Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng trả lời về sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krel 2 bên hành lang Quốc hội - Ảnh: Bùi Trang

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng trả lời về sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krel 2 bên hành lang Quốc hội - Ảnh: Bùi Trang

Bộ trưởng Bộ Xây dựng nói về sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krel 2

(ĐTCK) Ngay sau sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krel 2 (Gia Lai) xảy ra vào hôm qua (12/6), sáng nay, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết về nguyên nhân.

Bước đầu, đã xác định nguyên nhân gây ra sự cố là do thấm. Do khi sự cố xảy ra không có dấu hiệu nước tràn qua mặt đập tràn, đập dâng nên có thể sơ bộ xác định nguyên nhân gây sự cố là do thấm đập. Tại nơi tiếp giáp giữa đập và cống dẫn dòng, một bên là bê tông cứng, một bên là đất mềm nên dễ xảy ra thấm, chỗ thấm không được kiểm tra khiến nước dần tràn vào tạo ra lỗ hổng và gây tràn.

Có khả năng trong quá trình thi công đắp đập đã không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, nhất là thi công phần tiếp giáp giữa đập và công dẫn dòng (nằm trong thân đập). Thông thường vật liệu dùng thi công phần tiếp giáp với cống dẫn dòng là vật liệu sét, không phải loại vật liệu dùng để đắp thân đập. Trong trường hợp thi công không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, phần tiếp giáp sẽ gây thấm khu vực này, khi vết thấm đủ lớn sẽ gây vỡ đập.

 

Thưa Bộ trưởng, việc khắc phục sự cố chủ đầu tư đã làm được gì?

Rất may là sự cố này không thiệt hại về người, mà chỉ thiệt hại diện tích cao su lớn của hai đội sản xuất 20, 21 của Công ty TNHH Cao su 72 (Binh đoàn 15, Bộ Quốc phòng) và nương rẫy hoa màu của người dân bị hư hại. Nhưng nếu có sự cố ảnh hưởng tính mạng người dân thì phải tập trung khắc phục ngay. Trước mắt, xác phải giá tình hình, tìm ra nguyên nhân, xác định trách nhiệm, sau đó là khắc phục. Địa phương phải tập trung khắc phục bởi công trình này thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp tỉnh.

 

Chủ đầu tư chắc chắn là sẽ phải chịu trách nhiệm nhưng liệu còn cơ quan nào cũng phải chịu trách nhiệm?

Đầu tiên là trách nhiệm của chủ đầu tư, ngoài ra còn trách nhiệm của cơ quan tư vấn thiết kế, cơ quan thi công, cơ quan tư vấn giám sát và chắc chắn có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

 

Sự cố này đặt ra nhiều vấn đề trong việc thẩm định chất lượng công trình?

Với trách nhiệm là cơ quan quản lý chất lượng công trình, Bộ Xây dựng đã thấy vấn đề và trình Chính phủ ra Nghị định 11 về quản lý chất lượng công trình thay vì giao cho chủ đầu tư chịu trách nhiệm như Luật Xây dựng. Theo Nghị định này, chủ đầu tư vẫn là quyết định nhưng thẩm định không chỉ là hậu kiểm, tức là khi công trình đã xong mới kiểm định mà là tiền kiểm từ khâu thiết kế kỹ thuật, mà thẩm định ở đây là các cơ quan quản lý chuyên ngành của nhà nước về xây dựng đứng ra thẩm định.

Đối với công trình thủy điện loại này do Sở Công thương ở địa phương phải thực hiện tiền kiểm và tăng cường quản lý chất lượng công trình.

Theo Báo cáo nhanh sự cố tại công trình thủy điện Ia Krel 2 (tỉnh Gia Lai):

 

Chủ đầu tư: Công ty CP Công nghiệp và thủy điện Bảo Long (Gia Lai);

 

Tư vấn lập dự án: Công ty CP Tư vấn Xây dựng Trí Việt (TPHCM);

 

Đơn vị thi công: Công ty TNHH Bảo Long và Công ty CP ĐTXD Btranco-5. Chủ đầu tư tự tổ chức thi công giai đoạn đầu.

 

Tư vấn thiết kế Văn phòng tư vấn thẩm định thiết kế và giám định chất lượng công trình, ĐH Thủy lợi.

 

Tư vấn giám sát: Công ty MTV Tư vấn thiết kế Xây dựng Kiến Hoàng Phi

 

Thông số kỹ thuật chính:

Chiều cao đập: 27m

Loại đập: đập đất (đồng chất)

Dung tích hữu ích: 3,09 triệu m3

Dung tích chết: 5,9 triệu m3

Công suất: 5,5 MW

 

Mô tả diễn biến sự cố

 

Thủy điện Ia Kre 2 có công suất 5,5 MW, dung tích chết 5,9 triệu m3, được xây dựng từ năm 2010 đang trong quá trình tích nước. Sự cố vỡ đập thủy điện xảy ra vào khoảng 3h sáng 12/6 làm cho khoảng 40 m chiều dài thân đập bị vỡ hoàn toàn, không có thiệt hại về người. Tuy nhiên, một lượng lớn diện tích cao su của hai đội sản xuất 20, 21 (Công ty TNHH Cao su 72, Binh đoàn 15, Bộ Quốc phòng) và nương rẫy hoa màu của người dân bị hư hại. Tại thời điểm vỡ đập, mực nước thấp hơn cao trình đập tràn khoảng 1,6 m. Kiểm tra hiện trường cho thấy, cống dẫn dòng nằm trong thân đập có dấu hiệu bị vỡ. Bề mặt đập (khu vực không bị vỡ) xuất hiện nhiều vết nứt lớn, không có dấu hiệu nước tràn qua.

 

Trong quá trình làm việc giữa chủ đầu tư và đại diện Sở Xây dựng, Sở Công thương, chủ đầu tư chưa trình được các hồ sơ pháp lý Dự án và hồ sơ quản lý chất lượng công trình. Qua tìm hiểu được biết, quy trình vận hành đã được ban hành theo Quyết định 4058/QĐ-BCT ngày 11/8/2011 của Bộ Công thương.

 

Nguyên nhân sự cố

 

Do khi sự cố xảy ra không có dấu hiệu nước tràn qua mặt đập tràn, đập dâng, nên có thể sơ bộ xác định nguyên nhân gây sự cố là do thấm đập. Có khả năng trong quá trình thi công đắp đập đã không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, nhất là thi công phần tiếp giáp giữa đập và công dẫn dòng (nằm trong thân đập). Thông thường, vật liệu dùng thi công phần tiếp giáp với cống dẫn dòng là vật liệu sét, không phải loại vật liệu dùng để đắp thân đập. Trong trường hợp thi công không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, phần tiếp giáp sẽ gây thấm khu vực này, khi vết thấm đủ lớn sẽ gây vỡ đập.