Cách chức 13 người đứng đầu để xảy ra tham nhũng

0:00 / 0:00
0:00
Năm 2023, có 55 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng.
Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Năm 2023, có 55 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, theo báo cáo Công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023 vừa được Chính phủ gửi Quốc hội.

Báo cáo hoàn thành ngày 18/10, do Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong thừa ủy quyền Thủ tướng ký.

Dẫn báo cáo của các bộ, ngành, các địa phương và các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan, Tổng thanh tra cho biết, năm 2023, có 55 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng.Trong đó 13 người bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, 42 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng (trong đó khiển trách16 người, cảnh cáo 13 người; cách chức13 người).

Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu đã có tác dụng răn đe, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác phòng chống tham nhũng tại cơ quan, đơn vị mình phụ trách, Chính phủ nhìn nhận. Tuy nhiên, cụ thể là những người nào bị xử lý thì báo cáo không có thông tin.

Chính phủ cũng đánh giá, việc kê khai tài sản, thu nhập (TSTN) cuối năm 2022 đã được các cấp, các ngành triển khai thực hiện nghiêm túc. Đã có 60.458 người kê khai TSTN lần đầu; 545.535 người đã kê khai TSTN hằng năm; 44.015 người đã kê khai TSTN bổ sung; 161.928 người kê khai TSTN phục vụ công tác cán bộ; 655.299 người đã được công khai bản kê khai TSTN.

Kết quả, số người đã tiến hành xác minh trong kỳ là 13.093 người; có 2.664 người có sai sót về kê khai sai mẫu, chưa bảo đảm theo hướng dẫn, không đầy đủ thông tin, chậm thời hạn so với quy định….Có 54 người bị xử lý do không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm (xóa tên khỏi danh sách ứng cử; kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo; kỷ luật bằng hình thức cách chức…).

Vẫn trong biện pháp phòng ngừa, Tổng thanh tra Chính phủ cho hay, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động và rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định về quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền, lĩnh vực quản lý.

Công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức, thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội được các bộ, ngành, địa phương quan tâm, chú trọng; đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại 8.211 cơ quan, tổ chức, đơn vị; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 938 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp (số trường hợp vi phạm tăng 109% so với năm 2022).Năm 2023, có 23 trường hợp nộp lại quà tặng cho đơn vị, với số tiền 93 triệu đồng, báo cáo nêu.

Bên cạnh kết quả, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực còn có những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế, theo đánh giá của Chính phủ.

Đó là, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động ngân hàng, đăng kiểm, y tế... gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; có sự câu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hoá với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện làm việc cầm chừng, né tránh, sợ sai không dám làm, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp.

Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ vẫn chưa nhiều chuyển biến, có ít vụ việc được phát hiện qua tự kiểm tra; vẫn xảy ra các vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực, gây dư luận không tốt.

Chính phủ dự báo, thời gian tới, Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tham nhũng ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp; phát sinh nhiều vụ việc có tổ chức, mang tính lợi ích nhóm; tài sản tham nhũng có giá trị lớn, có yếu tố nước ngoài; tham nhũng không chỉ xảy ra trong khu vực nhà nước mà xảy ra ở cả khu vực ngoài Nhà nước, cản trở sự cạnh tranh lành mạnh, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh.

Năm 2023 các cơ quan điều tra trong công an đã thụ lý điều tra 1.103 vụ án/2.951 bị can phạm tội về tham nhũng (trong đó khởi tố mới 732 vụ án/2.106 bị can; trả hồ sơ điều tra bổ sung 47 vụ án/97 bị can; trả hồ sơ điều tra lại 6 vụ án/12 bị can; tiếp nhận điều tra 4 vụ án/12 bị can; phục hồi điều tra 11 vụ án/12 bị can; kỳ trước chuyển sang 303 vụ án/713 bị can). Tổng số tài sản thiệt hại trong các vụ án đang thụ lý, điều tra trên 2.280 tỷ đồng và 101.871,8 m2 đất; thu hồi trên 1.349 tỷ đồng và 29.276 m2 đất, 3 bất động sản, đồng thời ngăn chặn giao dịch đối với 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).

Tin bài liên quan