Các ngân hàng trung ương đặt mục tiêu giữ lãi suất cao trong thời gian dài để chống lạm phát

Các ngân hàng trung ương đặt mục tiêu giữ lãi suất cao trong thời gian dài để chống lạm phát

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khoảng tuần tới, lãi suất đối với 7 trong số 10 loại tiền tệ được giao dịch nhiều nhất trên thế giới - bao gồm đồng đô la và đồng euro - sẽ được ấn định, với viễn cảnh thắt chặt chính sách kéo dài sẽ xuất hiện.

Giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn cũng là chủ đề trọng yếu mà các nhà hoạch định chính sách đã đề cập tại cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tháng trước tại Jackson Hole, Wyoming.

ECB có khả năng tiếp tục tăng lãi suất

Các nhà hoạch định chính sách Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải đối mặt với quyết định khó khăn vào thứ Năm (14/9) về việc nên tiếp tục tăng lãi suất hay tạm dừng.

Cho dù ECB có lựa chọn phương án nào đi chăng nữa, một thách thức được cho là khó khăn hơn sẽ là thuyết phục thị trường tài chính rằng họ sẽ duy trì chính sách thắt chặt, miễn là cần thiết để kiểm soát giá cả ngay cả khi tăng trưởng kinh tế chững lại.

Sự lạc quan của Fed

Cuộc họp chính sách sắp tới của Fed diễn ra vào ngày 19/9 và 20/9 sẽ thu hút sự chú ý của thị trường. Các quan chức Fed đang càng lạc quan hơn rằng họ có thể kiềm chế lạm phát mà không gây ra tổn thất kinh tế nghiêm trọng. Thị trường hiện đang kỳ vọng rằng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp sắp tới và các nhà kinh tế đồng ý rằng lãi suất sẽ ổn định sau những tín hiệu rõ ràng của các quan chức Fed rằng họ có kế hoạch tạm dừng tăng lãi suất nào trong tháng này.

Các ngân hàng trung ương lớn chuẩn bị đưa ra quyết định lãi suất trong tháng 9

Các ngân hàng trung ương lớn chuẩn bị đưa ra quyết định lãi suất trong tháng 9

Trong bối cảnh có những dấu hiệu cho thấy áp lực giá cả và thị trường lao động đang dần hạ nhiệt, các quan chức Fed không muốn dập tắt triển vọng “hạ cánh mềm” bằng cách tăng lãi suất quá nhiều.

Trọng tâm của cuộc họp sắp tới sẽ là các dự báo kinh tế cập nhật dự kiến sẽ cho thấy một đợt tăng lãi suất khác vào cuối năm, đồng thời giữ lãi suất gần mức đỉnh trong suốt năm 2024 để đảm bảo lạm phát quay trở lại mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương.

BoE với quan điểm diều hâu

Theo các nhà kinh tế và thị trường, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào ngày 21/9. Nhưng đây có thể là lần cuối cùng sau 14 lần tăng lãi suất trong chu kỳ thắt chặt mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ.

Thay vì lo ngại về lạm phát trước tháng 8, ủy ban chính sách tiền tệ ngày càng lo ngại về suy thoái kinh tế. Thống đốc BoE Andrew Bailey cho biết vào tuần trước rằng, lãi suất đang “gần đến đỉnh của chu kỳ”.

Quan điểm khác biệt ở châu Âu

So với nhiều ngân hàng trung ương khác ở châu Âu, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) đang ở vị thế thoải mái hơn nhiều. Với lạm phát dưới mức mục tiêu 2%, do đó SNB có thể không buộc phải tăng lãi suất vào cuộc họp chính sách tuần tới.

Cùng ngày với SNB, Ngân hàng trung ương Na Uy được các nhà đầu tư kỳ vọng sẽ kết thúc việc tăng lãi suất với mức tăng lãi suất 25 điểm cơ bản cuối cùng. Ngân hàng trung ương Thụy Điển cũng có thể sẽ tăng chi phí đi vay một lần nữa.

Nhật Bản sắp bình thường hoá chính sách tiền tệ

Tại Nhật Bản, ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng Thống đốc Kazuo Ueda đang mở đường cho việc bình thường hóa chính sách tiền tệ.

Trong một cuộc phỏng vấn được đăng tải hôm thứ Bảy (9/9), Thống đốc Kazuo Ueda cho biết rằng có thể Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ có đủ thông tin vào cuối năm để đánh giá liệu chi phí tiền lương có tiếp tục tăng hay không, vì đây là yếu tố then chốt trong việc quyết định có nên cắt giảm chính sách tiền tệ siêu nới lỏng hay không.

Mặc dù điều đó có thể không dẫn đến thay đổi chính sách tại cuộc họp ngày 22/9, mức lãi suất âm cuối cùng còn sót lại ở các nền kinh tế lớn dường như đang có nguy cơ biến mất.

Ý nghĩa của việc duy trì lãi suất cao lâu hơn

Lập luận về trạng thái giữ lãi suất ổn định lâu dài hơn trên khắp các nền kinh tế phát triển lớn trên thế giới là chính sách này sẽ có tác động tương tự như tăng chi phí đi vay cao hơn và cắt giảm chúng nhanh hơn, nhưng sẽ ít biến động hơn đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Nhưng chính sách này không phải là không có rủi ro. Nếu việc tăng lãi suất được tạm dừng trong khi lạm phát vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu bị hiểu nhầm là các ngân hàng trung ương đang yếu đi trong việc kiểm soát lạm phát, họ có thể bị kéo trở lại chu kỳ thắt chặt và thậm chí còn phải làm nhiều hơn nữa.

Ví dụ, ở khu vực đồng euro, người tiêu dùng gần đây đã nâng cao triển vọng lạm phát trong 3 năm tới và thước đo lạm phát của ECB đã tăng liên tục ở mức 2,6%, cao hơn đáng kể so với mục tiêu 2%.

Thành viên Ban điều hành ECB, Isabel Schnabel đã công khai lo ngại rằng kỳ vọng ngày càng tăng trong một nền kinh tế đang chậm lại có thể khiến các nhà đầu tư phải phòng ngừa rủi ro khi các ngân hàng trung ương không đủ mạnh mẽ.

Tại Mỹ, các quan chức Fed đã cảnh báo rằng có khả năng tăng trưởng kinh tế phục hồi khiến lạm phát tăng cao hơn và nhấn mạnh việc tạm dừng tăng lãi suất theo kế hoạch vào tháng 9 không nên được xem là sự nới lỏng chính sách. Chủ tịch Fed Dallas Lorie Logan cho biết trong một bài phát biểu gần đây: “Bỏ qua không có nghĩa là dừng lại”.

Nhưng hiện tại, các ngân hàng trung ương dường như đã sẵn sàng tham gia canh bạc đó, đặt cược việc tạm dừng tăng lãi suất để duy trì số việc làm đạt được trong suốt chu kỳ sẽ mang lại triển vọng tốt nhất cho một cuộc hạ cánh mềm.

Tin bài liên quan