Bí quyết nhân tài khoản của một nhà đầu tư cá nhân từng lỗ 40% và ngừng giao dịch

Bí quyết nhân tài khoản của một nhà đầu tư cá nhân từng lỗ 40% và ngừng giao dịch

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Từng lỗ 40% tài khoản, không biết cách xử lý và ngừng giao dịch, nhà đầu tư Lã hữu Hợp đã quay lại thị trường với số tiền còn lại và hiện đang là nhà đầu tư có hiệu suất sinh lời tốt, nhân x lần tài khoản.

Theo giới thiệu trong chương trình Bí mật đồng tiền số 36, La Hữu Hợp sinh năm 1993, là nhà đầu tư toàn thời gian. Để quay lại với thị trường, La Hữu Hợp đã chuẩn bị kiến thức về thị trường chứng khoán bằng cách đọc rất nhiều sách liên quan, đọc hàng ngày. Nhà đầu tư này đã quay lại với số tiền còn lại, và tới nay đã có được kinh nghiệm thực tế rất nhiều.

Hiện Hợp đang nắm giữ cổ phiếu hóa chất và phân bón và cho rằng, những mã ngành để trading thực tế, bám sát thị trường trong thời gian tới là dòng chứng khoán (khi điều chỉnh về mức hợp lý thì mở vị thế mua mới) được hưởng lợi trực tiếp từ T+2.

Theo La Hữu Hợp, để tạo nền tảng thì đến từ 3 yếu tố thời gian, kiến thức và tiền bạc, cần tích lũy thật nhiều, và sau đó là yếu tố thứ 4 “mối quan hệ” sẽ giúp mình bù đắp các thứ còn lại. Khi những người xung quanh tốt và giỏi thì bạn sẽ không bao giờ xấu và nghèo! “Phải tin vào thị trường, tin vào chính mình, chứ khi thị trường giảm thì ông hội nhóm nào cũng bỏ chạy trước mình thôi”, nhà đầu tư Hợp nói.

Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng CTCK SSI chia sẻ, yếu tố mà nhà đầu tư cần chú ý là “kỳ vọng hợp lý”. Cụ thể là nhà đầu tư xem tivi thấy một nhà đầu tư nhân tài khoản trong 1 năm, và tự gây sức ép cho mình, từ đó xây dựng các kỳ vọng không hợp lý rằng mình cũng phải làm được như thế, trong khi để đạt được kết quả đó thì họ đã trải qua cả một quá trình. Đây là yếu tố quan trọng, phải xây dựng kỳ vọng hợp lý mới có thể thành công trong đầu tư.

Yếu tố thứ 2 là “Không fomo”. "Lúc mới vào thị trường ai cũng thế - mãi không chữa được - khi thị trường giảm nhẹ là bán vội, còn lên vài phiên thì lập tức mua đuổi, nếu bỏ được thói quen này thì trong đầu tư sẽ tốt", theo ông Hưng.

Chia sẻ về cách lựa chọn ngành và cổ phiếu, nhà đầu tư Hợp cho biết, chia theo từng nhóm nhỏ theo thị trường, nhóm nào được hưởng lợi thì tập trung mua và hết sóng thì thoát, rồi theo dõi các nhóm tiếp theo.

Nhà đầu tư này không quan tâm lắm đến thị trường, không dự báo đáy hay đỉnh thị trường, mà quan tâm hơn tới các nhóm cổ phiếu hưởng lợi nhiều. Chẳng hạn như nhóm cổ phiếu phân bón giai đoạn vừa qua, được hưởng lợi từ chênh lệch cung - cầu, giá cổ phiếu chưa chạy nhiều, còn ở mức hợp lý, và thông tin về ngành không phải dạng thông tin định hướng.

Bên cạnh đó, theo nhà đầu tư Hợp, không nên quá yêu cổ phiếu mà hành động sai, chẳng hạn mua cổ phiếu VNM giá 100.000 đồng/CP thì ở hiện tại vẫn đang lỗ, trong khi nếu chọn lọc tốt cổ phiếu penny thì vẫn sinh lãi tốt.

Sau khi đã chọn được nhóm ngành, thì nhà đầu tư Hợp tiếp tục quan sát theo dòng tiền, xem thị trường quan tâm đến mã nào nhiều nhất. Trong ngắn hạn, nhà đầu tư nhỏ với số tiền không quá nhiều để có thể chọn những mã nằm ở ngách nhỏ hơn, thanh khoản ít hơn trong cùng nhóm ngành, chẳng hạn với nhóm chứng khoán thì không chọn mã top đầu như SSI, VND, mà có thể mạo hiểm hơn, đánh đổi lợi nhuận với rủi ro như VIX, APG.

“Nhà đầu tư cầm 100 triệu đồng có thể tìm kiếm cơ hội ở những mã kiểu như vậy thì dễ nhân đôi tài khoản hơn, còn cầm 3 tỷ đồng thì chắc chắn giải ngân sẽ phải cân nhắc hơn. Còn lo sợ điều ngược lại là “rủi ro chia đôi” thì phụ thuộc vào điểm vào, khi cả nhóm ngành hưởng lợi thì những mã đầu ngành sẽ dẫn dắt, có thể tăng 3-5% thì cùng lúc đó các mã nhỏ bên dưới có thể đã tăng trần. Mình vẫn sẽ mua theo nhóm ngành”, nhà đầu tư Hợp nói.

Ông Phạm Lưu Hưng cũng đồng tình rằng, cầm tiền nhỏ thì dễ giải ngân hơn hẳn, như các quỹ đầu tư cũng có câu chuyện tương tự. Với các quỹ quy mô tương đối nhỏ vài triệu USD, thì hiệu quả đang tương đối tốt, ra vào khá nhanh, nhưng quy mô lên cả tỷ USD thì performance cũng khó hơn.

"Khi đó những cổ phiếu nhỏ, thanh khoản ít thì cũng không thể giải ngân được, mà có giải ngân thì do vốn hóa nhỏ nên không chiếm tỷ trọng đáng kể trong danh mục, có nhân đôi nhân ba thì cũng không tác động nhiều tới danh mục. Nói chung quy mô NAV lớn thì khó hơn", ông Hưng chia sẻ.

Nói về các nhóm ngành đang được hưởng lợi từ diễn biến trên thế giới, chẳng hạn như nhóm đường, ông Hưng cho rằng, không chỉ hưởng lợi từ thuế tự vệ mới công bố tháng trước, mà vấn đề trên thị trường thế giới, nhu cầu đường cao trong khi nguồn cung hạn chế, như Brazil đang vẫn bị hạn hán nên nguồn cung cũng kém, và mức premium (chênh lệch giá) để các nhà giao dịch nước ngoài hiện đang ở mức cao, nên margin (biên lợi nhuận) sẽ cải thiện tốt. Đây là ngành dự báo có kết quả kinh doanh tốt trong thời gian tới.

Còn theo góc nhìn của nhà đầu tư trẻ La Hữu Hợp, cổ phiếu ngành đường không quá đa dạng để lựa chọn, số lượng doanh nghiệp tương đối ít, nên để chọn được doanh nghiệp có khả năng nở margin ra hay không thì phải chú ý thêm hàng tồn kho và nguồn cung nguyên vật liệu có tốt không, hay giá đường lên không chênh lệch mấy so với chi phí đầu vào tăng thì biên lợi nhuận cũng chưa có gì thay đổi.

Ông Hưng chia sẻ thêm, có nhiều doanh nghiệp ngành đường nhưng không phải làm đường là chính, mà có thể đến từ bán sản phẩm như đồ uống ít đường, hay đồ uống không đường - lại đang bán rất tốt. Xu hướng xã hội cũng đang là tiêu thụ ít đường.

Với ngành lương thực thực phẩm trong tháng qua có tăng 5-10% cũng phán ánh một phần tình trạng có thể thiếu lương thực trên thế giới (xung đột Nga – Ukraine, hạn hán ở Trung Quốc), nhưng ông Hưng cho rằng, cũng tùy mặt hàng, như gạo thì giá xuất khẩu của Việt Nam khá ổn định, không có mức tăng quá mạnh, nên cần xem xét thêm cả khối lượng xuất khẩu.

Dĩ nhiên, một số ngành đang “hot”, ví dụ với thời tiết hạn hán ở Brazil ảnh hưởng không chỉ nguồn cung đường, mà còn cà phê. Ở Việt Nam hiện nay, sản lượng xuất khẩu cà phê đang giảm, kỳ vọng sẽ hưởng lợi khi giá cà phê đang tăng.

Nông sản đang hưởng lợi do hạn hán kéo dài, ông Hưng cho rằng, tùy theo nguồn cung của Việt Nam có đủ cung ứng hay không, dù thực tế nguồn cung nông sản nhiều mặt hàng đang thấp, không chỉ đường, mà như tin New Zealand đang nghĩ đến chuyện cấp quota xuất khẩu cho các mặt hàng bơ sữa… chặn dần xuất khẩu, nếu chuyện này kéo dài thì nguồn cung trên thế giới giảm khá nhanh, khi đó xuất khẩu Việt Nam có thể hưởng lợi.

Tin bài liên quan