Các nhà đầu tư cần chuẩn bị cho môi trường đầu tư với lạm phát kèm suy thoái

Các nhà đầu tư cần chuẩn bị cho môi trường đầu tư với lạm phát kèm suy thoái

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đã một thời gian dài kể từ khi các nhà đầu tư đối mặt với môi trường lạm phát tăng cao đi kèm với tăng trưởng kinh tế suy yếu (stagflation), và có nhiều khả năng đây là điều họ sẽ phải đối mặt trong thập kỷ tới.

Trong môi trường lạm phát kèm suy thoái, mức tăng trưởng chi tiêu danh nghĩa cao nhưng không thể đáp ứng được với số lượng hàng hóa được sản xuất, dẫn đến lạm phát nằm trên mục tiêu của các ngân hàng trung ương. Các nhà hoạch định chính sách không thể đồng thời đạt được mục tiêu lạm phát và tăng trưởng nên buộc họ phải lựa chọn giữa hai mục tiêu này.

Sự lựa chọn này cực kỳ khó khăn ở châu Âu do sự suy yếu đồng thời của các nền kinh tế trong khu vực vì chi tiêu danh nghĩa đang bị hấp thụ bởi giá năng lượng cao hơn, khiến tăng trưởng thực tế kém hơn, trong khi sự sụt giảm của đồng euro làm tăng chi phí nhập khẩu.

Tình hình đang trở nên khó khăn hơn ở Mỹ do các báo cáo lạm phát cao vẫn tồn tại bất chấp đợt thắt chặt chính sách tiền tệ đầu tiên. Hiện đã có những dấu hiệu ban đầu cho thấy việc thắt chặt đang bắt đầu làm chậm tốc độ tăng trưởng, có thể dẫn đến suy thoái kinh tế.

Để hiểu được các tác động của lạm phát kèm suy thoái tới vấn đề đầu tư, các nhà đầu tư phải nhận ra rằng, tất cả các tài sản đều có những sai lệch đối với tăng trưởng kinh tế và lạm phát, hoặc được hưởng lợi hoặc bị thiệt thòi bởi mỗi yếu tố đó. Chuỗi các mối quan hệ đó với tăng trưởng và lạm phát sau đó xác định cách thức hoạt động của một tài sản.

Trong lịch sử, cổ phiếu là tài sản hoạt động kém nhất trong thời kỳ lạm phát kèm suy thoái vì chúng dễ bị ảnh hưởng bởi cả tăng trưởng suy giảm và lạm phát gia tăng.

Các tài sản chủ yếu nhạy cảm với tăng trưởng khác như tín dụng và bất động sản cũng hoạt động kém. Lợi suất trái phiếu danh nghĩa gần phẳng hơn trong những môi trường như vậy (chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu ngắn hạn và dài hạn ngày càng bị thu hẹp). Điều này phản ánh những ảnh hưởng xuyên suốt của việc tăng trưởng suy giảm thường dẫn đến việc nới lỏng tiền tệ và giảm lãi suất, sau đó lại kéo theo kỳ vọng lạm phát gia tăng và gây áp lực lên lãi suất tăng. Khi lãi suất tăng, lợi suất trên trái phiếu hiện tại có thể kém hấp dẫn hơn và đẩy giá trái phiếu giảm xuống.

Mặt khác, cách các ngân hàng trung ương phản ứng là một yếu tố quyết định chính khác về khả năng diễn ra môi trường lạm phát kèm suy thoái, trong đó liệu các nhà hoạch định chính sách có mạnh tay thắt chặt để kiềm chế lạm phát và làm trầm trọng thêm các vấn đề tăng trưởng hay vẫn có khả năng hỗ trợ tăng trưởng và hy vọng lạm phát không trở nên cố hữu?

Những quyết định đó tác động trực tiếp đến các yếu tố đầu vào quan trọng trong việc định giá tài sản như tỷ lệ chiết khấu và phần bù rủi ro. Trước đây, tỷ lệ được sử dụng để chiết khấu thường là lợi tức trái phiếu Kho bạc Mỹ, sau đó là lợi nhuận bổ sung mà các nhà đầu tư yêu cầu khi chấp nhận rủi ro.

Nhìn chung, tài sản sẽ vẫn hoạt động tốt nếu chỉ có thắt chặt chính sách tiền tệ ở mức độ vừa phải và phần bù rủi ro. Tài sản sẽ hoạt động đặc biệt kém nếu có sự thắt chặt lớn và phần bù rủi ro tăng lên.

Trong môi trường chính sách tiền tệ này, lợi nhuận tương đối của tài sản vẫn phù hợp với xu hướng của chúng, trái phiếu chống lạm phát (index-linked bonds), vàng và hàng hóa thường mang lại cho nhà đầu tư lợi nhuận tương đối tốt hơn bất kể các nhà hoạch định chính sách phản ứng như thế nào.

Nhưng bất kể áp lực diễn ra như thế nào trên các loại tài sản, hầu hết các nhà đầu tư sẽ phải đối mặt với những lỗ hổng đáng kể trong tình trạng lạm phát kèm suy thoái.

Để giúp giảm thiểu điều này, các động thái hiệu quả nhất mà hầu hết các nhà đầu tư có thể thực hiện là tránh các cổ phiếu bị ảnh hưởng và các tài sản có mức độ rủi ro giống như cổ phiếu.

Nhà đầu tư có thể cơ cấu một phần cổ phiếu sang vàng, hoặc từ trái phiếu thông thường thành trái phiếu chống lạm phát. Sự đa dạng hóa như vậy có xu hướng làm cho danh mục đầu tư linh hoạt hơn theo thời gian nhưng đặc biệt quan trọng khi xem xét các rủi ro ngày nay.

Có nhiều cách để lạm phát kèm suy thoái có thể diễn ra và bất kỳ môi trường mới nào cũng sẽ mang đến những thách thức riêng. Tuy nhiên, hiểu được khuynh hướng của tài sản đối với tăng trưởng và lạm phát là một điểm khởi đầu mạnh mẽ cho các nhà đầu tư xem xét cách chuẩn bị cho một thế giới rất khác so với thế giới đã hỗ trợ hầu hết các danh mục đầu tư trong những thập kỷ gần đây.

Tin bài liên quan