Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nói về cải cách tiền lương tại họp tổ sáng 24/10 (Ảnh: Minh Minh)

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nói về cải cách tiền lương tại họp tổ sáng 24/10 (Ảnh: Minh Minh)

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "Không thể chậm cải cách tiền lương thêm nữa!"

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, chúng ta đã 3 lần nợ Nhân dân về cải cách tiền lương, bây giờ không thể chậm trễ thêm nữa vì điều kiện đã chín muồi.

Lương kỹ sư mới ra trường thấp hơn lương lao công

Trong ngày làm việc thứ hai của Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV, sáng 24/10, phát biểu thảo luận tại tổ về kinh tế xã hội, kế hoạch chi ngân sách..., đại biểu Quốc hội đoàn Thanh Hóa - Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung nhận định, tháng 5/2018 Trung ương thông qua Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương, đây là chủ trương rất đúng đắn.

Tuy nhiên, 5 năm qua, mỗi năm chúng ta điều chỉnh tăng 7% lương thực chất chỉ là bù vào trượt giá chứ chưa phải cải cách tiền lương. Vấn đề này đã được đề cập nhiều lần nhưng đều vấp phải khó khăn là chưa thu xếp đủ nguồn lực. Chúng ta đã 3 lần nợ nhận dân về chuyện cải cách tiền lương.

Bộ trưởng nêu vấn đề, hiện nay, lương kỹ sư mới ra trường là 3,5 triệu đồng, thấp hơn lương tối thiểu vùng ở mức thấp nhất của doanh nghiệp là hơn 4 triệu đồng; thậm chí còn thấp hơn lương chị lao công làm lâu năm.

"Đến tài năng trẻ lúc nhận vào hệ số lương 2,67 nhân với mức lương tối thiểu là 1,6 triệu đồng thì các cháu sống ra sao? Trong khi chúng ta đặt ra vấn đề là tiền lương phải đảm bảo đời sống của người lao động và gia đình của họ", ông Dung nói.

Lập luận thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, hiện nay đang diễn ra hiện tượng "di cư ngược" là lao động từ thành phố bỏ về nông thôn sinh sống ngày càng nhiều.

Bên cạnh mặt tích cực là khu vực nông thôn đã thể hiện được vai trò "bà đỡ" về lao động việc làm, vấn đề kinh tế nông thôn phát triển hơn... thì nó cũng phản ánh mặt trái là khu vực sản xuất dịch vụ ở thành thị đang khó khăn hơn.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung cho rằng cần xoá bỏ thang bảng lương cơ sở (Ảnh: M.Minh)

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung cho rằng cần xoá bỏ thang bảng lương cơ sở (Ảnh: M.Minh)

Từ đó, Tư lệnh ngành LĐTBXH nhận định, thời điểm này không cải cách tiền lương là không được nữa vì điều kiện đã chín muồi.

Trước đó, Báo cáo kinh tế xã hội của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đọc trước Quốc hội sáng 23/10 cho biết, Chính phủ đã thu xếp được 562.000 tỷ đồng để cải cách tiền lương trong 3 năm 2024-2026.

Ông đề nghị thực hiện đúng lộ trình cải cách tiền lương.

Cải cách tiền lương khu vực nhà nước, xoá bỏ thang bảng lương...

Khuyến nghị nhóm vấn đề khi thực hiện cải cách tiền lương, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết:

Thứ nhất, cải cách tiền lương phải đi đôi với cải cách lương khu vực nhà nước. Theo vị đại biểu, hiện nay nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, lương người lao động không có nhưng lãnh đạo vẫn nhận lương rất cao do họ được áp dụng thang bảng lương khác với lương người lao động.

"Lãnh đạo phải áp dụng nguyên tắc tính lương giống người lao động thì mới tạo được động lực", ông Dung nói.

Thứ hai, cải cách tiền lương phải áp dụng nguyên tắc trả lương theo vị trí việc làm, phải tiến tới xoá bỏ thang bảng lương. Vì có thang bảng lương nên người lao động cứ tăng lương theo định kỳ, nên dẫn đến tình trạng chị tạp vụ lương rất cao, trong khi kỹ sư ra trường lương rất thấp.

Thứ ba, phải tách vai trò người giám sát và người quản lý. Ông Dung nêu hiện tượng, hiện nay người giám sát việc trả lương lại là nhân viên, phụ thuộc vào người quản lý nên vai trò giám sát không thực chất.

Thứ tư, sắp tới đây Nhà nước bỏ thang bảng lương, doanh nghiệp tự ban hành toàn quyền ban hành thang bảng lương. Nhà nước chỉ can thiệp ban hành cho mức lương tối thiểu.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại họp tổ 18 gồm các đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Thanh Hoá, Trà Vinh, Hà Nam.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại họp tổ 18 gồm các đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Thanh Hoá, Trà Vinh, Hà Nam.

Ngoài ra, Bộ trưởng LĐTB&XH đặt câu hỏi, nếu 1/7/2024 thực hiện cải cách tiền lương khu vực Nhà nước thì người nghỉ hưu, bảo trợ xã hội sẽ tính thế nào?

“Người nghỉ hưu được trả lương hưu theo mức lương cơ sở, nhưng tới đây bỏ mức lương cơ sở thì đối tượng này giải quyết thế nào, họ có được cải cách tiền lương với khu vực công hay không? Nếu cải cách thì mức tăng bao nhiêu phần trăm?”, ông Dung nói.

Tất cả những vấn đề nêu trên, theo vị đại biểu, không thể không nói bây giờ, bởi vì nếu không có nghị quyết Quốc hội thì Chính phủ không thể làm được.

Tăng lương phải thực chất

Thảo luận tại tổ Hà Nội sáng 24/10, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh, cải cách tiền lương là một "điểm nhấn" trong năm 2024.

Liên quan đến vấn đề tăng lương, đại biểu cũng lưu ý nhiệm vụ kiềm chế lạm phát để việc tăng lương trở nên thực chất hơn.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2023 có 31% các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi vấn đề giá cả tăng cao.

“Nếu tăng lương không kèm theo các biện pháp kiềm chế lạm phát thì ý nghĩa của việc tăng lương cũng không được đảm bảo”, đại biểu Mai nói.

Tin bài liên quan