Nhu cầu tiền lẻ mới tăng cao dịp Tết. Ảnh: Dũng Minh

Nhu cầu tiền lẻ mới tăng cao dịp Tết. Ảnh: Dũng Minh

Buồn, vui tiền lẻ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tháng 10/2022, có khách hàng khi rút tiền tại SCB nhận được túi tiền lẻ, phần lớn là tiền mới, nhưng không thấy vui, vậy mà chỉ 3 tháng sau, tâm trạng đã thay đổi 180 độ.

Cung tiền lẻ vẫn bình thường

Chị Thanh Lan, kiểm soát viên tại một chi nhánh của SCB nhớ lại: “Vị khách đó rất vui khi đến lượt và được mời vào làm thủ tục rút tiền từ sổ tiết kiệm. Tuy nhiên, vị khách chau mày khi thấy một số tép tiền lẻ được đưa ra cùng với tiền chẵn, trong đó có tép tiền lẻ mới tinh. Khách hàng chất vấn, vì sao lúc gửi tiết kiệm mang toàn tiền mệnh giá 500.000 đồng đến, mà khi rút lại nhận về tiền lẻ. Thế nhưng, cách đây vài ngày, họ lại đến nhờ Ngân hàng đổi cho tiền lẻ mới”.

Theo chị Lan, thời điểm tháng 10/2022, có những điểm giao dịch của SCB, khách hàng thậm chí còn được nhận tiền mệnh giá 5.000 mới tinh. Hiện tại, Ngân hàng không có tiền lẻ mới, mà chỉ có tiền đủ các mệnh giá đã qua sử dụng để chi trả cho khách hàng.

Phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán vừa thực hiện khảo sát tại một số ngân hàng thì thấy, lác đác ngân hàng có tiền lẻ mới, nhưng mệnh giá chủ yếu là 10.000 đồng và 20.000 đồng.

“Chúng tôi vẫn được Ngân hàng Nhà nước cung cấp tiền đủ các loại mệnh giá cho hoạt động chi trả thường lệ, nhưng không phải tất cả đều là tiền mới”, trưởng bộ phận quỹ của một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết.

Trong một diễn biến có liên quan, chị Hồng Nhung, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ về một trải nghiệm không vui của gia đình khi mua hàng tại một siêu thị lớn trên đường Trần Duy Hưng: “Khi thanh toán, siêu thị còn thiếu của tôi 2.000 đồng và đưa tôi 2 cái kẹo. Trong nhà không ai ăn kẹo nên tôi từ chối và yêu cầu trả lại tiền. Thu ngân nói không có tiền lẻ để trả lại và mong khách hàng thông cảm. Đã rất nhiều lần trong hoàn cảnh tương tự nên tôi khá bực mình và cương quyết yêu cầu trả tiền. Thấy vậy, một quản lý vội vàng mời tôi ra chỗ khác và bảo sẽ lấy tiền lẻ chuyển lại, nhưng thực tế, vị quản lý này đưa tôi ra chỗ vắng chỉ để trách về việc có mỗi 2.000 đồng mà cũng làm căng”.

Một câu chuyện không có tiền lẻ trả lại tương tự được thu ngân trả lời: “Ngân hàng không cung cấp tiền lẻ, do đó, cửa hàng không có đủ tiền lẻ trả lại khách hàng, mong quý khách thông cảm”.

Mang câu chuyện này trao đổi với ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ, Ngân hàng Nhà nước, thông tin mà phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán nhận được là những con số đáng chú ý.

Ông Anh Tuấn nói: “Việc cung cấp tiền lẻ nói chung trên thị trường đều trong xu hướng tăng. Cụ thể, tính đến cuối năm 2022, tiền mệnh giá 1.000 đồng tăng 79,1%, tiền mệnh giá 2.000 đồng tăng 34,8%, tiền mệnh giá 5.000 đồng tăng 34,9% so với năm 2021”.

Trước câu hỏi về tình hình cung ứng tiền cho dịp Tết Nguyên đán 2023, ông Anh Tuấn cho biết: “Các kế hoạch vẫn bình thường như mọi năm trước”.

Sẽ xử lý nghiêm việc đổi tiền không đúng quy định

Ngân hàng Nhà nước gia tăng nguồn cung tiền lẻ, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thanh toán của người dân.

Chị Thu Trà, quê ở Lạng Sơn, thường trú tại Hà Nội chia sẻ, sau 2 năm dịch Covid-19, mẹ chị không đi lễ được nên năm nay nhất định phải đi, do đó rất cần tiền lẻ mới, đặc biệt tiền mệnh giá 1.000 đồng. Đổi tiền với khối lượng lớn nên chị Trà liên lạc với các trang web có quảng cáo đổi tiền để tìm mức giá hợp lý nhất.

“Tại địa điểm được ghi trên web là ở Thái Thịnh, tôi trao đổi qua điện thoại thì được báo chi phí đổi tiền mệnh giá 1.000 đồng là 10%, 2.000 đồng là 5%, 5.000 đồng là 4%. Loại 10.000 đồng và 20.000 đồng có chi phí đổi là 5%, còn 50.000 đồng là 4%”, chị Trà nói.

“Nhân viên ở đây cho biết, mấy năm gần đây, người dân tiết kiệm chi phí nên đổi tiền lẻ mới ít hơn so với trước. Do đó, số lượng cần bao nhiêu cũng có, chỉ cần báo trước 1 tiếng là tiền sẽ có tận nơi. Nếu đổi khối lượng nhiều sẽ được giảm phí, đặc biệt được nhận tiền nguyên đai, nguyên kiện, chứ không phải các tép tiền”, chị Trà nói thêm.

Mới đây, ngày 23/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 22/CT-TTg về tăng cường biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Theo đó, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cùng các tỉnh, thành phố tập trung thực hiện xử lý nghiêm việc đổi tiền không đúng quy định dịp Tết Âm lịch 2023.

Cụ thể, tổ chức tốt công tác điều hòa và cung ứng tiền mặt, đáp ứng nhu cầu tiền mặt cho nền kinh tế cả về giá trị và cơ cấu mệnh giá; bảo đảm an ninh, an toàn kho quỹ; chỉ đạo hệ thống tổ chức tín dụng tổ chức tốt các dịch vụ ngoại hối, tăng cường hoạt động đổi ngoại tệ phục vụ nhu cầu của du khách nước ngoài; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật.

Liên quan đến bảo đảm hoạt động rút tiền qua ATM thông suốt, ổn định. Chỉ thị nêu rõ, tổ chức tốt việc cung cấp dịch vụ thanh toán của hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc gia; chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có biện pháp bảo đảm thanh khoản, cung ứng các dịch vụ thanh toán ổn định, an toàn; chỉ đạo tổ chức vận hành hệ thống bù trừ, chuyển mạch giao dịch tài chính đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt 24/24 giờ, phục vụ tốt nhu cầu thanh toán, nhu cầu rút tiền mặt qua hệ thống ATM tăng cao trước và trong dịp Tết.

“Tăng cường giám sát an ninh mạng và triển khai các biện pháp kỹ thuật, bố trí nhân sự cần thiết để đảm bảo an toàn hoạt động của các hệ thống thanh toán và các hệ thống liên quan”, Chỉ thị nhấn mạnh.

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Công văn số 8839/NHNN-PHKQ về việc đảm bảo an toàn kho quỹ, đặc biệt dịp Tết Nguyên đán Quý Mão. Theo đó, Công văn nêu rõ, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh và hướng dẫn Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về công tác đảm bảo an toàn kho quỹ, trong đó gần nhất có Văn bản số 5944/NHNN-PHKQ ngày 26/8/2022.

Xuất phát từ tình hình hoạt động kho quỹ, giao dịch tiền mặt tăng lên vào cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, tình hình an ninh trật tự thường diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá bảo quản trong kho quỹ, trong giao dịch với khách hàng và trên đường vận chuyển.

Để đảm bảo an toàn tuyệt đối tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá do ngân hàng quản lý và bảo quản, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các đơn vị chấp hành nghiêm các quy định, quy trình nghiệp vụ về công tác kho quỹ, đồng thời tập trung thực hiện ba nội dung.

Thứ nhất, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong việc thực hiện các quy định, quy trình nghiệp vụ, công tác giám sát đảm bảo an toàn hoạt động kho quỹ, công tác canh gác, bảo vệ trụ sở kiêm kho tiền và bảo quản tài sản.

Thứ hai, chấp hành nghiêm các nội dung trong Công văn số 5944/NHNN-PHKQ về các nội dung kiểm tra, kiểm kê định kỳ, đột xuất; diễn tập phương án phòng cháy, chữa cháy, phòng chống thiên tai, phòng chống tội phạm trộm, cướp tài sản ngân hàng.

Thứ ba, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp thiếu trách nhiệm, chủ quan và không thực hiện đúng quy định để xảy ra những tổn thất cho đơn vị. Trong mọi trường hợp, thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về đảm bảo an toàn tuyệt đối tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá do đơn vị quản lý và bảo quản.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu thủ trưởng các đơn vị quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm các nội dung nêu trên; nếu có vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo về Ngân hàng Nhà nước (qua Cục Phát hành và Kho quỹ) để xem xét, xử lý.

Tin bài liên quan