Các cựu Bộ trưởng Y tế, Khoa học và Công nghệ: “Dính” gì với kit test Covid-19 Việt Á?

0:00 / 0:00
0:00
Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ dính vào sai phạm liên quan đến kit test Covid-19 Việt Á thế nào?
Các cựu Bộ trưởng Y tế, Khoa học và Công nghệ: “Dính” gì với kit test Covid-19 Việt Á?

Bộ Công an vừa khởi tố, bắt tạm giam cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh; cựu Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc do sai phạm trong vụ kit test Covid-19 của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á). Họ đã “dính” sai phạm thế nào?

Cựu lãnh đạo Bộ KH&CN “quản” của công ra sao?

Theo công bố của Bộ Công an khi bắt tạm giam ông Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng Bộ KH&CN) và ông Chu Ngọc Anh (cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, cựu Bộ trưởng Bộ KH&CN giai đoạn 2016 - 2020), cả hai ông cùng có hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong việc giao, quản lý, sử dụng đề tài khoa học và công nghệ cấp quốc gia về nghiên cứu, chế tạo kit xét nghiệm Covid-19, gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước, đã phạm vào tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại Khoản 3, Điều 219, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 4/6, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, trong quá trình điều tra, bị can Phan Quốc Việt khai đã kiếm lãi 4.000 tỷ đồng, trong đó, số tiền “bôi trơn” khoảng 800 tỷ đồng.

Khoản 3, Điều 219 nêu trên quy định về hành vi đã cấu thành định khung tăng nặng nhất khi gây thất thoát, lãng phí từ 1 tỷ đồng trở lên, với mức án cao nhất, từ 10 - 20 năm tù.

Vậy họ đã “quản lý, điều hành” thế nào?

Lật lại nguồn gốc bộ kit test PCR Covid-19 của Công ty Việt Á, đầu tháng 2/2020, ông Chu Ngọc Anh (lúc đó đang là Bộ trưởng Bộ KH&CN) đã ký quyết định phê duyệt đặt 4 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia đột xuất góp phần phòng chống dịch bệnh, trong đó có đề tài “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm real-time RT-PCR và RT-PCR phát hiện virus Corona chủng mới” do Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty Việt Á thực hiện.

Với “đặt hàng” này, đề tài được cấp gần 19 tỷ đồng ngân sách và dự kiến được Bộ KH&CN tổ chức đánh giá, nghiệm thu trong tháng 12/2021.

Chỉ 1 tháng sau khi quyết định trên được ký, tháng 3/2020, ông Phạm Công Tạc tổ chức họp báo công bố Học viện Quân y và Công ty Việt Á đã “nghiên cứu chế tạo thành công” kit test Covid-19 “made in Việt Nam”.

Tháng 10/2021, tại Báo cáo Kết quả tự đánh giá nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, Học viện Quân y và Chủ nhiệm đề tài cũng khẳng định như đinh đóng cột là đã “chế tạo thành công 2 bộ sinh phẩm RT-PCR sàng lọc và real-time RT-PCR phát hiện chủng 2019-nCoV”.

Nhưng thực tế, đến tháng 12/2021, khi công an khởi tố, bắt tạm giam ông Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á, thì “nhà máy chính” của Việt Á (tại TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương) không sản xuất, mà chỉ làm nhiệm vụ phối trộn 5 loại sinh phẩm và đóng gói hình thành bộ kit test PCR.

Tháng 1/2022, Tổng cục Hải quan công bố số liệu hàng nhập khẩu của Công ty Việt Á với tỷ lệ 100% hàng nhập từ Trung Quốc và nhiều nước khác từ năm 2017 tới năm 2021, bao gồm: “bộ thành phẩm que thử test nhanh xét nghiệm định tính kháng nguyên virus SARS-CoV-2” và “nguyên liệu hóa chất, chất thử, phụ kiện, dụng cụ, máy móc dùng trong phòng thí nghiệm, nguyên liệu sản xuất sinh phẩm chẩn đoán xét nghiệm” với tổng kim ngạch nhập khẩu 286 tỷ đồng.

Theo giới khoa học, những thành phần chính của bộ kit như sinh phẩm, enzyme, thành phần tham gia phản ứng… Việt Nam không làm được, nên phải mua để phối trộn.

Các dữ liệu trên cho thấy dấu hiệu rõ nét Công ty Việt Á chỉ việc mua sinh phẩm từ nước ngoài về phối trộn để thành kit test Covid-19, nhưng lại biến thành việc “nghiên cứu chế tạo” “bộ sinh phẩm made in Việt Nam” để “dẫn đường” tới con số gần 19 tỷ đồng ngân sách.

Chưa hết, chiếu theo Luật Khoa học và Công nghệ, kit test Covid-19 của Công ty Việt Á được hình thành từ 100% ngân sách (Bộ KH&CN cấp gần 19 tỷ đồng) và thuộc đề tài khoa học cấp quốc gia, nên có đại diện chủ sở hữu nhà nước là Bộ KH&CN, còn Học viện Quân y là tổ chức chủ trì.

Điều 43, Luật Khoa học và Công nghệ quy định: “Lợi nhuận thu được từ việc sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được chia cho tác giả tối thiểu 30%; phần còn lại được phân chia giữa chủ sở hữu, cơ quan chủ trì, người môi giới theo quy định của Chính phủ”.

Tại buổi họp báo tổ chức vào tháng 3/2020, ông Phạm Công Tạc công bố, Công ty Việt Á là doanh nghiệp được chọn sản xuất kit test Covid-19.

Công ty Việt Á đã rầm rộ bán kit test Covid-19, thu về túi riêng gần 4.000 tỷ đồng chỉ sau 17 tháng tính từ khi được cấp phép (từ tháng 4/2020 tới thời điểm Bộ Công an khởi tố vụ án), nhưng chưa hề thấy Bộ KH&CN công bố phần lợi nhuận mà Nhà nước phải thu về theo luật định, khi đã chuyển giao bộ kit test Covid-19 là tài sản hình thành từ 100% vốn ngân sách cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Cựu quan chức Bộ Y tế đã “lệnh” cấp dưới thế nào?

Bộ Công an cũng khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế với cáo buộc: có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của pháp luật trong việc cấp số đăng ký lưu hành, hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương kit xét nghiệm Covid-19, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản nhà nước, phạm vào tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại Khoản 3, Điều 356, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Chỉ trong hơn 6 tháng (từ giữa tháng 12/2021 đến nay) kể từ khi Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam ông Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á, đã có 61 người được xác định sai phạm liên quan đến Công ty Việt Á.

Trong đó, có hàng loạt quan chức cấp cao như cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh; cựu Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc; cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) Nguyễn Minh Tuấn; cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) Nguyễn Nam Liên; cựu Phó trưởng phòng Quản lý giá (Cục Quản lý dược, Bộ Y tế) Nguyễn Huỳnh…

Khoản 3, Điều 356, Bộ luật Hình sự quy định: “Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm”.

Vậy Bộ Y tế lúc đó đã thực hiện những “động tác” nào?

Hồ sơ mà phóng viên Báo Đầu tư thu thập được thể hiện, ngày 3/3/2020, Hội đồng KH&CN cấp quốc gia đã đánh giá kết quả nghiên cứu chế tạo bộ kit test Covid-9 của Công ty Việt Á với tỷ lệ 100% thành viên thông qua và đề xuất Bộ Y tế cấp phép.

Ngày 4/3/2020, thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn (hiện đã xin nghỉ việc) đã ký Quyết định số 774/QĐ-BTY về việc ban hành danh mục 2 sinh phẩm chẩn đoán invitro xét nghiệm SARS-CoV-2 được cấp số đăng ký tạm thời do Học viện Quân y và Công ty Việt Á sản xuất.

Sau đó, Công ty Việt Á nộp hồ xin cấp số đăng ký lưu hành. Theo đề nghị của Phan Quốc Việt, Nguyễn Huỳnh đã lợi dụng vai trò là thư ký của ông Nguyễn Thanh Long (khi ông Nguyễn Thanh Long là Thứ trưởng Bộ Y tế) đã tác động đến Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế, đã bị bắt giam) trình, ký đề xuất. Nên ngày 4/12/2020, Bộ Y tế đã có Quyết định số 5071/QĐ-BYT cấp phép lưu hành 5 năm đối với bộ sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 chủng loại LightPoweriVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR kit của Công ty Việt Á.

Khi Bộ Công an khởi tố vụ án, ngày 21/12/2021, Bộ Y tế có văn bản khẳng định, việc cấp phép lưu hành như trên là “đúng quy định” bởi 3 căn cứ: ý kiến của Hội đồng Đánh giá, nghiệm thu đề tài do Bộ KH&CN thành lập; kết quả xác nhận cơ sở sản xuất của Công ty Việt Á đã đạt tiêu chuẩn ISO 13485:2016 do Tổ chức Bureau Veritas cấp (tổ chức được Bộ KH&CN công nhận, cấp ngày 29/8/2019); kết quả đánh giá đáp ứng về độ nhạy và độ đặc hiệu của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (thuộc Bộ Y tế).

Theo Nghị định số 169/2018/NĐ-CP, ngày 31/12/2018 của Chính phủ về về quản lý trang thiết bị y tế, thì ISO 13485 là một trong những yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lĩnh vực trang thiết bị y tế. Chuẩn ISO 13485 quy định, nhân sự của cơ sở sản xuất phải có trình độ từ cao đẳng kỹ thuật trang thiết bị y tế hoặc chuyên ngành y, dược trở lên và làm việc toàn thời gian tại cơ sở sản xuất; có đội ngũ nhân viên đáp ứng được yêu cầu sản xuất đối với loại trang thiết bị y tế mà cơ sở sản xuất.

Trong khi đó, một nhân viên kỹ thuật sản xuất kit test Covid-19 của Công ty Việt Á khai với cơ quan điều tra rằng, mình chỉ làm thời vụ, không học hành gì liên quan y tế.

Về giá kit test, cũng tại thông báo ngày 21/12/2021, Bộ Y tế cho rằng, trang thiết bị y tế và sinh phẩm xét nghiệm không thuộc danh mục mặt hàng phải quản lý giá; Bộ có văn bản và các doanh nghiệp đã công khai giá, công khai kết quả trúng thầu trên trang web của Bộ để các địa phương nắm bắt, tham khảo khi xây dựng kế hoạch và thực hiện mua sắm, đấu thầu; các địa phương, đơn vị thực hiện mua sắm, đấu thầu chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện. Điều này có ý là, về việc nâng giá khống, “tội đồ” là Công ty Việt Á và các trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) và sở y tế địa phương, chứ Bộ không liên quan.

Trước đó, tại cuộc họp báo công bố nghiên cứu thành công kit test Covid-19 ngày 5/3/2020 do Bộ KH&CN tổ chức, Tổng giám đốc Công ty Việt Á hé lộ rằng, giá bộ kit từ 400.000 - 600.000 đồng/bộ.

Tháng 7/2021, ông Nguyễn Minh Tuấn ký công văn kèm danh sách chi tiết về các đơn vị sản xuất hoặc nhập khẩu kit test Covid-19, khả năng cung ứng và giá bán để “các sở y tế và các bệnh viện, viện nghiên cứu chủ động liên hệ, có kế hoạch mua sắm”. Trong danh sách này có “giới thiệu” cả kit test của Công ty Việt Á với giá 470.000/bộ.

Khi khởi tố vụ án (tháng 12/2021), Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định, Công ty Việt Á bán kit test giá 470.000 đồng/kit là đã nâng khống. Còn hàng loạt CDC và sở y tế các tỉnh, thành phố mua kit test Covid-19 của Công ty Việt Á đều khai “tham khảo giá của Bộ Y tế”.

Theo các dữ liệu và đặc biệt là giá bán kit test phân tích ở trên, không có sự “hiệp thương ngầm” và định giá “khéo léo” thì mới là… chuyện lạ!

Tin bài liên quan