PVN có vốn đầu tư ra ngoài ngành chỉ chiếm 4,28% vốn điều lệ

PVN có vốn đầu tư ra ngoài ngành chỉ chiếm 4,28% vốn điều lệ

Các ông lớn sẽ tiếp tục đẩy mạnh thoái vốn

(ĐTCK-online) Sau kết quả kiểm toán và khiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ phải thoái vốn tại các khoản đầu tư của mình, dù muốn hay không.

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa công bố kết quả kiểm toán năm 2010 (kiểm toán báo cáo tài chính năm 2009), trong đó công khai bức tranh tài chính không mấy sáng sủa của nhiều đơn vị trong số 27 tập đoàn, tổng công ty (TCT) nhà nước được kiểm toán. Năm 2009, các DN tham gia hoạt động đầu tư chứng khoán đều bị thua lỗ. Một số DN đầu tư ngoài ngành trong giới hạn cho phép nhưng đến nay phải thực hiện thoái vốn do không có vốn góp tiếp và vai trò, tiếng nói trong DN được đầu tư bị hạn chế dẫn đến hiệu quả đầu tư không cao.

 

Tái cơ cấu mạnh

Ông Lê Minh Khái, Phó tổng KTNN cho biết, từ năm 2009, các tập đoàn, TCT nhà nước đã thực hiện tái cơ cấu mạnh hoạt động đầu tư ra ngoài ngành. Các khoản đầu tư hiện nay chủ yếu vào các công ty con, các khoản đầu tư chứng khoán được thu hồi rất nhanh. Năm 2009, tổng các khoản đầu tư tài chính ngắn và dài hạn của các tập đoàn, TCT là 110.865 tỷ đồng, trong đó đầu tư dài hạn chủ yếu vào các công ty con thành viên và các công ty liên kết.

Việc đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính nhìn chung chiếm tỷ lệ nhỏ so với vốn điều lệ. Cụ thể, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư vào BĐS, bảo hiểm, ngân hàng là 5.047 tỷ đồng, bằng 4,28% vốn điều lệ; đầu tư vào lĩnh vực năng lượng là 9.183 tỷ đồng, bằng 7,78% vốn điều lệ; vào lĩnh vực phân bón, xây dựng là 3.436 tỷ đồng, bằng 2,91% vốn điều lệ và vào lĩnh vực khác là trên 11.500 tỷ đồng. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đầu tư tài chính ngắn và dài hạn trên 11.000 tỷ đồng (bao gồm cả trên 200 tỷ đồng đầu tư vào công ty liên kết), bằng 16,5% vốn chủ sở hữu. Một số tập đoàn, TCT có tỷ lệ đầu tư tài chính trên vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu chưa phù hợp với quy định tại Nghị định 109/2009/NĐ-CP như: TCT Sông Hồng, TCT Sông Đà, TCT Lắp máy Việt Nam, TCT Thương mại Sài Gòn…

Vẫn theo số liệu của KTNN, tổng vốn chủ sở hữu của 27 DN là trên 306.000 tỷ đồng, trong đó một số DN có quy mô vốn lớn như PVN trên 191.000 tỷ đồng, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông trên 67.000 tỷ đồng, TCT Đường sắt 14.140 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu bình quân đạt 1,51 lần và phần lớn DN có hệ số nằm trong giới hạn an toàn cho phép (theo quy định, hệ số nợ trên vốn điều lệ công ty không vượt quá 3 lần). Tuy nhiên, một số DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản do sản phẩm có giá trị lớn, thời gian đầu tư kéo dài, nhiều dự án được đầu tư từ vốn NSNN nhưng việc giải ngân thanh toán chậm nên phải sử dụng vốn vay, vốn chiếm dụng lớn, hệ số huy động vốn cao.

 

Không muốn cũng phải thoái vốn

Sau khi có kết quả kiểm toán, KTNN đã kiến nghị các DN cơ cấu lại các khoản đầu tư, trích lập dự phòng kịp thời, thực hiện đúng quy định về quản lý nhà nước.

Trao đổi với ĐTCK, ông Lê Văn Quế, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sông Đà cho biết, sau khi có kết quả kiểm toán, DN này đã rà soát lại các khoản đầu tư ngoài ngành và có chủ trương thoái bớt cho phù hợp quy định.

Theo ông Quế, một số khoản đầu tư phải thoái của Tập đoàn Sông Đà là do không có vốn để đóng tiếp, tỷ lệ tham gia ít, không có tiếng nói tại DN. Hiện tại, vốn đầu tư của Sông Đà tập trung vào lĩnh vực thủy điện, vật liệu xây dựng. Các khoản đầu tư chứng khoán chủ yếu vào các DN thuộc Tập đoàn do thực hiện CPH từ những năm trước đây. Liên quan đến khoản đầu tư của các DN là TCT độc lập trước đây hiện là thành viên của Tập đoàn Sông Đà, như TCT Sông Hồng, TCT Lắp máy Việt Nam, HĐQT xem xét việc thoái hay giữ vốn trên hai phương diện: dự án có hiệu quả hay không, có đủ vốn để góp theo cam kết hay không. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, theo ông Quế, là việc đầu tư  phải đúng định hướng và đúng phạm vi.

Ông Lê Minh Chuẩn, Tổng giám đốc Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, Hội đồng thành viên TKV vừa nhất trí việc thoái vốn tại một số doanh nghiệp để đảm bảo tỷ lệ đầu tư ra ngoài ngành theo đúng quy định của Chính phủ. Theo đó, Tập đoàn sẽ thực hiện thoái hết vốn tại CTCP Bảo hiểm Hàng không (góp 10%), CTCP Phát triển khu kinh tế Hải Hà (góp 10%), CTCP Phát triển đường cao tốc BIDV (góp 7%)…

Theo quy định hiện hành, các DNNN được đầu tư ra ngoài ngành với tỷ lệ không quá 30% vốn điều lệ. Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định quản lý, sử dụng vốn và quản lý tài chính đối với DN có vốn nhà nước chủ trương giảm tỷ lệ trên xuống còn 15%. Nếu quy định này thành hiện thực, các tập đoàn, TCT nhà nước sẽ tiếp tục phải thoái vốn rất mạnh và không ít DN phải ghi nhận những khoản lỗ do việc thanh lý những khoản đầu tư không hiệu quả.

Theo số liệu từ KTNN, năm 2009, tổng lợi nhuận trước thuế của các tập đoàn, TCT đạt trên 48,4 nghìn tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên tổng doanh thu đạt 15,89%. Tuy nhiên, vẫn có một số DN thua lỗ lớn như TCT Lắp máy lỗ 103 tỷ đồng, TCT Sông Hồng lỗ trên 20 tỷ đồng, TCT Bưu chính viễn thông lỗ 1.026 tỷ đồng. Kết thúc năm 2009, KTNN kiến nghị tăng thu 950 tỷ đồng vào Ngân sách Nhà nước.

Phần lớn DN có hoạt động đầu tư chứng khoán. Theo đánh giá của KTNN, năm 2009, do TTCK suy thoái nên hoạt động đầu tư chứng khoán đều thua lỗ. Đơn cử, TCT Công nghiệp Sài Gòn đầu tư chứng khoán ngắn hạn 21,4 tỷ đồng, nhưng năm 2009 phải trích lập dự phòng 10,7 tỷ đồng; TCT Thương mại Sài Gòn đầu tư chứng khoán 731 tỷ đồng, năm 2009 lợi nhuận thu được 45,5 tỷ đồng, nhưng phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán 94,2 tỷ đồng.