Bước tiến dài của Dự án cao tốc Bắc – Nam

0:00 / 0:00
0:00
Cho đến thời điểm này, công tác triển khai 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đang theo rất sát lộ trình được Quốc hội đề ra.
Cho đến thời điểm này, công tác triển khai 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đang theo rất sát lộ trình được Quốc hội đề ra.

Cho đến thời điểm này, công tác triển khai 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đang theo rất sát lộ trình được Quốc hội đề ra.

Bám lộ trình

Nếu không có gì thay đổi, trong tuần này, các ban quản lý dự án (PMU) được giao nhiệm vụ đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền là 2, 6, 85 và Đường Hồ Chí Minh sẽ trình Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) danh sách nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật tại các dự án PPP thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

“Chúng tôi đang chỉ đạo tổ chuyên gia đấu thầu khẩn trương triển khai công tác đánh giá hồ sơ kỹ thuật của 2 liên danh nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu để kịp trình Bộ GTVT theo đúng chỉ đạo”, ông Lâm Văn Hoàng, Giám đốc PMU Đường Hồ Chí Minh - đơn vị được giao quản lý Dự án PPP cao tốc Bắc - Nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm cho biết.

Theo lộ trình, bên mời thầu sẽ đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật, trình phê duyệt kết quả đánh giá đề xuất kỹ thuật; nhà đầu tư đạt điểm kỹ thuật theo yêu cầu sẽ được tiếp tục mở và đánh giá đề xuất tài chính thông qua phương pháp vốn góp nhà nước để đánh giá về tài chính - thương mại; các thông số khác như thời gian hoàn vốn, mức giá dịch vụ... sẽ được xác định cố định. Nhà đầu tư có đề xuất giá trị vốn góp nhà nước thấp nhất và không vượt giá trị vốn góp tối đa của Nhà nước đã quy định trong hồ sơ mời thầu sẽ được xem xét đề nghị trúng thầu.

“Trên cơ sở kết quả đánh giá về tài chính, Bên mời thầu trình phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư. Bộ GTVT dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư trong tháng 12/2020”, ông Hoàng thông tin.

Trước đó, từ ngày 2/10 đến ngày 12/10, các PMU thuộc Bộ GTVT đã tiến hành mở thầu đối với các gói thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 5 dự án PPP thành phần cao tốc Bắc - Nam, gồm các đoạn: Nghi Sơn - Diễn Châu; Diễn Châu - Bãi Vọt; Quốc lộ 45 - Nghi Sơn; Nha Trang - Cam Lâm; Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Kết quả mở thầu cho thấy, trong 5 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP, đến hết thời điểm gia hạn đóng thầu, có 4 dự án thành phần (Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo) đã có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu (8 nhà đầu tư độc lập hoặc liên danh nhà đầu tư).

Riêng Dự án thành phần đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu, theo quy định tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ (VARSI) cho rằng, kết quả ban đầu của việc lựa chọn nhà đầu tư tại 5 dự án PPP là hợp lý, trong bối cảnh việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho các dự án BOT giao thông đang gặp rất nhiều khó khăn và cơ chế chia sẻ rủi ro được quy định tại Luật PPP đã không được cập nhật tại hồ sơ mời thầu.

Là đơn vị theo rất sát quá trình tuyển chọn nhà đầu tư cho các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, nhiều kiến nghị của VARSI đã được Bộ GTVT ghi nhận và cập nhật trong hồ sơ mời thầu. Lãnh đạo VARSI khẳng định, nếu Bộ GTVT không tổ chức các cuộc họp tiền đấu thầu để cung cấp thông tin cho nhà đầu tư; chủ động “gõ cửa” ngân hàng để khơi vốn cho 5 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam…, kết quả đấu thầu 5 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam thậm chí sẽ tệ hơn nhiều.

“Trong thẩm quyền của mình, Bộ GTVT đã chủ động đưa vào nhiều cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư vượt trội so với các dự án BOT trước đây, như nâng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia (trung bình khoảng 51%); bàn giao mặt bằng sạch trước khi khởi công; quy định cụ thể mức giá khởi điểm và mức giá cho từng thời kỳ. Tuy nhiên, việc không có cơ chế chia sẻ rủi ro đã khiến nhiều ngân hàng tài trợ vốn ngần ngại”, ông Chủng cho biết.

Thành, bại do thị trường

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, tính đến giữa tháng 10/2020 (sau gần 3 năm triển khai Nghị quyết số 52/2017/QH14), tiến độ triển khai Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam vẫn đang bám rất sát lộ trình đề ra.

Cụ thể, đối với 3 dự án thành phần đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2 sử dụng vốn đầu tư công, Bộ GTVT đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu và triển khai thi công 16/17 gói thầu xây lắp; còn lại 1 gói thầu (trụ tháp, dầm dây văng) thuộc Dự án thành phần Cầu Mỹ Thuận 2 đang được PMU7 đấu thầu lựa chọn nhà thầu, dự kiến triển khai thi công từ tháng 10/2021.

“Tiến độ triển khai 2 dự án thành phần đoạn Cao Bồ - Mai Sơn và Cam Lộ - La Sơn đang bám sát mục tiêu cơ bản hoàn thành năm 2021 theo yêu cầu tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội; riêng Dự án thành phần Cầu Mỹ Thuận 2, do tính chất kỹ thuật phức tạp, nên hoàn thành trong năm 2023”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin.

Đối với 3 dự án thành phần đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây được Quốc hội cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công, Bộ GTVT đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu và khởi công 3/13 gói thầu, các gói thầu còn lại hoàn thành lựa chọn nhà thầu trong tháng 10/2020. Bộ GTVT khẳng định, tiến độ 3 dự án này cơ bản đáp ứng mục tiêu hoàn thành, đưa vào sử dụng cuối năm 2022 theo yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 117/2020/QH14 ngày 19/6/2020.

Trong khi tiến độ triển khai 6 dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công đang trong tầm kiểm soát, thậm chí có nhiều cơ hội để rút ngắn thời gian triển khai, thì 5 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam lại hội tụ nhiều ẩn số khó đoán định.

Theo VARSI, tại 4 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu, dù tất cả các ứng thầu đều có thư cam kết cho vay vốn của ngân hàng, nhưng để tiến đến việc ký được hợp đồng tín dụng vẫn còn một khoảng cách rất lớn.

Sau khi có kết quả lựa chọn nhà đầu tư, các ngân hàng thương mại sẽ tổ chức thẩm định, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, rồi mới quyết định việc cung cấp tín dụng cho các dự án. Như vậy, ngay cả trường hợp nhà đầu tư đã được lựa chọn và ký kết hợp đồng, cũng chưa thể khẳng định sẽ huy động được vốn tín dụng để triển khai dự án.

Được biết, để có thể khơi thông nguồn vốn tín dụng, ngày 18/8, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan về giải pháp tháo gỡ khó khăn trong huy động tín dụng cho các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đầu tư theo phương thức PPP. Đúng một tháng sau, Bộ GTVT tiếp tục có buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại về việc cung cấp tín dụng cho các dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP.

Theo quan điểm của Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại, Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là dự án quan trọng quốc gia, các ngân hàng nhận thức được trách nhiệm trong việc xem xét, cung cấp tín dụng cho các dự án thành phần; tuy nhiên, việc cung cấp tín dụng phải thực hiện theo cơ chế thương mại hiện hành, các ngân hàng tự xem xét, quyết định cho vay trên cơ sở thẩm định hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng và khả năng cân đối nguồn vốn tín dụng của tổ chức tín dụng.

Trong khi đó, các dự án BOT, BT giao thông có quy mô và tổng mức đầu tư lớn, thời gian vay vốn kéo dài..., nên tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các ngân hàng. Thực tế trong hơn 2 năm qua đã phát sinh những vướng mắc về thu phí, dẫn đến doanh thu thực tế thấp hơn dự kiến tại các dự án BOT, đến nay chưa được xử lý dứt điểm, nguy cơ phát sinh nợ xấu, phải chuyển nhóm nợ, cơ cấu lại khoản vay..., gây rủi ro, tạo áp lực rất lớn cho các tổ chức tín dụng.

Ông Đinh Văn Thanh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Bình nhận định, các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam có tính hấp dẫn cao, thể hiện qua việc rất nhiều bộ hồ sơ mời thầu đã được bán, nhưng để triển khai thành công lại không phụ thuộc vào ý chí của bên mời thầu.

“Lợi nhuận tiềm năng trong lĩnh vực giao thông thường thấp hơn so với mặt bằng kinh doanh chung, thời gian hoàn vốn kéo dài, thâm dụng vốn lớn, nhiều rủi ro… Điều này sẽ khiến các nhà đầu tư dự án giao thông khó thuyết phục các ngân hàng tham gia đồng hành”, ông Thanh chia sẻ.

Tin bài liên quan