Việc giải ngân nhanh gói tín dụng ưu đãi vừa giúp doanh nghiệp thêm vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, vừa giúp ngân hàng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Ảnh: Đức Thanh. Đồ họa: Đan Nguyễn

Việc giải ngân nhanh gói tín dụng ưu đãi vừa giúp doanh nghiệp thêm vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, vừa giúp ngân hàng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Ảnh: Đức Thanh. Đồ họa: Đan Nguyễn

Bơm gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng: Đừng để doanh nghiệp phá sản mà cơ chế vẫn chưa bàn xong

0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh hỗ trợ của ngành ngân hàng đối với doanh nghiệp được coi là đến ngưỡng, thì sự vào cuộc của chính sách tài khóa là rất cần thiết.

Cộng đồng doanh nghiệp đang mong đợi Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan sớm tung ra gói tín dụng hỗ trợ lãi suất quy mô 100.000 tỷ đồng (ngân sách cấp bù lãi suất khoảng 3.000 tỷ đồng).

Tranh cãi đối tượng hưởng, xé rào vay

Ông Bùi Doãn Nề, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) bức xúc, từ năm ngoái, Hiệp hội đã đề xuất cho doanh nghiệp hàng không được vay gói hỗ trợ lãi suất 25.000 tỷ đồng (ngân sách cấp bù 4%), song đến nay, gói hỗ trợ này vẫn chưa được phê duyệt, khiến nhiều hãng bay cạn kiệt thanh khoản. Ông Nề mong cơ quan chức năng nhanh chóng triển khai gói tín dụng hỗ trợ lãi suất, bởi doanh nghiệp gần như đã kiệt quệ.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, gói tín dụng 100.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất này đang được NHNN, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan bàn bạc.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, gói tín dụng cấp bù lãi suất 100.000 tỷ đồng này tuy chỉ tương đương 1% tổng dư nợ toàn hệ thống, song vẫn có thể tạo sự lan tỏa tốt. Vấn đề khó nhất là miếng bánh hỗ trợ có hạn, trong khi doanh nghiệp nào cũng muốn có phần.

Cần xác định rõ, đây là gói tín dụng hỗ trợ lãi suất, chứ không phải là tiền cấp phát từ ngân sách. Các ngân hàng cho vay phải có trách nhiệm thu hồi vốn, nên phải cho vay theo nguyên tắc thị trường, chỉ cho vay các Dự án, các doanh nghiệp có khả năng trả nợ.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng

Cho đến nay, hầu hết các ngành hàng đều đề nghị được tiếp cận tín dụng ưu đãi, từ du lịch, hàng không, vận tải, thực phẩm… cho đến bất động sản. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách có hạn, các bộ, ngành sẽ phải khoanh vùng đối tượng ưu tiên.

“Theo tôi, gói tín dụng hỗ trợ lãi suất này chỉ nên tập trung vào các ngành hàng thế mạnh, bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh và có tiềm năng, triển vọng phục hồi tốt sau dịch bệnh, như xuất khẩu (dệt may, nông sản, linh kiện điện tử), nông nghiệp, hàng không… Sau khi xác định rõ ngành nghề được tiếp cận gói tín dụng này, thì cơ quan chức năng cũng phải có cơ chế giám sát chặt nguồn vốn vay ưu đãi, tránh tình trạng cho cho doanh nghiệp thân hữu vay ưu đãi lãi suất như đã xảy ra năm 2009”, ông Thịnh nói.

Đồng ý cho vay hỗ trợ một cách có chọn lọc, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, gói tín dụng ưu đãi này không nên áp dụng đại trà, mà chỉ nên tập trung vào những địa bàn bị ảnh hưởng nặng bởi Covid-19 (ví dụ TP.HCM và các tỉnh phía Nam) và tập trung vào các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh.

Ngoài xác định lĩnh vực ưu tiên, thì điều kiện tiếp cận gói vay này cũng đang gây tranh cãi dữ dội. TS. Nguyễn Văn Thuận (Trường đại học Tài chính - Marketing) cho rằng, dù cho vay cấp bù lãi suất, song ngân hàng không nên nới lỏng điều kiện vay. Lý do là, dù cho vay hỗ trợ lãi suất, nhưng ngân hàng vẫn phải có trách nhiệm thu hồi khoản vay, không được làm thất thoát ngân sách. Nếu cho vay dưới chuẩn, khả năng thu hồi vốn, bảo toàn ngân sách sẽ khó khăn.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cũng cho rằng, nếu ngân hàng quá “dễ dãi” trong giải ngân gói tín dụng hỗ trợ, cộng thêm doanh nghiệp sử dụng vốn vay không hiệu quả sẽ tạo gánh nặng cho cả nền kinh tế.

Trong khi đó, các doanh nghiệp và ngân hàng khẳng định, nếu cho vay đúng chuẩn (phải có tài sản đảm bảo, phải có doanh thu, không vướng nợ xấu…), thì hầu hết doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 hiện nay đều không đủ điều kiện tiếp cận vốn vay, dù ưu đãi hay không.

Đừng để “trâu” ốm chết, giải pháp chưa bàn xong

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại có vốn nhà nước thẳn thắn cho biết: “Chúng tôi rất sợ các chương trình cấp bù lãi suất vì quy trình cho vay và kiểm toán rất phức tạp. Cách đây hơn 10 năm, chúng tôi tham gia giải ngân gói tín dụng cấp bù lãi suất năm 2009, song cho đến tận hôm nay, một số khoản vay cấp bù lãi suất từ thời đó vẫn chưa được thanh quyết toán xong, rất mệt mỏi”.

Thừa nhận thực tế này, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, việc triển khai gói tín dụng cấp bù lãi suất phải đưa ra đồng thời với các cơ chế đột phá, nếu không ngân hàng sẽ không dám triển khai. Nếu không có những lãnh đạo dám làm, dám chịu trách nhiệm, không có quyết sách đột phá, thì tình trạng “chết mòn” của doanh nghiệp sẽ còn kéo dài.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel lo lắng, các doanh nghiệp đang suy kiệt dòng tiền giống như người thiếu ô xy. Vì vậy, điều cần kíp nhất là phải cấp bình thở ô xy cho doanh nghiệp trước, thay vì bàn bạc xem nên cho dung lượng bao nhiêu. Ông Kỳ ví von, doanh nghiệp hiện nay như trâu cày bị ốm, song mỗi người bàn một cách, cuối cùng không ai làm gì.

“Ai cũng sợ trách nhiệm, sợ vất vả, kết quả là trâu chết, mà vẫn chưa bàn xong...”, ông Kỳ bức xúc.

Mặc dù vậy, trong bối cảnh ngân sách hạn chế, trong khi nhu cầu vay của doanh nghiệp rất lớn, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, việc bơm tín dụng cho tất cả doanh nghiệp khó khăn là không thể. Vì vậy, bên cạnh triển khai gói tín dụng ưu đãi này, giải pháp cấp bách không kém, không tốn nhiều nguồn lực, mà doanh nghiệp đều được thụ hưởng là phải tiếp tục tháo gỡ khó khăn do các quy định pháp luật còn gây phiên hà, chồng lấn.

“Việc cải thiện môi trường kinh doanh cần tiếp tục được ưu tiên đẩy mạnh hơn nữa, để tạo thành hiệu ứng lớn trên thực tế, tạo nhiều lực đẩy, động lực phát triển kinh tế trong thời gian tới”, ông Tuấn nói.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Tin bài liên quan