Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại phiên chất vấn sáng 6/6 (Ảnh: quochoi.vn)

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại phiên chất vấn sáng 6/6 (Ảnh: quochoi.vn)

Bộ trưởng LĐTBXH: Sẽ cân nhắc thành lập quỹ hỗ trợ người lao động mất việc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại phiên chất vấn về nội dung lao động, đào tạo và việc làm sáng 6/6, một số đại biểu Quốc hội đề nghị thành lập quỹ hỗ trợ người lao động mất việc làm, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung cho biết sẽ cân nhắc thấu đáo về việc này.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng LĐTBXH Đào Ngọc Dung sáng 6/6, đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) cho rằng, doanh nghiệp và người lao động đang gặp phải khó khăn còn hơn cả giai đoạn Covid-19.

Trong giai đoạn Covid-19 chúng ta đã phát huy rất tốt các gói hỗ trợ trực tiếp cho người dân, đặc biệt là người lao động. Đại biểu Hạnh chất vấn: Trong giai đoạn hiện nay theo Bộ trưởng có cần có các gói hỗ trợ trực tiếp cho người lao động như đã hỗ trợ trong giai đoạn Covid-19 hay không?

Đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định)

Đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định)

Cũng quan tâm đến vấn đề lao động mất việc hoặc bị ảnh hưởng thu nhập sau đại dịch, đại biểu Tráng A Dương (đoàn Hà Giang) nêu thực trạng, nhiều người lao động đã lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần vì cần một khoản tiền để chi tiêu, trang trải trong cuộc sống.

Việc này không những tạo sức ép lớn đến hệ thống an sinh xã hội mà còn ảnh hưởng tới mục tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân.

"Có ý kiến đề nghị Trung ương xem xét thành lập quỹ từ nguồn ngân sách để hỗ trợ cho người lao động tương tự như chính sách hỗ trợ lao động trong đại dịch Covid-19, để giúp người lao động giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống, đồng thời xem xét bổ sung Quỹ quốc gia và việc làm đối với địa phương để có thêm nguồn thu nhập hỗ trợ cho người lao động", ông Dương nói và đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về vấn đề này.

Đại biểu Tráng A Dương (đoàn Hà Giang)

Đại biểu Tráng A Dương (đoàn Hà Giang)

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định, thời gian chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 đã làm bào mòn phần tích lũy của người lao động, do đó càng ngày người lao động sẽ càng khó khăn hơn và đây là vấn đề chúng ta cần phải quan tâm.

Bộ trưởng cho biết, chúng ta đang có quy mô 51,2 triệu lao động, trong đó tỷ lệ thất nghiệp chính thức là 297.000 người; số lao động bị giãn việc, mất việc là trên 506.000 người.

"Nếu so như vậy, đây là tỷ lệ ở trong khoảng hoàn toàn kiểm soát được", Bộ trưởng nói và đề nghị không nên bi quan.

Với câu hỏi của đại biểu Lý Tiết Hạnh "Có cần gói gì hỗ trợ không?", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói rằng, về phía cơ quan tham mưu, Bộ LĐTBXH đã và đang đánh giá thực trạng, đánh giá tác động để có những chính sách dài hạn và ngắn hạn.

"Còn chính sách gì thì cá nhân tôi chưa thể báo cáo hôm nay. Nhưng chúng tôi đã và đang tập trung vào đánh giá tác động và dự kiến có một vài chính sách. Tuy nhiên, chính sách nào, tung ra lúc nào thì do cấp có thẩm quyền quyết định", ông Dung nói.

Hơn 2 năm qua, Chính phủ và các địa phương đã triển khai đồng bộ, nhanh chóng 4 nhóm chính sách lớn nhằm hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động khắc phục khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 với trên 120 nghìn tỷ đồng, đã hỗ trợ 68 triệu lượt người dân, người lao động và trên 1,41 triệu người sử dụng lao động".

Bộ trưởng LĐTBXH Đào Ngọc Dung

Về câu hỏi của đại biểu Tráng A Dương về hiện tượng người lao động ồ ạt rút bảo hiểm xã hội một lần và quan điểm của Bộ trưởng có thành lập Quỹ hỗ trợ người lao động hay không, Bộ trưởng thừa nhận, con số rút bảo hiểm xã hội một lần năm 2019 là 500 nghìn trường hợp, đến năm 2022 là 900 nghìn trường hợp.

Theo Bộ trưởng, để giải quyết vấn đề này thì chúng ta sẽ phải tìm ra nguyên nhân và các giải pháp cụ thể.

Cụ thể là phải giải quyết việc làm, điều chỉnh chính sách bảo hiểm xã hội cho phù hợp...

"Còn việc có đồng ý thành lập quỹ này không, tôi cho rằng đây cũng là một trong những giải pháp, bên cạnh những giải pháp nói trên. Chúng tôi xin ghi nhận ý kiến của của đại biểu và sẽ suy nghĩ thấu đáo vấn đề này", Bộ trưởng nói.

Sỡ dĩ phải cân nhắc, theo Tư lệnh ngành LĐTBXH, bởi vì việc thành lập một quỹ nào đó, nhất là quỹ liên quan đến vấn đề lớn thế này thì phải có đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng, xem căn cứ như thế nào, hiệu quả ra sao và báo cáo cấp có thẩm quyền, thậm chí là phải báo cáo Quốc hội cho phép.

Được yêu cầu phát biểu bổ sung cho nhóm vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin, năm 2021 chúng ta đã chi từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là 47.356 tỷ đồng hỗ trợ cho người lao động bị Covid-19, trong đó những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch thì chi từ quỹ cho những đối tượng ảnh hưởng bởi Covid-19 là 30.800 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên chất vấn sáng 6/6

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên chất vấn sáng 6/6

"Năm 2023, số dư quỹ còn 59.357 tỷ đồng. Hiện nay chúng tôi đang thiết kế một gói hỗ trợ người lao động để trình với Chính phủ và Thường vụ Quốc hội. Cụ thể là sẽ chi khoảng 23.000 tỷ đồng từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ cho người lao động trong giai đoạn khó khăn này", ông Phớc cho hay.

Như vậy, số dư quỹ sẽ còn lại khoảng 39.405 tỷ đồng, Bộ trưởng Tài chính báo cáo với Chủ tịch Quốc hội và Quốc hội, đồng thời nhấn mạnh, bảo hiểm xã hội cũng như Bộ LĐTBXH đặc biệt quan tâm đến người lao động trong những giai đoạn khó khăn, bằng mọi cơ chế, chính sách hỗ trợ.

Tin bài liên quan