Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Bộ trưởng Tài chính: Thất thoát đất sau cổ phần hoá có thể "giết chết" nền sản xuất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nêu ra một "nút thắt" của công tác cổ phần hoá (CPH), thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện nay là tình trạng thất thoát đất công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận định, thất thoát đất sau cổ phần hoá DNNN có thể "giết chết" nền sản xuất.

Cổ phần hoá, thoái vốn ì ạch

Phát biểu tại Hội thảo "Giải pháp thúc đẩy quá trình CPH doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp" do Tạp chí Tài chính và Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) tổ chức sáng nay (17/5), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, tiến độ CPH, thoái vốn DNNN đang chậm, không đạt kết quả như đề án do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Trong năm 2021, chỉ cổ phần hóa được 4 doanh nghiệp (không thuộc danh mục doanh nghiệp CPH được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt); thoái vốn tại 18 doanh nghiệp với giá trị 1.665 tỷ đồng, thu về 4.402 tỷ đồng.

Nguồn thu từ CPH, thoái vốn năm 2021 nộp về ngân sách nhà nước là 1.404 tỷ đồng, trong khi theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 là phải thu 40.000 tỷ đồng từ bán vốn nhà nước.

Giai đoạn 2016 đến hết tháng 4/2022, có 185 doanh nghiệp cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 490.332 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 234.266 tỷ đồng. Lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 đến hết tháng 4/2022 là 29.300 tỷ đồng, thu về 183.766 tỷ đồng.

(Nguồn: Bộ Tài chính)

Việc chỉ có 4 doanh nghiệp được Bộ Tài chính phê duyệt phương án cổ phần hóa trong năm 2021 cho thấy đây là năm có số doanh nghiệp được phê duyệt cổ phần hoá thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.

Có tới 89 doanh nghiệp chưa hoàn thành CPH theo kế hoạch. Trước đó, lũy kế giai đoạn 2016 - 2020, có tới 178 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.503 tỷ đồng.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, việc xác định giá trị doanh nghiệp khi CPH không chính xác, thường thấp hơn giá trị thực tế và giá trị xác định lại nên gây ra thất thoát lãng phí.

"Một số vụ việc từ CPH liên quan đến xác định giá trị doanh nghiệp không chính xác như xác định giá trị quyền sử dụng đất, bán thanh lý tài sản... tại Công ty Tân Thuận, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn…; hay các sai phạm do bỏ ngoài sổ sách kế toán tài sản và vốn của nhà nước như tại Tổng công ty Công trình Giao thông 1, Công ty Xuất nhập khẩu Bình Dương…", ông Phớc dẫn chứng.

Chia sẻ một trải nghiệm của bản thân, Bộ trưởng Tài chính nói rằng, thời kỳ ông làm Tổng kiểm toán nhà nước đã thực hiện kiểm toán giá trị doanh nghiệp tại 45 doanh nghiệp thì thấy sau kiểm toán, giá trị doanh nghiệp tăng lên bình quân 2,8 lần.

Bộ trưởng Phớc cũng nhận định, trong xác định giá trị doanh nghiệp để CPH thì rủi ro lớn nhất là xác định giá trị quyền sử dụng đất. Trước đây, tiền thuê đất hàng năm không tính vào giá trị doanh nghiệp nhưng tiền thuê đất một lần thì lại tính, gây bất cập là giá thuê đất một lần khó xác định sát thực tế; thậm chí xác định giá thuê xong thì 5 năm, 10 năm sau vẫn có khoảng cách về giá trị.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, đây cũng là một lỗ hổng gây thất thoát. Đó là chưa kể sau khi xác định xong giá trị doanh nghiệp, doanh nghiệp đã được phê duyệt CPH đó thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh sang đất xây dựng nhà ở đô thị thì giá trị đất lại thay đổi, gây thất thoát tiếp.

"Việc thất thoát đó giết chết nền sản xuất. Nếu thuê đất hàng năm, khi tái cơ cấu doanh nghiệp, một doanh nghiệp sau khi được CPH phải tăng năng lực sản xuất lên để cạnh tranh trong lĩnh vực ngành nghề đã được cấp phép kinh doanh. Nhưng nếu chạy theo lợi nhuận từ chênh lệch đất đai, họ sẽ buông lỏng sản xuất để chuyển sang buôn đất, người lao động ra đường, máy móc mang bán rẻ, nền sản xuất ngày càng bị thu hẹp", ông Phớc nêu quan điểm.

Năm 2018, Quốc hội đã ra Nghị quyết 60/2018/QH14 nghiêm cấm việc chuyển mục đích sử dụng đất có nguồn gốc từ DNNN sang mục đích khác nhưng đến năm 2020 khi Nghị định 140/2020/NĐ-CP ra đời, Nghị quyết 60 hết hiệu lực. Nghị định 140 không nói rõ có được chuyển mục đích sử dụng đất không, làm cho chính quyền địa phương lúng túng, cho chuyển thì thất thoát, không cho chuyển thì sợ làm không đúng luật.

Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo

Bởi vậy, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng cần sửa đổi sao cho nhất quán về mặt luật pháp để việc thực hiện được đúng đắn, chính xác nhất.

Ngoài ra, về sắp xếp nhà đất, theo ông Phớc, quy định cũng chưa rõ ràng, ví dụ các quy định về xác định lợi thế thương mại, vấn đề liên doanh liên kết, vai trò của người đứng đầu... Đơn cử, Luật Đất đai cho phép liên doanh liên kết nhưng trên thực tế khi liên doanh liên kết, ai có cổ phần lớn nhất sẽ làm chủ và khi đó đất của nhà nước đương nhiên về tay tư nhân, đây cũng là một vướng mắc cần giải quyết.

Vì những lý do trên, lãnh đạo Bộ Tài chính dự báo, trong năm nay thu tiền từ CPH cũng sẽ gặp tình trạng như năm ngoái, gần như không triển khai được CPH nên không thu được tiền thoái vốn của DNNN.

Chọn 5 thành phố trực thuộc Trung ương để phê duyệt phương pháp sắp xếp nhà đất

Để giải quyết tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các bộ ngành liên quan tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đẩy nhanh CPH, thoái vốn.

Mới đây, ngày 17/3/2022, Thủ tướng ban hành Quyết định 360/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 – 2025”.

Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu khối DNNN; Đảm bảo nguồn thu từ cơ cấu lại doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021 - 2025 ít nhất 248 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia và kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.

Hiện Bộ Tài chính cũng đang triển khai các công việc để báo cáo Chính phủ, Quốc hội sửa đổi Luật quản lý sử dụng vốn Nhà nước vào sản xuất kinh doanh của DN.

Bộ trưởng Bộ Tài chính thông tin thêm, vừa rồi Nghị quyết Hội nghị TW5 (khoá XIII) đã xác định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước làm đại diện; quyền sử dụng đất là quyền của một loại tài sản và hàng hoá đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu; sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được pháp luật bảo vệ, người sử dụng đất thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Sắp tới, việc phê duyệt phương án sắp xếp quản lý nhà đất của DNNN sẽ phải bám vào tinh thần này của Nghị quyết TW5.

"Chúng tôi sẽ lựa chọn 5 thành phố trực Thuộc trung ương để thực hiện việc phê duyệt phương pháp sắp xếp nhà đất và sẽ chọn một số doanh nghiệp có điều kiện để thí điểm niêm yết, giao dịch trên thị trường chứng khoán của khu vực và thế giới", Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, trong quá trình thực hiện các công việc trên sẽ cần xin ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý, lãnh đạo địa phương... về các nội dung sau:

Thứ nhất, giá trị quyền sử dụng đất có tính vào giá trị doanh nghiệp khi CPH hay không?

Thứ hai, phương án CPH đã được cơ quan nhà nước phê duyệt thì yêu cầu sau khi CPH phải thực hiện đúng phương án đó, doanh nghiệp không được chuyển mục đích sử dụng đất, nếu không có nhu cầu sử dụng đất thì trả lại cho nhà nước hoặc phải được nhà nước đấu giá chuyển mục đích sử dụng đất để đảm bảo không bị thất thoát khoản chênh lệch.

Thứ ba, Hiện nay có ý kiến cho rằng các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế làm ăn sản xuất kinh doanh đang hiệu quả (đang có lãi) thì chỉ cần hoàn thiện lại để thúc đẩy phát triển mà không nhất thiết phải CPH.

Thứ tư, khi CPH, thoái vốn nhà nước thì có nên giữ lại tỷ lệ sở hữu nhà nước dưới 50% hay bán hết vốn nhà nước? Có lo ngại rằng doanh nghiệp bán vốn đưa tỷ lệ về dưới 50% xong lại bán tiếp với giá rẻ.

Thứ năm, có nên tính giá trị quyền sử dụng đất, tiền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp hay thực hiện thuê đất trả tiền hàng năm và giữ đúng mục đích sử dụng đất theo phương án sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước phê duyệt khi CPH?

"Bộ Tài chính sẽ tiếp thu và cùng các bộ ngành trình Chính phủ để tháo gỡ, làm thế nào thúc đẩy được sự phát triển của đất nước, thực hiện mục tiêu CPH để tái cơ cấu nền kinh tế hiệu quả nhất. Đây là mục tiêu dài hạn mà chúng ta phải đạt đến", Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh.

Tin bài liên quan