Bộ Công thương: Xuất khẩu phục hồi, nhưng còn chậm

0:00 / 0:00
0:00
Xuất khẩu hầu hết các mặt hàng chính trong tháng 10/2023 đạt mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ, nhưng trên mức nền tương đối thấp của cuối năm ngoái, và độ phục hồi còn chậm.
Xuất khẩu giày dép phục hồi chậm, hết 10 tháng, kim ngạch giảm 20,2% so với cùng kỳ năm trước

Xuất khẩu giày dép phục hồi chậm, hết 10 tháng, kim ngạch giảm 20,2% so với cùng kỳ năm trước

Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại tháng 10/2023 và 10 tháng 2023 của Bộ Công thương tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng tích cực hơn ở một số nhóm hàng xuất khẩu chủ lực.

Sau mức sụt giảm của xuất khẩu trong tháng 9 (giảm 6,3%), xuất khẩu tháng 10 lấy lại đà tăng trưởng, ước đạt 32,3 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng trước và tăng 5,9% so với cùng kỳ 2022.

Lũy kế 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt 291,3 tỷ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy mức suy giảm trong tăng trưởng xuất khẩu đã thu hẹp đáng kể so với mức giảm 12% trong nửa đầu năm 2023.

Bộ Công thương phân tích, xuất khẩu các mặt hàng chính trong tháng 10 đều đạt mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm ngoái do sự phục hồi ở phía cầu và mức nền tương đối thấp của các tháng cuối năm 2022.

Trong đó, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục có sự phục hồi tích cực trong tháng 10 với kim ngạch xuất khẩu tăng 4,6%. Tuy nhiên, tính chung 10 tháng, xuất khẩu nhóm hàng này giảm 8,3% so với cùng kỳ năm 2022, ước đạt 247,34 tỷ USD.

Nguyên nhân chủ yếu là do kim ngạch xuất khẩu của hầu hết mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm này đều giảm so với cùng kỳ năm trước (05/7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD thuộc nhóm hàng công nghiệp chế biến giảm).

Đơn cử, điện thoại các loại và linh kiện giảm 12,6% (đạt 44,02 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 7,1% (đạt 35,51 tỷ USD); hàng dệt may giảm 12,5% (đạt 27,8 tỷ USD); giày dép các loại giảm 20,2% (đạt 16,05 tỷ USD); gỗ và sản phẩm gỗ giảm 19,9% (đạt 10,8 tỷ USD).

Chỉ có một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước, như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, tăng 0,7% (ước đạt 47 tỷ USD); phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 18,1% (ước đạt 11,58 tỷ USD).

"Mặc dù xuất khẩu một số mặt hàng công nghiệp chế biến như dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ…, đã có tín hiệu phục hồi hơn trong thời gian gần đây nhưng nhìn chung đà phục hồi còn chậm", Báo cáo nêu.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản trong tháng 10/2023 giảm 51,1% so với cùng kỳ năm 2022, 10 tháng chỉ đạt 3,27 tỷ USD, giảm 20,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Phục hồi chậm cũng là nhận định của các Chuyên gia Ngân hàng HSBC. Trong báo cáo mới nhất, HSBC cho rằng, Việt Nam khởi đầu quý IV/2023 trên tâm thế tích cực, xuất khẩu tiếp tục có sự chuyển biến dần dần, nhưng sự phục hồi không hẳn đồng đều.

"Trong khi một số mặt hàng điện tử tiêu dùng (trừ điện thoại) đã vượt qua giai đoạn đáy thì dệt may và da giày tiếp tục chứng kiến lượng đơn đặt hàng sụt giảm, dẫn đến tình trạng sa thải liên tục", báo cáo HSBC nhấn mạnh.

Chịu tác động từ sức mua toàn cầu yếu đi, nên các ngành hàng đều gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu, nhất là đối với hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu, do vậy kim ngạch xuất khẩu 10 sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm.

Tuy nhiên mức độ suy giảm có xu hướng thu hẹp dần và mức độ tác động đến xuất khẩu từng ngành hàng có sự khác nhau (xuất khẩu tới thị trường châu Á giảm 2%; thị trường châu Âu giảm 7,2%; thị trường châu Mỹ giảm 15,8%; thị trường châu Phi tăng 6,1%; châu Đại dương giảm 6,5%).

Điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa 10 tháng qua là suy giảm xuất khẩu ngày càng được thu hẹp (10 tháng giảm 7,1% so với mức giảm 12% trong nửa đầu năm 2023). So với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng xuất tháng 10 của khu vực kinh tế trong nước cao gấp 3 lần so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài kể cả dầu thô (tăng 15,1% so với mức tăng 3%);.

Bộ Công thương đang kỳ vọng, xuất khẩu sẽ hồi phục tốt hơn trong 2 tháng cuối năm do đã xuất hiện tín hiệu ấm lên ở hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc, vốn là hai đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.

Chỉ số quản trị mua hàng tại Mỹ và Trung Quốc đều đang ở trên ngưỡng 50 điểm (cao hơn mức dự báo), trong khi lạm phát tại EU tháng 9/2023 thấp nhất hai năm qua. Tăng trưởng GDP quý III tại Trung Quốc đạt 4,9%, cao hơn mức dự báo (4,6%) và cao hơn so với mức tăng trưởng trong quý I (đạt 4,6%); doanh số bán lẻ tăng 5,5%, đều cao hơn mức dự báo..., cho thấy những dấu hiệu khởi sắc của nền kinh tế.

Tại Mỹ, theo Báo cáo từ Bộ Thương mại nước này, tốc độ tăng trưởng GDP quý III tăng 4,9%, cao hơn mức tăng trưởng trong quý II (tăng 2,1%) và cao hơn mức tăng dự báo (tăng 4,7%), là mức tăng mạnh nhất trong gần 2 năm.

Đi qua 10 tháng của năm, xuất khẩu lúc này vẫn đang thấp hơn mức thực hiện cùng kỳ năm trước hơn 22 tỷ USD. Thực tế này cho thấy, rút ngắn đà suy giảm trong 2 tháng còn lại là mục tiêu lớn nhất, chứ khó nói đến có tăng trưởng.

2023 là một năm đầy thử thách cho động lực tăng trưởng thương mại trọng yếu. Mặc dù chu kỳ thương mại toàn cầu đã có dấu hiệu phục hồi sơ khởi, xuất khẩu của Việt Nam vẫn bị suy giảm 7% tính từ đầu năm 2023 tới nay, một cản trở đáng kể đối với tăng trưởng. Trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa từ các nước phương Tây sụt giảm, các mặt hàng chủ đạo của Việt Nam xuất đi, từ điện tử tiêu dùng và may mặc/da giày đến đồ nội thất gỗ và máy móc, đều rơi vào tình trạng ảm đạm

Báo cáo Vietnam at a glance của HSBC.

Tin bài liên quan