Thị phần cung cấp dịch vụ môi giới hầu như chỉ tập trung vào những công ty có uy tín như: SSI, BVSC, VCBS, BSC...

Thị phần cung cấp dịch vụ môi giới hầu như chỉ tập trung vào những công ty có uy tín như: SSI, BVSC, VCBS, BSC...

Bùng nổ CTCK và nguy cơ sáp nhập

(ĐTCK-online) Từ giai đoạn cuối năm 2006, mỗi khi thị trường sôi động lại là lúc giới đầu tư trong nước chứng kiến sự bùng phát mạnh mẽ của việc thành lập mới các CTCK và việc quá tải trong công việc của những CTCK có thâm niên kinh nghiệm.

Giai đoạn giữa năm 2007, khi TTCK trầm lắng, làn sóng thành lập mới CTCK dường như tạm ngưng lại nhưng sau đó lại tiếp tục bùng lên, dường như còn mạnh mẽ hơn cả giai đoạn trước. Với khoảng 70 CTCK đã được cấp phép thành lập, trong đó hàng loạt CTCK mới chỉ có nghiệp vụ môi giới, tư vấn đầu tư, tư vấn niêm yết... liệu có thể dẫn đến một xu hướng sáp nhập trong thời gian tới?

Bài học kinh nghiệm của các nước có TTCK phát triển lâu đời như Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc... cho thấy, sự bùng phát và ra đời quá nhiều CTCK sẽ dẫn đến hệ quả tất yếu là những CTCK nhỏ bị sáp nhập, mua lại hoặc phải giải thể, đóng cửa vì không thể cạnh tranh được. Giai đoạn bùng nổ, TTCK Trung Quốc có hơn 1.000 CTCK nhưng sau đó, chỉ còn khoảng 100 CTCK tồn tại, trong khi TTCK Trung Quốc có quy mô lớn hơn rất nhiều so với TTCK Việt Nam. Ở nhiều nước, mỗi thị trường thường chỉ có khoảng 4 CTCK lớn, các đơn vị khác chỉ hoạt động dưới dạng đại lý. Và rất có thể, đây sẽ là những gợi ý tương lai của các CTCK Việt Nam .

Tính đến hết năm 2007, Việt Nam có khoảng 70 CTCK nhưng quy mô vốn của loại công ty này còn rất khiêm tốn, trung bình chỉ 90 tỷ đồng/công ty. Nhiều CTCK chỉ đủ vốn để được triển khai nghiệp vụ môi giới và tư vấn. Trong số các CTCK, thị phần cung cấp dịch vụ môi giới hầu như chỉ tập trung vào những công ty có uy tín lâu năm như: SSI, BVSC, VCBS, BSC... Tất nhiên, những CTCK mới thành lập vẫn có thể lôi kéo một lượng tương đối khách hàng VIP nhờ mối quan hệ cá nhân. Nhưng điều này không có nghĩa là việc thu hút khách đến mở tài khoản dễ dàng, bởi trong cuộc cạnh tranh này, nhiều CTCK đã sẵn sàng chấp nhận miễn phí giao dịch để hút khách.

Ngoài những công ty lớn, có uy tín, trong số những CTCK mới thành lập, có số ít đã tương đối thành công trong cạnh tranh mảng dịch vụ này như: KLS, TVSI, VNDS... Để có thể "sống khỏe" nhờ dịch vụ này thực sự là vấn đề không dễ của ngay cả các CTCK hoạt động đã tương đối tốt.

Một trong những điều mà các ông chủ kỳ vọng khi thành lập CTCK chính là mảng tự doanh, vì đây là nguồn thu quan trọng, mang tính sống còn của hầu hết CTCK có nghiệp vụ này, nhưng đây thực sự không phải là miếng bánh hấp dẫn. Với mảng tự doanh, năm 2007 cho thấy, "đứng im" có thể được coi là hành động khôn ngoan hơn cả. Theo ghi nhận  từ thị trường, có công ty đã bị lỗ tới gần 30 tỷ đồng chỉ sau... 6 tháng tự doanh. Với những đơn vị có mối quan hệ thân thuộc với nhiều tổng công ty lớn thì mục tiêu của việc thành lập CTCK chính là nhắm đến lợi thế sân nhà khi hàng loạt thành viên của tổng công ty đang trong giai đoạn cổ phần hóa. Tuy nhiên, việc ban hành Quy chế lựa chọn và giám sát các tổ chức tư vấn định giá, trong đó có yêu cầu một CTCK muốn hoạt động nghiệp vụ tư vấn định giá DN CPH (chỉ áp dụng với DN 100% vốn Nhà nước) thì phải có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn, định giá, dường như là một "gáo nước lạnh" đổ vào những cái đầu “nóng” đang mong muốn thành lập CTCK để tận dụng lợi thế “người nhà”. Trong việc thành lập CTCK mới, nhiều “ông chủ” từng ung dung rằng, chỉ cần làm mấy vụ tư vấn, định giá cho các DN trong ngành là đủ công ăn việc làm cho cả mấy năm...

Trong bối cảnh "đất chật người đông", việc tìm ra một hướng đi mới để có thể cạnh tranh được là điều hết sức quan trọng. Phó giám đốc của một CTCK lớn cho biết, do mỗi CTCK khi thành lập đều có những khách hàng ruột, nên dù hoạt động có lèo tèo thì cũng rất khó để "chết"... Tuy nhiên, với số vốn điều lệ khá khiêm tốn để có thể triển khai đầy đủ các nghiệp vụ và áp dụng công nghệ cao vào mảng giao dịch... năng lực cạnh tranh của các CTCK này dường như khó để có thể "lớn" được. Một điều đã được dự đoán từ đầu năm 2007 là TTCK sẽ chứng kiến cuộc sáp nhập và giải thể những CTCK yếu kém. Những đơn vị chỉ đơn thuần có nghiệp vụ môi giới thì nguy cơ để trở thành "đại lý nhập lệnh" là điều khó tránh khỏi.

Theo ý kiến của nhiều CTCK, để hạn chế ảnh hưởng từ điều này, UBCK nên có những quy định chặt chẽ hơn, nâng cao điều kiện thành lập cũng như tăng cao phí thành viên, phí sử dụng thiết bị đầu cuối hay cổng giao tiếp vào Sở/ Trung tâm GDCK để hạn chế thành lập tràn lan.