũng lân la ngồi cạnh chờ hai người sai nối lạt, lau lá, xếp bánh, bao nhiêu lần buồn ngủ đến díp mắt mà vẫn không chịu vào giường để cố chờ gói đến chiếc bánh cuối cùng.

Lúc vớt bánh cũng vui không kém. Từ nồi nước nghi ngút khói, từng chiếc bánh được bố vớt ra, thả vào chậu nước lạnh ngay gần bếp, mẹ đã chờ sẵn với chiếc khăn dùng để rửa sạch hết mỡ bám bên ngoài bánh để khi khô, lá không bị thâm. Rửa xong, mẹ thả bánh vào chiếc nia đặt gần đó, chị cả và tôi xỏ lạt vào dây buộc ở từng đầu chiếc bánh rồi treo lên cái sào nứa bố đã bắc sẵn từ chiều ở góc bếp. Mỗi lát bánh xắt ra, dày khoảng một đốt ngón tay, hình tròn như đồng tiền xu (nên ở quê tôi người ta gọi mỗi lát bánh ấy là đồng bánh), ở giữa là chấm tròn nhỏ màu trắng trong của mỡ nấu nhừ, tiếp đến là màu vàng của đỗ xanh và ngoài cùng là màu trắng của nếp. Cái dẻo thơm của gạo nếp, vị bùi của đỗ, ngầy ngậy của mỡ, lại có thêm mùi thơm cay nồng của hạt tiêu..., giờ tôi mới hiểu đó là hương vị quê nhà!

Chiều ba mươi, trong lúc mẹ và chị cả vẫn loay hoay với đống nồi niêu, bát đĩa, thịt, bánh chuẩn bị cho bữa cúng tất niên; tôi dắt thằng cu em theo bố xuống sân trước nhà, tỉa tót lại cây đào phai. Quê tôi không có cái lệ cắm cành đào trong nhà vì hầu như trước sân nhà nào cũng có cây đào phai hoặc mận, mấy ngày Tết hoa nở kín cành, ai thích ngắm thì cứ nhìn ra vườn…

Cắt tỉa lá sâu, hoa héo xong cho cây đào, chị em tôi lại lẽo đẽo theo bố lên bụi mía sau nhà, xem bố chặt hai cây mía thẳng, mập và cao nhất. Hai cây mía đó sẽ được dựng hai bên ban thờ, người Tày quan niệm đó là cây gậy để ông bà tiên tổ chống lúc về ăn Tết với con cháu… Khi những cây nhang được thắp lên, khói bay lẩn khuất khắp năm gian nhà, tôi đã lần đầu tiên cảm nhận được trong niềm vui rộn ràng của ngày Tết, còn có một không khí thật thiêng liêng, trầm mặc…

Tết quê tôi bao năm rồi vẫn thế, nhà nào cũng vài cặp bánh nẳng, hai ba chục cái bánh chưng, ba bốn nhà chung nhau thịt một con lợn; ban thờ vẫn có hai cây mía dựng hai bên… Ngày mùng ba, dân làng vẫn tụ hội ở bãi đất đầu làng, giờ đã được san ủi bẳng phẳng hơn, để tung còn cầu lộc. Nhìn những cặp má đỏ hây còn ấm hơi bếp lửa của lũ trẻ con, ôi chao là nhớ thời thơ trẻ lam lũ mà dịu ngọt đã xa!