Lãi suất giảm, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng vay vốn để đầu tư, kinh doanh

Lãi suất giảm, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng vay vốn để đầu tư, kinh doanh

Cần chính sách tài khóa mở rộng hơn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Vai trò chủ đạo của chính sách tiền tệ cần nhường chỗ cho chính sách tài khóa trong việc kích thích kinh tế.

Lực cầu tín dụng kém

Chầm chậm lái ô tô dưới cơn mưa tầm tã, anh Vũ Tiến Hùng, lái xe của một hãng taxi công nghệ cho biết, trước đây, anh lái xe đường dài nhưng không cạnh tranh được về giá. Bởi lẽ, có những chặng đường mà các lái mới sẵn sàng giảm giá sâu cho khách, lấy chi phí cao hơn không đáng kể so với tiền xăng và thuế, phí của chặng đường đi. Sau đó, họ tìm cách đón khách chặng về và tiếp tục giảm giá, chấp nhận tiền công 300.000 - 400.000 đồng cho một ngày làm việc. Dù vậy, lái xe đường dài cũng không dễ dàng có khách, do khách thường tham gia nhiều hội nhóm để có thể đi ghép, nhằm tiết kiệm chi phí mà vẫn được hưởng dịch vụ tốt.

Không cạnh tranh được với các lái mới nên anh Hùng quay về chạy quanh phố, nhưng lượng khách cũng ít và phụ thuộc vào thời tiết.

“Chị gọi xe ô tô vào giờ cao điểm mà trời mưa to nên giá cước cao quá, chứ bình thường chỉ có một nửa thôi. Nhưng chúng tôi lại chỉ mong trời mưa mới có khách, chứ trời nắng là không có khách. Trước đây, kinh tế còn khá, khách gọi xe nhiều và xông xênh, nhưng 1 - 2 năm nay thì “đói” lắm. Thật cần thiết thì họ mới gọi xe ô tô, còn không thì chủ động tự đi hoặc gọi xe máy”, anh Hùng nói.

“Chi phí mua chiếc xe Hyundai i10 này khoảng 480 triệu đồng. Chạy một thời gian, trang trải được hết tiền vay mượn lúc mua thì xe cũng hết khấu hao. Giờ nếu bán đi được khoảng 100 triệu đồng, rồi lại vay mượn để mua xe mới, có thể sẽ nhiều khách hơn. Nhưng nhìn tương lai không biết thế nào, nên đành túc tắc với hiện trạng sẵn có”, anh Hùng chia sẻ.

Báo cáo về kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới vừa công bố cho biết, tiêu dùng tư nhân chững lại do hiệu ứng xuất phát điểm thấp giảm dần kể từ đợt phục hồi mạnh mẽ sau dịch Covid-19 vào năm ngoái và niềm tin của người tiêu dùng yếu đi. Tăng trưởng doanh số bán lẻ (chỉ tiêu gián tiếp về tiêu dùng tư nhân) trong nửa đầu năm 2023 giảm còn 10,9% (cùng kỳ năm ngoái tăng 12%), trong đó tăng trưởng doanh số bán lẻ hàng tháng giảm liên tục từ 12,8% trong tháng 1 so với cùng kỳ xuống 6,5% trong tháng 6.

“Tiêu dùng tư nhân giảm một phần do hiệu ứng xuất phát điểm giảm dần, nhưng cũng cho thấy niềm tin của người tiêu dùng đang trở nên mong manh, trong khi thu nhập bình quân chững lại, phần nào do tác động của cú sốc cầu bên ngoài đối với thị trường lao động”, bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận xét.

Theo một khảo sát người tiêu dùng của Ngân hàng Thế giới vào tháng 6/2023, có 43% người trả lời cho rằng, tình hình kinh tế kém hơn năm trước, so với tỷ lệ 27% ở cuộc khảo sát tháng 1/2023. Thu nhập bình quân chững lại ở mức 6,3 triệu đồng/tháng (theo giá so sánh) trong nửa đầu năm 2023, sau khi có sự cải thiện khá mạnh trong năm 2022.

Thu nhập chững lại cũng là câu chuyện của tài xế Hùng.

“Trước đây, tôi mỗi ngày chỉ chạy 6h là có thu nhập như làm 8h hiện nay, khi không nhìn thấy cơ hội tăng thu nhập thì rất khó dám vay thêm”, anh Hùng chia sẻ.

Những con số về thu nhập và việc làm đang phản ánh khá rõ nét thực trạng này.

Dữ liệu về thành lập và đóng cửa doanh nghiệp báo hiệu sự năng động của khu vực tư nhân suy giảm trong nửa đầu năm 2023 khi nền kinh tế hạ nhiệt. Mặc dù số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cao hơn so với số lượng doanh nghiệp đóng cửa ở mức 1,5 lần trong nửa đầu năm nay (cùng kỳ năm ngoái là 1,8 lần), nhưng tốc độ đóng cửa doanh nghiệp lại gia tăng (lần lượt ở mức 11% và 18,3% so với cùng kỳ trong quý I và II), trong khi tốc độ tăng số lượng doanh nghiệp thành lập mới vẫn khá khiêm tốn (lần lượt giảm 2% và tăng 0,8% so cùng kỳ trong quý I và II).

Theo Tổng cục Thống kê, bình quân doanh nghiệp đăng ký thành lập mới sử dụng ít vốn chủ sở hữu (giảm 19,8%) và ít lao động (giảm 1%) hơn trong nửa đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022.

Tình hình thị trường lao động giảm sôi động trong 6 tháng đầu năm 2023 phản ánh các hoạt động kinh tế chững lại. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm không thay đổi so với cùng kỳ năm trước, nhưng tăng trưởng việc làm giảm từ mức 2,2% trong quý I xuống 1,4% trong quý II, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 4% trong giai đoạn trước đại dịch. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đi ngang ở mức 68,9 trong nửa đầu năm 2023, sau khi được cải thiện trong năm 2022, nhưng vẫn thấp hơn so với mức bình quân của năm 2019 (71,1%). Do thị trường lao động chưa khởi sắc, thu nhập bình quân duy trì xu hướng đi ngang trong nửa đầu năm nay.

Dư địa tài khóa còn rộng

Lực cầu tín dụng trong nền kinh tế rất kém nên nếu tiếp tục giảm lãi suất cũng sẽ không mang lại hiệu quả cao trong ngắn hạn.

Nhằm kích thích tăng trưởng tín dụng và giải quyết áp lực trên bảng cân đối của khu vực ngân hàng, các cấp có thẩm quyền đã thông qua chính sách hỗ trợ, bao gồm ban hành quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Ngân hàng Nhà nước nới lỏng chính sách tiền tệ từ giữa tháng 3/2023 và đến cuối quý II, lãi suất chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn lần lượt ở mức 3%/năm và 4,5%/năm, giảm 1,5 - 2%/năm thông qua 4 đợt cắt giảm lãi suất chính sách.

Trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng và lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên cũng được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm với quy mô tương tự, nhằm khuyến khích các ngân hàng thương mại cung cấp vốn vay mới rẻ hơn cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đẩy nhanh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm và chương trình tín dụng nhà ở xã hội để hỗ trợ kinh tế. Nhưng tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 6/2023 chỉ đạt 7,8% so với cùng kỳ năm 2022, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 14%.

Bà Dorsati Madani nhận định, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định giảm lãi suất chính sách nhiều lần để xem liệu hành động này có khuyến khích các hoạt động kinh tế và đầu tư hay không. Thực tế cho thấy, lãi suất đã giảm xuống mức tương đối thấp cho người vay, nhưng những bất trắc trên thị trường toàn cầu khiến xuất khẩu chậm lại, nhiều doanh nghiệp không sẵn sàng đầu tư tại thời điểm này và không muốn vay vốn ngân hàng.

Theo bà Dorsati Madani, lực cầu tín dụng trong nền kinh tế rất kém nên nếu tiếp tục giảm lãi suất cũng sẽ không mang lại hiệu quả cao trong ngắn hạn, bởi hiệu ứng dẫn chuyền của chính sách tiền tệ yếu. Đó là chưa kể, lãi suất đã giảm đáng kể trong những tháng qua, làm giãn rộng hơn khoảng cách lãi suất tiền đồng Việt Nam với Mỹ và các quốc gia phát triển, có thể dẫn đến dòng vốn ngoại chảy ra, gây áp lực lên tỷ giá.

“Chính sách tiền tệ không thể phát huy được hiệu quả như chính sách tài khóa trong thời gian tới, bởi những phân tích như trên. Do đó, vị trí đóng vai trò chủ đạo của chính sách tiền tệ cần nhường chỗ cho chính sách tài khóa”, bà Dorsati Madani nhấn mạnh.

Mặc dù nhu cầu đầu tư công ngày càng lớn, nhưng Ngân hàng Thế giới cho biết, tổng đầu tư công của Việt Nam giảm trong thập kỷ qua. Từ năm 2011 đến 2022, tỷ lệ chi đầu tư công so với tổng chi ngân sách nhà nước và so với GDP giảm lần lượt từ 27% xuống 20% và từ 8% xuống 6%. Nhìn chung, nền kinh tế vẫn thiếu vốn đầu tư, đầu tư công tính trên mỗi đầu người và trên mỗi lao động thấp hơn nhiều so với các quốc gia thu nhập trung bình cao và quốc gia thu nhập cao. Trong khi đó, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đầu tư là động lực tăng trưởng quan trọng nhất của các quốc gia tăng trưởng cao khi họ ở trình độ phát triển của Việt Nam hiện nay.

Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, ngân sách đầu tư công theo kế hoạch nếu được triển khai đầy đủ sẽ nâng đầu tư công lên 7,1% GDP trong năm 2023, so với mức 5,5% GDP dự toán trong năm 2022, với xung lực tài khóa khoảng 0,4% GDP để hỗ trợ tổng cầu. Công tác triển khai đang được đẩy nhanh, khi giải ngân vốn đầu tư công nửa đầu năm nay tăng 43,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh việc cần duy trì bền vững mức đầu tư công, bà Vũ Hoàng Quyên, chuyên gia quản trị công cao cấp, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần hợp lý hóa cơ cấu đầu tư, nâng cao hiệu suất và hiệu quả của các thể chế về quản lý đầu tư công và quan hệ tài khóa giữa các cấp chính quyền.

“Việt Nam còn dư địa tài khóa rộng, nợ công và nợ được khu vực công bảo lãnh đang ở mức 35,7% GDP năm 2022 so với ngưỡng nợ 60% do Quốc hội đề ra và có thể chi đầu tư công nhiều hơn để đẩy mạnh tăng trưởng bền vững”, bà Quyên nói.

Tin bài liên quan