Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế 2024

0:00 / 0:00
0:00
Đưa ra hai kịch bản tăng trưởng GDP năm 2024, sau khi tăng trưởng GDP quý I ước đạt 5,66%, nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị lựa chọn kịch bản 2 - với tăng trưởng GDP đạt 6,5%, cận trên mục tiêu Quốc hội quyết nghị.
Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2024. (Ảnh: VGP)

Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2024. (Ảnh: VGP)

Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế 2024

Mặc dù nhấn mạnh rằng, tình hình thế giới, khu vực thời gian tới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tạo thách thức, áp lực lớn lên chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế - xã hội, nhưng khi phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương và phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã chỉ ra rằng: “Cũng có những cơ hội, thuận lợi đan xen”.

Những cơ hội, thuận lợi này, theo Bộ trưởng, đến từ các xu thế lớn, sự dịch chuyển thương mại, dòng vốn đầu tư toàn cầu, sự phục hồi nhu cầu của một số thị trường, đối tác xuất khẩu lớn...

“Công nghiệp chế biến, chế tạo quý II dự báo tiếp tục phục hồi tích cực, đơn hàng tăng. Đây là điều kiện để chúng ta có thể đẩy mạnh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển năm 2024, làm giảm áp lực lên năm 2025, năm cuối thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, trên cơ sở kết quả quý I, dự báo tình hình quý II và cả năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự báo 2 kịch bản tăng trưởng năm 2024.

Cụ thể, ở kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế cả năm dự kiến đạt 6%, tức là đạt cận dưới mục tiêu Quốc hội quyết nghị. Để đạt con số này, 9 tháng cuối năm phải tăng khoảng 6,12%, trong đó tăng trưởng quý II là 5,85%, quý III và IV lần lượt là 6,22% và 6,28%, đạt mức cận dưới hoặc thấp hơn kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP.

Ở kịch bản 2, tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5%, cận trên mục tiêu Quốc hội quyết nghị. Theo đó, 9 tháng cuối năm phải tăng khoảng 6,75%; trong đó, tăng trưởng quý II là 6,32%, quý III và quý IV lần lượt là 6,79% và 7,08%. Tăng trưởng các quý cao hơn khoảng 0,1 điểm phần trăm so với cận trên kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị lựa chọn kịch bản 2. Trong điều kiện tình hình thế giới, trong nước chuyển biến thuận lợi hơn, tiếp tục nghiên cứu, triển khai các chính sách hỗ trợ mới về tài khóa, tiền tệ... để phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao nhất”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất.

Khai thác tối đa các động lực tăng trưởng mới

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đạt được kịch bản 2 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp. Trong đó, có các giải pháp, chính sách hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.

Cụ thể, theo Bộ trưởng, cần khẩn trương nghiên cứu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quy định gia hạn thuế, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; nghiên cứu chính sách giảm phí, lệ phí năm 2024. Đồng thời, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện giảm thuế suất thuế VAT để báo cáo Quốc hội xem xét thực hiện trong 6 tháng cuối năm tại Kỳ họp thứ 7.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh việc cần thúc đẩy mạnh mẽ động lực tăng trưởng truyền thống, khai thác tối đa động lực tăng trưởng mới.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh việc cần thúc đẩy mạnh mẽ động lực tăng trưởng truyền thống, khai thác tối đa động lực tăng trưởng mới.

“Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, tạo thuận lợi tối đa, tháo gỡ khó khăn tiếp cận vốn tín dụng; khẩn trương xây dựng, triển khai hiệu quả các gói tín dụng hỗ trợ một số ngành, lĩnh vực ưu tiên (như lúa gạo); công khai mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại trước ngày 10/4/2024; khẩn trương rà soát, hoàn thiện các quy định và tăng cường quản lý thị trường vàng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khuyến nghị.

Cùng với đó, theo Bộ trưởng, phải tập trung rà soát, sửa đổi các quy định, điều kiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở xã hội, tạo thuận lợi tối đa cho người dân được mua nhà ở xã hội và tiếp cận vốn vay; thúc đẩy tiến độ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, Đề án đầu tư 1 triệu căn nhà ở xã hội.

“Tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; khai thác tối đa các động lực tăng trưởng mới từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, trong thời gian tới, cần tập trung thu hút các dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn, công nghệ cao trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, hydrogen...; đồng thời, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Cùng với đó, tập trung xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nhất là những vấn đề tồn đọng, các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả; đẩy mạnh đầu tư trong các ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính.

Đồng thời, khẩn trương nghiên cứu, có giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hàng không duy trì đường bay, số máy bay thương mại, hạn chế ảnh hưởng lên giá vé, việc di chuyển của người dân và phát triển du lịch trong nước...

“Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc về nguồn cung cát, đá... để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, sân bay, cảng biển, đường cao tốc, dự án liên vùng, liên tỉnh, hạ tầng năng lượng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Tin bài liên quan