Biến số lớn nhất quyết định dòng tiền vào thị trường chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mức độ tăng của lãi suất huy động là biến số lớn nhất quyết định dòng tiền vào TTCK cũng như triển vọng tăng trưởng 2023.

Báo cáo thị trường tháng 12 của Quỹ Ballad Fund đáng chú ý khi nhận định thị trường tài chính dịch chuyển dần từ lo sợ lạm phát cao kéo dài sang kỳ vọng lạm phát hạ nhiệt nhanh và FED sẽ kết thúc chu kỳ tăng lãi suất ở quý I/2023.

Mặc dù FED tiếp tục hút tiền qua chương trình thắt chặt định lượng (QT) ở tốc độ nhanh, USD Index và lãi suất trái phiếu của Mỹ đã tạo đỉnh và tiếp tục giảm mạnh trong tháng 11. Sự đảo chiều của đồng bạc xanh đã giúp dòng tiền ưa thích rủi ro lan toả khắp các thị trường tài chính toàn cầu, trong đó có cả Việt Nam.

Theo nhiều khảo sát và thống kê từ các hãng lớn, dòng chảy vốn sang tài sản rủi ro đang ở mức trung tính, chưa đến cấp độ nóng. Đây là điểm tích cực có thể hỗ trợ thị trường chứng khoán toàn cầu cho tới lúc USD tăng trở lại hoặc rủi ro suy thoái rõ nét hơn đe dọa triển vọng lợi nhuận.

Quỹ này cho rằng, tâm điểm của thị trường chứng khoán toàn cầu trong ba tháng tới sẽ chuyển dần từ kỳ vọng FED ngưng tăng lãi suất và đồng USD giảm giá sang mối lo về suy giảm tăng trưởng và suy thoái toàn cầu. Các chỉ số vĩ mô của Mỹ (nền kinh tế vẫn đang mạnh nhất trong các nước phát triển) đang yếu đi khi các yếu tố đi trước gồm niềm tin doanh nghiệp (CEO confidence index), niềm tin tiêu dùng, tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình, PMI đều đang tiếp tục tạo mức thấp mới của năm 2022. Những yếu tố này cùng với áp lực lãi suất cao sẽ tác động tới kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp trong 2023.

Nếu như tâm điểm kinh tế và thị trường trong 2022 là sự tăng mạnh của lạm phát và lãi suất, thì tâm điểm của 2023 có thể là sự tăng lên tỷ lệ thất nghiệp.

Sự hồi phục của thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng được kích hoạt bởi dòng tiền ngoại. Trong cả tháng 11, nhà đầu tư ngoại mua ròng kỷ lục gần 20 nghìn tỷ đồng, giải ngân diện rộng trên các mã vốn hoá lớn. Dòng vốn ngoại vào mạnh nhờ hai yếu tố: rủi ro tỷ giá đã bộc lộ và dần ổn định và định giá của chứng khoán Việt Nam về thấp nhất của nhiều năm trong khi chứng khoán thế giới đã bật lại rất mạnh từ một tháng trước.

Một tâm điểm chính mà quỹ dành nhiều sự chú ý hơn trong giai đoạn này là một năm qua, hệ thống ngân hàng đẩy nhanh tín dụng trong khi cung tiền (M2) hạn chế đã khiến khoảng cách giữa dư nợ tín dụng và vốn huy động (LDR) bị đẩy lên mức cao, gây căng thẳng thanh khoản và kích hoạt cuộc đua lãi suất. Chỉ khi LDR quay trở lại mức trần quy định của NHNN, các ngân hàng mới dừng cuộc chạy đua tăng lãi suất hiện nay và xác lập đỉnh lãi suất huy động cũng như cho vay.

Hai động lực quan trọng của giá và định giá cổ phiếu là lãi suất và tăng trưởng vẫn đang ở xu hướng tiêu cực, trong đó tác động của lãi suất tăng mạnh và căng thẳng thanh khoản gần đây đã thay đổi đáng kể bức tranh triển vọng tăng trưởng của nhiều ngành nghề và doanh nghiệp niêm yết trong năm 2023.

Tuy vậy, nhìn lại suốt chiều dài lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam, những giai đoạn lãi suất cao, triền vọng tăng trưởng u ám nhất thường cũng tương ứng với vùng định giá thấp lịch sử. Giai đoạn này cũng là lúc cần tập trung nhất để chọn ra các ngựa đua tiềm năng nhất cho danh mục đầu tư để đón đầu chu kỳ tăng trưởng mới.

Tin bài liên quan