Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp liên tục được nhắc tên trong báo cáo kiểm toán

0:00 / 0:00
0:00
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2023 của Kiểm toán nhà nước.
Phó tổng kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ báo cáo tại phiên họp .

Phó tổng kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ báo cáo tại phiên họp .

Bộ Công Thương và Bộ Tư pháp hơn một lần cùng xuất hiện trong danh sách để xảy ra những vi phạm trong quản lý tài sản công.

Sáng 12/9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2023 của Kiểm toán nhà nước.

Tổng hợp kết quả kiểm toán đối với 61 báo cáo kiểm toán đã phát hành, Kiểm toán nhà nước cho biết đã kiến nghị xử lý 10.723 tỷ đồng, trong đó số kiến nghị tăng thu NSNN 980 tỷ đồng, giảm chi NSNN 2.234 tỷ đồng; kiến nghị khác 7.409 tỷ đồng.

Đồng thời, Kiểm toán nhà nước cũng kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 90 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn; kiến nghị chấn chỉnh hoạt động của đơn vị được kiểm toán và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Báo cáo một số kết quả kiểm toán chủ yếu, Kiểm toán nhà nước nêu, một số đơn vị còn sử dụng xe ô tô vượt quy định.

Cụ thể, tính đến 31/12/2022, một số đơn vị trực thuộc Bộ Công thương đang quản lý sử dụng xe vượt 109 xe (trong đó 93 xe hư hỏng không còn sử dụng được).

Bộ Tư pháp đến 24/4/2023, đang quản lý và sử dụng vượt định mức 2 xe ô tô (xe ô tô đã hết hao mòn, đang thực hiện thủ tục thanh lý).

Bộ Công Thương chưa thực hiện việc chuyển từ giao đất sang thuê đất để kê khai và nộp tiền thuê đất.

Bộ Tư pháp chưa phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện các thủ tục liên quan về nộp tiền thuê đất theo quy định đối với các đơn vị công lập tự chủ tài chính.

Thuộc Bộ Công Thương có 10 đơn vị; Bộ Tư pháp có Trường Đại học Luật Hà Nội, Cục thi hành án dân sự TP.HCM còn tồn tại trong công tác cho thuê tài sản, liên doanh.

Cũng vẫn là hai bộ trên còn tình trạng đất bị lấn chiếm. Bộ Công Thương (3 đơn vị 9.977,5m2); Bộ Tư pháp (139 Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình, TP. Hà Nội, 111m2).

Qua kiểm toán còn cho thấy, một số chi nhánh thuộc Ngân hàng Chính sách xã hội có tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh cao gấp nhiều lần so với số bình quân chung của hệ thống, kéo dài nhiều năm nhưng Ngân hàng Chính sách xã hội chưa có biện pháp hiệu quả để khắc phục; cho vay sai đối tượng, vượt hạn mức.

Cụ thể, chi nhánh Bạc Liêu, Sóc Trăng, An Giang, Cà Mau có số tiền quá hạn, nợ khoanh chiếm tỷ lệ từ 3% - 12% so với tổng số nợ quá hạn, khoanh của toàn quốc liên tục từ năm 2019 đến năm 2022.

Trong phối hợp công tác, Phó tổng kiểm toán Doãn Anh Thơ cho biết, đến ngày 15/8/2023 đã cung cấp 265 báo cáo kiểm toán và tài liệu có liên quan cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.

Kiểm toán nhà nước cũng cung cấp nhiều báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán liên quan đến các nội dung giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.

Trong 8 tháng đầu năm 2023 thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo điều tra 1 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật, báo cáo nêu.

Thẩm tra, có ý kiến tại Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng với quy mô, phạm vi kiểm toán khá rộng, nhưng kết quả kiểm toán phòng chống tham nhũng Kiểm toán nhà nước mới chỉ kiến nghị xem xét chỉ đạo 1 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật là chưa tương xứng. Đề nghị Kiểm toán nhà nước có giải pháp đẩy mạnh tổ chức thực hiện để cải thiện thực trạng này.

Về kết quả khác, cơ quan thẩm tra nhận xét, so với cùng kỳ năm 2022, số kiến nghị sửa đổi, bổ sung ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tương đương cùng kỳ năm trước (năm 2022 kiến nghị 102 văn bản). Tuy nhiên, số kiến nghị xử lý về tiền 8 tháng đầu năm 2023 chỉ bằng 20,6% cùng kỳ năm 2021 và 48,7% cùng kỳ năm 2022.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị Kiểm toán nhà nước cần đánh giá làm rõ nguyên nhân kết quả này là do các Bộ, ngành, địa phương năm 2022 đã tăng cường kỷ luật, kỷ cương, không còn vi phạm trong quản lý, sử dụng NSNN, tài chính công, tài sản công, nên số kiến nghị xử lý giảm nhiều so với các năm trước; hoặc là do số cuộc kiểm toán năm 2023 giảm so với các năm trước.

Hoặc do việc xây dựng kế hoạch kiểm toán năm 2023 đã lựa chọn các chuyên đề, các cuộc kiểm toán không phù hợp, không lựa chọn kiểm toán các đối tượng có nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng NSNN, tài chính công, tài sản công; hoặc có hay không trường hợp các đơn vị kiểm toán/các Đoàn kiểm toán loại trừ các vấn đề phức tạp hoặc có sai phạm không tổ chức kiểm toán? - cơ quan thẩm tra đặt câu hỏi.

Tin bài liên quan