Năng lực trả nợ và tính hiệu quả trong hoạt động vay vốn của khách hàng là hai yếu tố cần giám sát.

Năng lực trả nợ và tính hiệu quả trong hoạt động vay vốn của khách hàng là hai yếu tố cần giám sát.

Bỏ mục đích vay vốn để cải cách quản lý

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mục đích vay vốn luôn được coi là điều kiện mặc định của Ngân hàng Nhà nước trong quản lý, giám sát hoạt động cho vay đối với giới ngân hàng. Yếu tố quản lý hành chính này đã đến lúc cần phải cải cách, đổi mới để phù hợp với thực tiễn hoạt động cho vay của giới ngân hàng.

Cách quản lý hiện nay về mục đích vay vốn

Hiện nay, hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng được quy định bởi Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016.

Theo đó, có ít nhất 5 điều quy định trực tiếp trong Thông tư số 39/2016/TT-NHNN có điều chỉnh và đưa mục đích vay vốn thành một điều kiện, đối tượng trong nội dung quy định mà các ngân hàng buộc phải tuân thủ.

Trước hết, ngay từ định nghĩa về “cho vay”, thì mục đích vay vốn đã được đưa ra như một yếu tố để xác lập nên định nghĩa về cho vay. Khoản 1, Điều 2 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định: “Cho vay là hình thức cấp tín dụng, theo đó tổ chức tín dụng giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi”.

Với định nghĩa này, có thể thấy, mục đích vay vốn là bắt buộc phải xác định trong việc cho vay. Nếu không xác định được mục đích vay vốn thì có nghĩa là không phải hoạt động cho vay.

Từ định nghĩa này đã làm hình thành nên một loạt các tư duy trong quản lý hoạt động cho vay của ngân hàng, dẫn đến các định nghĩa khác cũng có quy định tương tự về việc bắt buộc phải có yếu tố mục đích vay vốn như “Cho vay phục vụ nhu cầu đời sống”, “Cho vay phục vụ hoạt động kinh doanh”.

Mục đích vay vốn còn xuất hiện trong các yếu tố xác định phương án sử dụng vốn. Cụ thể, “mục đích sử dụng vốn” là một trong các yếu tố hình thành phương án sử dụng vốn buộc phải có theo quy định tại điểm a khoản 6 Điều 2 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN.

Không chỉ vậy, Ngân hàng Nhà nước còn đặt ra một trong các nguyên tắc trong hoạt động cho vay là yêu cầu “Khách hàng vay vốn tổ chức tín dụng phải đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích” tại khoản 2, Điều 4 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN. Như vậy, mục đích vay vốn không chỉ là một nội dung, một điều kiện mà trở thành nguyên tắc cơ bản trong hoạt động cho vay.

Ngoài ra, trong hoạt động cho vay, các tổ chức tín dụng phải đáp ứng các điều kiện về vay vốn.

Mục đích vay vốn đã được đưa vào thành một điều kiện theo khoản 2 Điều 7 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, tổ chức tín dụng xem xét, quyết định cho vay khi khách hàng đáp ứng một trong các điều kiện là “Nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp”.

Như vậy, khi xem xét cho khách hàng vay, tính chất mục đích vay vốn là một yếu tố thuộc về điều kiện tín dụng mà các ngân hàng phải xác định.

Một quy định khác liên quan đến mục đích vay vốn tại Điều 16 về “Cung cấp thông tin”, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN. Quy định này yêu cầu khách hàng phải cung cấp thông tin cho tổ chức tín dụng và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của các tài liệu mình cung cấp, trong đó có “Báo cáo việc sử dụng vốn vay và chứng minh vốn vay được sử dụng đúng mục đích ghi trong thỏa thuận cho vay”.

Và cuối cùng quan trọng nhất là quy định tại Điều 23 về “Thỏa thuận cho vay”, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN. Điều khoản này quy định thỏa thuận cho vay phải được lập thành văn bản và một trong các nội dung tối thiểu phải có là “Mục đích sử dụng vốn vay”.

Như vậy, quy định về mục đích vay vốn hiện nay là một trong các điều kiện ràng buộc gần như chặt chẽ đối với các ngân hàng trong hoạt động cho vay mà các ngân hàng buộc phải tuân thủ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Trong trường hợp đi lệch khỏi hành lang pháp lý này thì các ngân hàng sẽ bị xử phạt theo quy định.

Ví dụ như theo Điều 14 về “Vi phạm quy định về cấp tín dụng”, Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, hành vi không kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng theo quy định của pháp luật bị phạt tiền đến 40.000.000 đồng; lập hợp đồng, thỏa thuận cấp tín dụng không đủ các nội dung theo quy định của pháp luật bị phạt tiền đến 60.000.000 đồng; cấp tín dụng đối với tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật bị phạt tiền đến 100.000.000 đồng…

Sự bất hợp lý khi quản lý mục đích vay vốn

Các tổ chức tín dụng, trong đó đặc biệt là các ngân hàng, hoạt động cho vay dựa trên nền tảng chủ yếu huy động vốn từ cộng đồng dân cư, tổ chức kinh tế. Nếu như cho vay không hiệu quả thì các tổ chức tín dụng sẽ phản ngược hậu quả cho xã hội, gây đổ vỡ về giá trị của đồng tiền, gây tình trạng mất thanh khoản của cả nền kinh tế.

Do vậy, Ngân hàng Nhà nước muốn quản chặt hoạt động cho vay của giới ngân hàng là đúng. Tuy nhiên, nếu lấy mục đích vay vốn là đối tượng chủ yếu trong quản lý tín dụng ngân hàng, thì lại là sai.

Thứ nhất, xét về nguyên lý trong hoạt động cho vay, mục đích vay vốn không phải là yếu tố then chốt để bảo đảm an toàn tín dụng. Trong hoạt động cho vay, đồng tiền chạy ra khỏi két ngân hàng và chạy về két ngân hàng là một quá trình mà sự an toàn của nó phụ thuộc vào việc ngân hàng đánh giá đúng hai yếu tố chủ yếu: Một là năng lực trả nợ của khách hàng và hai là tính hiệu quả trong hoạt động vay vốn của khách hàng. Khả năng đồng tiền quay trở về két ngân hàng hoàn toàn phụ thuộc vào sự đánh giá chính xác hai yếu tố trên chứ không phải mục đích vay vốn.

Thứ hai, cách dùng mục đích vay vốn để định nghĩa phân loại các dạng cho vay để quản lý giới ngân hàng hầu như không phù hợp với thực tiễn kinh doanh tín dụng của ngành ngân hàng.

Quy định hiện nay lấy mục đích vay vốn để định nghĩa, phân loại các dạng cho vay. Chẳng hạn như “Cho vay phục vụ nhu cầu đời sống”, “Cho vay phục vụ hoạt động kinh doanh”.

Cho vay phục vụ hoạt động kinh doanh được hiểu là dạng cho vay nhằm đáp ứng nhu cầu vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh thu lợi nhuận, ngoài mục đích tiêu dùng sinh hoạt. Còn cho vay phục vụ nhu cầu đời sống được xác định tại khoản 4 Điều 2 Thông tư số 39/2016/TT-NHN như sau: “Cho vay phục vụ nhu cầu đời sống là việc tổ chức tín dụng cho vay đối với khách hàng là cá nhân để thanh toán các chi phí cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân đó, gia đình của cá nhân đó”.

Với cách hiểu nêu trên, thì thể loại cho vay phục vụ nhu cầu đời sống tuyệt nhiên không được phép liên quan gì đến khía cạnh kinh doanh.

Từ việc phân loại các dạng cho vay theo mục đích vay vốn nêu trên, các ngân hàng tại Việt Nam thường phân chia hoạt động cho vay của họ thành hai mảng chính với tên gọi là cho vay tiêu dùng và cho vay kinh doanh.

Trong đó, những năm vừa qua, cho vay tiêu dùng được hầu hết ngân hàng chú trọng phát triển và mang lại nhiều doanh thu, lợi nhuận cho giới ngân hàng.

Vậy mà thực tế có một nghịch lý rất đáng lưu ý là có đến 60% khoản cho vay tiêu dùng thực ra nhằm mục đích kinh doanh. Bởi vì đối tượng vay vốn chính của các khoản vay này là những hộ kinh doanh, tiểu thương vay vốn để phục vụ cho các nhu cầu kinh doanh nhỏ lẻ.

Nếu như dựa trên định nghĩa về “Cho vay phục vụ nhu cầu đời sống” thì hoàn toàn không đúng, không khớp về mục đích vay vốn. Nhưng trên thực tế hoạt động cho vay này vẫn diễn ra ở các ngân hàng. Điều đó cho thấy quy định phân loại các dạng cho vay từ mục đích vay vốn đang áp dụng, khi đi vào thực tiễn cuộc sống thường khập khiễng với thực tế triển khai trong giới ngân hàng.

Thứ ba, quy định về thỏa thuận cho vay phải nêu rõ mục đích vay vốn là một sự gây khó cho giới ngân hàng. Có rất nhiều trường hợp thực tế ngân hàng không thể biết được khách hàng sử dụng vốn vay vào mục đích gì, nhất là cho vay tiêu dùng.

Trong hoạt động cho vay tiêu dùng, nhiều ngân hàng cho khách hàng vay thông qua việc giải ngân trực tiếp cho khách hàng (giải ngân vào tài khoản của khách hàng, thẻ tín dụng…). Khách hàng sử dụng vốn vay vào mục đích gì thì ngân hàng thực tế hoàn toàn không quan tâm, chỉ cần bảo đảm khả năng thu hồi nợ. Khi đã giải ngân trực tiếp, thì làm sao ngân hàng có thể biết và kiểm soát rằng khách hàng sẽ dùng tiền vay để mua ti vi, trả tiền thuê nhà, hay chi cho mục đích gì khác nữa... Ngân hàng không thể quản lý được vấn đề này.

Thứ tư, nhiều ngân hàng gặp trở ngại mất cơ hội kinh doanh cũng vì rào cản điều kiện mơ hồ về mục đích vay vốn phải hợp pháp.

Ảnh tác giả

Nhiều ngân hàng gặp trở ngại mất cơ hội kinh doanh cũng vì rào cản điều kiện mơ hồ về mục đích vay vốn phải hợp pháp.

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật BASICO

Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định điều kiện bắt buộc nhu cầu vay vốn phải sử dụng vào mục đích hợp pháp. Việc đánh giá mục đích thế nào là hợp pháp hay không hợp pháp hoàn toàn không đơn giản và gây khó xử cho ngân hàng.

Ví dụ, một ngân hàng nhận được nhu cầu vay 500 triệu đồng từ khách hàng là cặp vợ chồng già đã hưu trí. Họ muốn vay số tiền nêu trên để nộp cho cơ quan nhà nước khắc phục thiệt hại mà con trai họ đã tham ô từ tài sản công ty. Xét về khả năng tài chính để trả nợ, thì thu nhập từ tiền lương, từ hoạt động cho thuê nhà của họ hoàn toàn đủ trả nợ. Họ còn có đủ tài sản bảo đảm bằng tiền gửi tiết kiệm tại chính ngân hàng.

Trong trường hợp này, khả năng thu đủ gốc lãi là điều ngân hàng hoàn toàn có thể kiểm soát 100%. Mục đích vay vốn trả tiền tham ô của khách hàng ở đây hợp pháp hay không hợp pháp? Tham ô là hành vi vi phạm pháp luật nhưng bồi thường tiền tham ô là một việc chính đáng. Thực tế, các ngân hàng sẽ rất rụt rè và thường từ chối những khoản vay nhạy cảm kiểu này.

Trường hợp trên chỉ là ví dụ trong cho vay tiêu dùng, đối với cho vay kinh doanh, giới ngân hàng còn nhiều hơn các cơ hội nhạy cảm tương tự. Ngân hàng có thể kiểm soát được an toàn trong cho vay nhưng rất sợ sự quy kết sai phạm từ hoạt động thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước.

Vậy nên, dù có thể cho vay, bảo đảm chắc chắn về khả năng thu hồi nợ, thu lợi nhuận, ngân hàng vẫn phải từ chối vì khó đánh giá đầy đủ tính hợp pháp hay không hợp pháp của mục đích cho vay.

Thứ năm, quy định pháp luật về mục đích vay vốn hiện hành thực tế đang tạo tiền đề cho các vụ việc hình sự hóa trong lĩnh vực ngân hàng.

Theo điểm e, khoản 1, Điều 206, Bộ luật Hình sự năm 2015 việc vi phạm quy định pháp luật về điều kiện cấp tín dụng gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên có thể bị xử lý hình sự.

Cần nhìn nhận rõ ràng, trong hầu hết các vụ án hình sự về vi phạm cho vay từ trước tới nay, hầu như đều có tình trạng khách hàng và ngân hàng bị quy kết phạm pháp trong giải ngân theo mục đích vay vốn, theo tình trạng sử dụng vốn vay không đúng chứng từ cam kết.

Như vậy, hàu như cứ khoản vay có hậu quả cũng đều vi phạm quy định về “vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp”. Xét theo quy định tại Bộ luật Hình sự như trên, khả năng bị xử lý hình sự rất cao cho hầu hết khoản vay kinh doanh của giới ngân hàng.

Bỏ mục đích vay vốn để cải cách và đổi mới

“Cho vay là một hình thức cấp tín dụng, theo đó tổ chức tín dụng giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền trong một thời gian nhất định với nguyên tắc có hoàn trả theo các điều kiện thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng với khách hàng”.

Định nghĩa về cho vay nêu trên được chỉnh sửa từ quy định hiện hành trong Thông tư số 39 của Ngân hàng Nhà nước, trong đó loại bỏ hoàn toàn nội dung về mục đích vay vốn. Chỉ cần như vậy thôi, hoạt động cho vay của ngân hàng sẽ trở nên thông thoáng, phong phú và thiết thực hơn. Chắc chắn sự an toàn tín dụng không vì thế mà suy giảm, ngược lại sự an toàn nghề nghiệp cho mỗi cán bộ ngân hàng sẽ được bảo đảm hơn.

Hy vọng một ngày không xa, nội dung quy định như trên sẽ được cải cách, đổi mới và hiện thực hóa.

Tin bài liên quan