Bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm: Không hoàn toàn là màu hồng hay màu xám

0:00 / 0:00
0:00
Số liệu GDP và lạm phát trong 6 tháng được đánh giá là khá “đẹp”, song vẫn có những con số kém lạc quan, trong khi nền kinh tế đứng trước rủi ro dịch bệnh kéo dài, khó kiểm soát.
GDP 6 tháng đầu năm tăng 5,64%.

GDP 6 tháng đầu năm tăng 5,64%.

Không phải tất cả đều màu hồng

Một trong những điểm nhấn đáng chú ý với kinh tế 6 tháng đầu năm ở Việt Nam là số liệu tăng trưởng GDP và lạm phát khá “đẹp”.

Theo Tổng cục Thống kê, GDP 6 tháng đầu năm tăng 5,64%. Chỉ số giá tiêu dùng cũng cho thấy tín hiệu là lạm phát được kềm chế. Chỉ số này tăng 1,62% so với tháng 12/2020 và tăng 2,41% so với tháng 6/2020. Đây là mức tăng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.

Bên cạnh đó, con số đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn cho thấy nhiều yếu tố khả quan. Vốn FDI thực hiện 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 9,24 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù tổng vốn đăng ký cấp mới và điều chỉnh giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, bên cạnh những con số đẹp đó là những con số kém lạc quan hơn.

Thứ nhất, số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn tăng 22,1%, dừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể tăng 25,7% và số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thế tăng đến 33,8%.

Thứ hai, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/6/2021 tăng 24,3% so với cùng thời điểm năm trước. Tồn kho tăng mạnh không hẳn là tin xấu, vì có thể doanh nghiệp kỳ vọng thị trường sắp tới sẽ tiêu thụ tốt mà tăng mạnh hàng tồn kho để dự phòng, song trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, khả năng này không cao. Ngược lại, nó có thể phản ánh tình trạng trì trệ trong tiêu thụ và sản xuất của một số doanh nghiệp.

Trong khi đó, điều đáng chú ý khác là Chỉ số Nhà quản lý mua hàng (PMI) của ngành chế biến, chế tạo của Việt Nam giảm còn 44,1, được xem là mức giảm mạnh nhất trong vòng hơn một năm nay. Việc chỉ số này giảm xuống dưới 50 cho thấy các doanh nghiệp được điều tra khá bi quan về tình hình sản xuất sắp tới. Đây là một tín hiệu cảnh báo cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam.

Thứ ba, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tăng 0,2 điểm phần trăm, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tăng 0,4 điểm phần trăm. Đây là những con số rất nhỏ, nhưng cần lưu ý rằng, định nghĩa về khái niệm thất nghiệp của Việt Nam khá chặt so với thống kê của nhiều nước khác, nên con số này chưa phản ánh hết tình trạng khó khăn trên thị trường lao động.

Cụ thể, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến lao động một số ngành như du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống là nghiêm trọng. Trong 6 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam giảm 97,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý II/2021 giảm 8,4% so với quý trước.

Tóm lại, bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm không hoàn toàn là màu hồng hay màu xám. Covid-19 đang ảnh hưởng đến nhiều địa phương, đặc biệt là đầu tàu kinh tế như TP.HCM hoặc các trung tâm sản xuất như Bình Dương. Tuy diễn biến của dịch bệnh phức tạp, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhiều ngành tìm kiếm nhiều giải pháp đối phó, nên trong 6 tháng đầu năm, số liệu về kinh tế vẫn lạc quan.

Chỉ số PMI giảm mạnh xuống dưới mức 50 trong tháng 6/2021
Chỉ số PMI giảm mạnh xuống dưới mức 50 trong tháng 6/2021

Rủi ro dịch bệnh dẫn đến trì trệ kinh tế kéo dài

Rủi ro chính với kinh tế 6 tháng cuối năm là nguy cơ dịch bệnh kéo dài, khó kiểm soát và âm ỉ trong cộng đồng. Điều này khiến tình trạng giãn cách xã hội kéo dài và sẽ làm kiệt quệ nền kinh tế. Trong bối cảnh tỷ lệ tiêm vắc-xin ở Việt Nam còn thấp và còn thiếu nguồn cung vắc-xin, cũng như biến chủng của virus SARS-CoV-2 ngày càng phức tạp, Việt Nam đang đối mặt với nhiều bất định trong quá trình kiểm soát dịch và hệ quả của nó đối với kinh tế - xã hội.

Trong một thế giới đầy bất định do Covid-19, bất kỳ mục tiêu hay nhận định nào cũng nên linh hoạt và có thể thay đổi theo điều kiện cụ thể.

Những phân tích trên cho thấy, các ngành dịch vụ, sản xuất công nghiệp đang đứng trước nhiều thử thách, trong đó, những ngành như du lịch, hàng không đặc biệt khó khăn. Nếu tình hình giãn cách xã hội kéo dài và thị trường lao động không được cải thiện, thì ngành bán lẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng xấu. Trong bối cảnh đó, nếu dịch bệnh kéo dài đến tháng 8 hoặc hơn, Việt Nam sẽ có một quý III khó khăn.

Vì vậy, nhu cầu về một gói hỗ trợ kinh tế là cấp thiết để duy trì độ lạc quan và sức mua trong nền kinh tế, đảm bảo thị trường lao động và sản xuất không bị tổn hại nặng. Điều quan trọng là, tiền từ gói cứu trợ kinh tế này cần phải được đưa đến đúng tay cá nhân hay đơn vị cần hỗ trợ, với thủ tục đơn giản, dễ giải ngân.

Ở một khía cạnh khác, không nên xem thường rủi ro lạm phát tăng ở các nước khác sẽ kéo theo chi phí đầu vào của nền kinh tế gia tăng ở nhiều lĩnh vực, cũng như giá cả tiêu dùng. CPI chỉ là một trong nhiều chỉ số đo lường lạm phát để tham khảo và phụ thuộc nhiều vào cách áp đặt các trọng số trong rổ hàng hóa, dịch vụ dùng để tính toán. CPI không phải là thước đo duy nhất hay là chân lý để đánh giá tình hình lạm phát và càng không nên là căn cứ duy nhất để ra quyết định điều hành kinh tế. Đã đến lúc, Việt Nam cần một bộ chỉ số giá đầy đủ hơn, với nhiều loại chỉ số giá cả để người làm chính sách cũng như người dân có một cách nhìn toàn diện hơn về tình hình lạm phát.

Chẳng hạn, với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), chỉ số đo lường lạm phát yêu thích là chi tiêu dùng cá nhân (PCE - personal consumption expenditures), chứ không phải CPI. Ngoài ra, còn có các chỉ số lạm phát kỳ vọng dựa trên các sản phẩm tài chính của thị trường được thiết kế để giúp nhà đầu tư phòng thủ trong trường hợp lạm phát tăng cao.

Ở Việt Nam, khi chưa có được một bộ công cụ đầy đủ như vậy, thì không nên đưa ra những nhận định duy ý chí rằng, lạm phát là cao, thấp, hay trong tầm kiểm soát khi chỉ nhìn vào một chỉ số CPI.

Cách tiếp cận tương tự cũng nên được áp dụng với chỉ tiêu GDP hay bất kỳ chỉ tiêu kinh tế vĩ mô nào khác. Thay vào đó, là những đánh giá chừng mực, có kịch bản và phương án quản lý rủi ro tương ứng. Trong một thế giới đầy bất định do Covid-19, bất kỳ mục tiêu hay nhận định nào cũng nên linh hoạt và có thể thay đổi theo điều kiện cụ thể.

Có lo nhiều hơn mừng thì chúng ta mới có sự chuẩn bị sẵn sàng và kịp thời để đối phó với những diễn biến bất lợi không lường trước.

Tin bài liên quan