Các ngân hàng trung ương đang báo hiệu sự thay đổi chính sách tiền tệ

Các ngân hàng trung ương đang báo hiệu sự thay đổi chính sách tiền tệ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các ngân hàng trung ương đang bắt đầu bước ra khỏi các thiết lập về chính sách tiền tệ khẩn cấp trong giai đoạn đại dịch. Hàn Quốc là quốc gia tiếp theo sau New Zealand và Canada về dự định tăng lãi suất tiềm năng.

Khi vắc xin tiếp tục được triển khai và các nền kinh tế mở cửa trở lại, các nhà đầu tư đã dần quay lại kỳ vọng về việc tăng lãi suất hoặc việc mua tài sản ở những nơi khác cũng chậm lại. Thị trường đang nắm bắt câu chuyện chính sách tiền tệ thắt chặt và bắt đầu điều chỉnh lại danh mục đầu tư của mình.

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã trở thành ngân hàng trung ương mới nhất vào thứ Năm (27/5) báo hiệu một sự thay đổi về lãi suất khi Thống đốc Lee Ju-yeol cho biết các nhà hoạch định chính sách đang chuẩn bị cho một lối thoát "có trật tự" khỏi mức lãi suất thấp kỷ lục vào một thời điểm nào đó khi nền kinh tế phục hồi. Sự thay đổi về lập trường diễn ra một ngày sau New Zealand với quan điểm tương tự.

Sharon Zollner, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng ANZ New Zealand ở Auckland cho biết, quan điểm New Zealand ít ôn hoà hơn nhiều so với dự kiến ​​và có thể báo hiệu một sự thay đổi về chính sách tiền tệ trên toàn cầu.

“Chúng tôi không thể loại trừ hành động này của New Zealand sẽ ảnh hưởng đến kỳ vọng của thị trường toàn cầu về việc liệu các ngân hàng trung ương khác cũng có thể thực hiện một hành động diều hâu hơn hay không”, nhà kinh tế trưởng Sharon Zollner cho biết.

Các thị trường tài chính đã đưa ra đánh giá về đợt tăng lãi suất đầu tiên của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trong gần một năm kể từ đầu tháng 2 năm nay. Cùng thời điểm đó, kỳ vọng của thị trường từ Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đã chuyển từ việc cắt giảm lãi suất vào cuối năm 2022 sang tăng lãi suất, trong khi các nhà đầu tư gần như từ bỏ kỳ vọng vào việc Ngân hàng Trung ương Châu Âu có thể giảm thêm lãi suất mà thay vào đó là tăng lãi suất 0,1% vào cuối năm 2023.

Câu chuyện về việc đảo ngược chính sách tiền tệ nới lỏng

Với việc các ngân hàng trung ương lớn tham gia vào việc mua trái phiếu và các chương trình nới lỏng khác, theo truyền thống thì điều này sẽ giảm xuống trước và hầu hết các đợt tăng lãi suất vẫn chưa xảy ra. Nhưng cuộc nói chuyện về một sự thu hẹp trong việc mua tài sản đang được chú ý.

Phó Chủ tịch Fed Richard Clarida nói với Yahoo!Finance trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Ba (25/5) rằng các quan chức có thể thảo luận về việc thu hẹp quy mô mua tài sản trong cuộc họp chính sách sắp tới.

Phó Chủ tịch Giám sát Fed Randal Quarles hôm thứ Tư (26/5) cho biết, điều quan trọng là ngân hàng trung ương phải bắt đầu thảo luận trong những tháng tới về kế hoạch giảm lượng mua trái phiếu lớn nếu nền kinh tế tiếp tục phát triển.

BOE đã giảm tốc độ mua trái phiếu và báo hiệu rằng họ sẽ kết thúc hỗ trợ đó vào cuối năm nay. Ngân hàng trung ương của Úc đã đặt tháng 7 là thời hạn cuối cùng để quyết định xem có nên gia hạn giao dịch mua tài sản hay không.

Na Uy đang trên đà chuẩn bị tăng lãi suất và Iceland đã bắt đầu quá trình tương tự. Tháng trước, Ngân hàng Trung ương Canada đã thông báo về việc giảm mua nợ vì dự báo kinh tế phục hồi nhanh hơn có thể mở đường cho việc tăng lãi suất trong năm tới.

Điểm ngoặt thay đổi

Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại Natixis cho biết: “Sự thay đổi trong chính sách tiền tệ đang bắt đầu”.

Tuy nhiên, sự thay đổi này vẫn có điều kiện kèm theo.

Thống đốc ngân hàng Trung ương New Zealand, Adrian Orr cho biết, triển vọng được dự đoán về sự phục hồi nền kinh tế tiếp tục khi vắc xin được tung ra và đại dịch được kiềm chế. Trong bối cảnh tương tự, Thống đốc ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cho biết các nhà chức trách quyết định giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục vào thứ Năm (27/5) khi những bất ổn về đại dịch vẫn còn.

Ở các thị trường mới nổi, sự thay đổi đang diễn ra rất rõ rệt. Ngân hàng trung ương Hungary trong tuần này cho biết họ đã sẵn sàng thực hiện thắt chặt tiền tệ và Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil cũng cùng quan điểm tương tự. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đang đứng trước các biện pháp kích thích tương đối kỷ luật, trong khi các ngân hàng trung ương khác tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng khi virus tiếp tục lây lan.

“Có sự khác biệt về tăng trưởng do quá trình tiêm chủng chậm hơn nhiều ở các thị trường mới nổi và các làn sóng lây nhiễm mới. Họ sẽ phải hứng chịu nhiều thách thức cùng một lúc khi Fed bắt đầu tiến tới thắt chặt chính sách tiền tệ”, nhà kinh tế Alicia Garcia Herrero cho biết.

Tin bài liên quan