Ảnh: Shutterstock.

Ảnh: Shutterstock.

Bóng ma lạm phát đe dọa thị trường chứng khoán toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán Mỹ và thế giới lao dốc do lo ngại lạm phát gia tăng dẫn tới việc các ngân hàng trung ương phải thắt chặt lại chính sách tiền tệ ngày càng hiện hữu.

Sức ép lên thị trường cổ phiếu ngày càng gia tăng

Mở cửa phiên giao dịch sáng nay (13/5), các thị trường chứng khoán chính tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương đỏ lửa, tiếp bước của thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch hôm thứ Tư (12/5) do lo ngại về lạm phát gia tăng dẫn tới việc lãi suất gia tăng, ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường cổ phiếu.

Vào lúc 10h30 sáng nay (giờ Việt Nam) chỉ số Nikkei 225 của Nhật giảm gần 500 điểm (1,84%), trong khi đó các chỉ số như KOSPI của Hàn Quốc, Shanghai hay S&P/ASX 200 của Úc đều giảm.

Trong phiên giao dịch ngày hôm qua, cả ba chỉ số chính của Phố Wall cùng chốt phiên trong trạng thái giảm sâu.

Cụ thể, Dow giảm gần 2%, ghi nhận phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 1 năm nay. Chỉ số S&P 500 cũng có một phiên giảm sâu nhất kể từ hồi tháng 2 năm nay với mức giảm 2,1%. Trong khi đó sàn Nasdaq giảm sâu nhất với tỷ lệ lên tới 2,6%.

Sức ép bán tháo cổ phiếu trên tại thị trường chứng khoán Mỹ đến từ báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 mà Bộ Lao động Mỹ công bố vào buổi sáng. Theo báo cáo này, giá tiêu dùng ở Mỹ tăng 4,2% trong tháng trước so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 9/2008. Trong tháng 3, CPI Mỹ tăng 2,6%.

Sự leo thang giá cả ở Mỹ trong thời gian gần đây là do số lượng việc làm ngày càng gia tăng, lượng tiền kích cầu và tiết kiệm của các hộ gia đình Mỹ ở mức khổng lồ, nguồn cung bị co hẹp do gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và tình trạng khan hiếm lao động đẩy tiền lương tăng cao hơn. Tất cả tạo ra một công thức hoàn hảo cho lạm phát.

“Phản ứng của thị trường chứng khoán đối với số liệu về lạm phát là rất nhanh. Thị trường lo ngại Fed sẽ nâng lãi suất một cách quyết liệt”, ông Tapas Strickland, Giám đốc Nghiên cứu kinh tế và thị trường thuộc Ngân hàng quốc gia Australia cho biết.

Ở cuộc họp gần đây nhất Fed có tuyên bố rằng họ sẽ chấp nhận mức lạm phát tăng cao hơn một chút so với mức mục tiêu là 2% và chỉ xem xét tăng lãi suất khi các số liệu khác cho thấy nền kinh tế Mỹ đã đi vào ổn định. Tuy nhiên, mối quan ngại của thị trường hiện nay là lạm phát có thể đã tăng quá nóng, buộc Fed phải tăng lãi suất trong thời gian tới.

Hiện Fed đang giữ lãi suất ở khoảng 0-0,25% và bơm vào thị trường mỗi tháng 120 tỷ USD thông qua việc mua tài sản.

Nguy cơ đối với Việt Nam

Mặc dù chưa có số liệu thống kê về CPI của Việt Nam trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm nay, nhưng đã có những chỉ dấu cho thấy các cơ quan quản lý đang thị hành những biện pháp để giữ cho CPI ở trong tầm kiểm soát.

Cụ thể, trong bối cảnh giá thép tăng 40-50% so với cuối năm ngoái, mới đây, tại buổi họp về công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2021, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã giao Bộ Công Thương nghiên cứu, có các biện pháp thúc đẩy tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước, hướng tới đáp ứng được cơ bản nhu cầu trong nước.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương đưa ra giải pháp điều chỉnh mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường trong nước, thông qua cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm.

Theo Bộ Công thương, giá nguyên liệu đầu vào của ngành thép phụ thuộc rất lớn vào giá nguyên liệu thế giới. Trong thời gian gần đây, giá các nguyên vật liệu sản xuất thép tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu, cùng với dịch bệnh, thời gian giao hàng kéo dài cũng là những lý do khiến giá thép tăng mạnh.

Bên cạnh giá thép, giá xăng dầu tại thị trường trong nước cũng liên tục tăng trong thời gian gần đây do giá xăng dầu thế giới tăng mạnh. Việc giá xăng dầu tăng chắc chắn sẽ tác động tiêu cực tới chỉ số CPI trong thời gian tới.

Ngoài những yếu tố kể trên thì yếu tố đáng quan ngại nhất trong thời gian này là tình hình dịch bệch Covid-19 ngày càng phức tạp tại Việt Nam và trên thế giới.

Đặc biệt, các ca nhiễm Covid-19 đã xâm nhập vào một số công ty tại các khu công nghiệp lớn ở miền Bắc và miền Trung. Chẳng hạn như tỉnh Bắc Ninh phải cách ly ký túc xá 1.200 công nhân sau khi phát hiện 2 công nhân ở Công ty Canon (huyện Quế Võ) nhiễm nCoV. Hôm 11/5, tỉnh này ghi nhận hai trường hợp dương tính ở Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV) ở huyện Yên Phong.

Cũng trong ngày 11/5, chính quyền Đà Nẵng đã phải phong toả Khu công nghiệp An Đồn, quận Sơn Trà, sau khi cơ quan chức năng ghi nhận hơn 30 ca dương tính nCoV liên quan chuỗi lây nhiễm mới.

Cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang hôm 9/5 cũng đã phải phong tỏa, khoanh vùng, dừng hoạt động 3 ngày đối với Công ty Shin young Việt Nam (Khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên).

"Để xảy ra dịch bệnh trong các khu công nghiệp có thể làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, nền kinh tế của đất nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định.

Tin bài liên quan