Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần xây dựng sổ sách tài chính chặt chẽ để dễ dàng tiếp cận vốn

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần xây dựng sổ sách tài chính chặt chẽ để dễ dàng tiếp cận vốn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là khuyến nghị của PGS-TS. Nguyễn Đức Thành, chuyên viên kinh tế cao đưa ra trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán bên lề 1 hội thảo diễn ra tại TP.HCM ngày 7/7.

Theo ông, khó khăn và giải pháp cho các SME trong bối cảnh hiện nay?

Tôi cho rằng, khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) là vấn đề thị trường, vì hiện tại tất cả các doanh nghiệp đều khó khăn, các quốc gia đều gặp khó, chứ không riêng gì Việt Nam nên việc thị trường bị thu hẹp là khó tránh.

Điểm thứ hai đó là việc tiếp cận nguồn nguyên liệu không như trước khi chuỗi cung ứng bị “đứt gãy”, bởi đa số các doanh nghiệp Việt đều quốc tế hóa trong lĩnh vực này. Chính hai lĩnh vực vĩ mô này bị tác động làm cho doanh nghiệp trở nên khó khăn.

Trong bối cảnh này, theo ông giải pháp cần nhất để hỗ trợ SME là gì?

Để có thể hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh trên, đến nay các chính sách của Chính phủ đưa ra có, nhưng cũng chưa đạt được nhiều, song chúng ta cũng hiểu rằng, đại dịch tác động đến toàn bộ kinh tế thế giới, chứ không riêng gì kinh tế của Việt Nam.

Đây là khó khăn chung. Nhưng trong bối cảnh đó, nếu chung ta dịch chuyển được thị trường sang những khách hàng mới cũng như sử dụng chuỗi cung ứng mới, áp dụng cách thức vận hành mới thì có thể tháo gỡ được những khó khăn trên. Tuy nhiên, muốn làm được điều này đều xuất phát từ nội tại của các doanh nghiệp SME.

Có một vấn đề có thể hỗ trợ được cho doanh nghiệp nhiều hơn đó là nguồn lực về vốn. Các chính sách đã được đưa ra, nhưng cũng chỉ giới hạn ở chỗ giảm chi phí vốn theo thị trường, nhưng đó cũng là xu hướng chung hiện nay. Vì tất cả các thị trường đều bị thu hẹp.

Bên cạnh đó, theo tôi có một chính sách có thể hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp đó chính là giảm chi phí cho doanh nghiệp. Đây là điều các doanh nghiệp cần mà Chính phủ có thể làm được cho doanh nghiệp nhiều nhất lúc này.

Chính sách vĩ mô chủ yếu hiện nên mang tính chất tài khóa, chủ yếu thông qua việc cắt giảm các khoản thu, phí… đối với doanh nghiệp. Song song với quá trình đó, chính sách tín dụng mở rộng cho doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng, nhưng không nên tăng trưởng tín dụng quá mạnh, dễ dẫn tới bất ổn vĩ mô. Điều chỉnh mục tiêu tổng cung tín dụng dưới 10% trong  2020.

Ông đánh giá thế nào về việc tái cơ cấu nợ cho SME của ngân hàng hiện nay?

 Các SME rất cần các ngân hàng hỗ trợ và đồng hành cùng với mình trong việc cung ứng vốn. Đặc biệt là hỗ trợ vốn lưu động cho các SME. Vả lại, trong bố cảnh hiện nay, ngân hàng chắc chắn phải đồng hành cùng với doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần xây dựng sổ sách tài chính chặt chẽ để dễ dàng tiếp cận vốn ảnh 1

PGS-TS. Nguyễn Đức Thành

Nhưng quan trọng hơn đó chính là đầu ra của sản phẩm, hàng hóa có được khơi thông hay không thì cầu vốn doanh nghiệp mới tăng. Đây chính là nguyên nhân của sự tắc nghẽn dòng vốn. Từ khi dịch bệnh xảy ra, NHNN đã có Thông tư 01/2020/TT-NHNN cơ cấu lại nợ, giãn và hoãn nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Điều này phù hợp với điều kiện thực tiễn của các doanh nghiệp hiện nay, chia sẻ với tình hìn khó khăn chung của thị trường cũng như sự chững lại của nền kinh tế lúc này. Tôi cho rằng, đây cũng là lúc các NHTM cần sự thấu hiểu khó khăn của các doanh nghiệp.

Nhưng thực tế, các SME vẫn cho rằng, khó có thể tiếp cận được vốn tín dụng?

Như các ý kiến từ phía các ngân hàng đưa ra, sở dĩ các SME khó có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng là do không ít doanh nghiệp có thông tin tài chính không rõ ràng, không đồng bộ, chưa thống nhất và không minh bạch.

Theo tôi, đây cũng là đặc thù và chuyện phổ biến trong cộng đồng SME của Việt Nam hiện nay. Nhưng nếu vượt qua được giai đoạn này và trở thành khách hàng tốt của ngân hàng thì mọi chuyện sẽ thay đổi rất nhiều.

Các SME cần tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu, nhất là sau khi dịch bệnh được kiểm soát, song các hoạt động có thể chậm lại cũng là cơ hội để các SME đầu tư, xây dựng một hệ thống sổ sách tài chính chặt chẽ, minh bạch rõ ràng hơn. Điều đó sẽ tạo điều kiện tích cực cho doanh nghiệp sau khi kinh tế hồi phục, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng sẽ dễ dàng hơn...

Bởi thực tế, nếu không có sự khởi đầu về một báo cáo tài chính minh bạch, các SME sẽ khó vay vốn ngân hàng. Kể cả khi ngân hàng muốn tăng trưởng tín dụng cũng khó rót vốn cho các SME.

Tin bài liên quan