Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Cần gấp rút nắm bắt thời cơ để triển khai hệ thống pháp lý liên quan tới tài sản số

(ĐTCK) Tại Việt Nam, tài sản số tuy chưa có hành lang pháp lý đầy đủ, nhưng đã được đề cập tại một số văn bản quy phạm pháp luật.

Ngày 29/9, tại trụ sở các cơ quan Quốc hội (Hà Nội), đã diễn ra Hội thảo “Ứng dụng công nghệ Blockchain trong nền kinh tế số” với sự tham gia của nhiều nhà lập pháp.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hoàng Văn Huây, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa Học và Công Nghệ nhấn mạnh, ngành công nghệ chuỗi khối (Blockchain) đã mở ra một kỷ nguyên mới về công nghệ và tác động sâu rộng tới nhiều lĩnh vực của nền kinh tế nhờ các tính năng quan trọng như tính bảo mật và quyền riêng tư.

“Trên thực tế, công nghệ blockchain đã được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực, từ tài chính ngân hàng, đến thương mại điện tử, chăm sóc sức khỏe, thể thao giải trí, bảo hiểm, logistics và nhiều ngành dịch vụ khác. Trong tương lai, các sản phẩm, dịch vụ ứng dụng blockchain còn tiếp tục được mở rộng sang các lĩnh vực xương sống của đất nước là an sinh xã hội, quản lý dân cư, an ninh, quốc phòng…”, ông Huây nhận định.

Ông Hoàng Văn Huây, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA)

Ông Hoàng Văn Huây, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA)

Về tổng giá trị, theo báo cáo của Tập đoàn Tư vấn Boston (BCG), đến năm 2023, tài sản mã hóa sẽ đạt mức 16.000 tỷ USD, chiếm khoảng 10% GDP toàn cầu. “Đây là một con số thực sự ấn tượng mà tôi tin rằng không một chính phủ nào cảm thấy không quan tâm và muốn đứng ngoài xu hướng này”, ông Huây nói.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng mạnh mẽ này không chỉ mang lại những lợi ích đặc biệt về kinh tế, xã hội mà còn tạo ra các tồn tại vô hình và thách thức trong công tác quản lý, đặc biệt là đối với các nhà lập pháp trong quá trình nghiên cứu và xây dựng hành lang pháp lý phù hợp, vừa thúc đẩy sự phát triển của khoa học, công nghệ, vừa đảm bảo sự quản lý của nhà nước, ổn định tài chính, thúc đẩy sự cạnh tranh minh bạch và công bằng...

Về mặt pháp lý, Việt Nam mặc dù chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào cụ thể về tài sản số, nhưng gần đây, các cơ quan nhà nước đã có nhiều động thái tích cực trong việc tiếp cận hình thái tài sản mới này. Có thể kể đến việc Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao phối hợp cùng Bộ Tư pháp Hoa Kỳ tổ chức chương trình tập huấn dành cho các Chánh án, Công tố trên toàn quốc về chủ đề “Tiền điện tử” và những biện pháp truy vết tội phạm liên quan hồi cuối tháng 8 vừa qua.

Gần đây hơn, Ngân hàng Nhà nước đã đồng hành cùng Hiệp hội Blockchain Việt Nam và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức liên tiếp 2 hội thảo về “Phòng chống rửa tiền trong giao dịch tiền điện tử” ngày 20 và 22/9. Ủy ban chứng khoán Nhà nước cũng mới ban hành khuyến cáo về một số sàn giao dịch tiền mã hóa, forex... hôm 23/9 nhằm bảo vệ người dùng.

“Hiệp hội Blockchain Việt Nam đánh giá, đây là thời điểm mà Việt Nam cần gấp rút nắm bắt thời cơ để triển khai hệ thống pháp lý hoàn chỉnh nhằm thúc đẩy sự phát triển của công nghệ nói chung và công nghệ blockchain nói riêng. Mặc dù việc tiếp cận, nghiên cứu và xây dựng một đạo luật mới về một ngành công nghệ rất mới chắc chắn là một thách thức lớn đối với các nhà lập pháp của bất kỳ quốc gia nào mà Việt Nam cũng không hề ngoại lệ”, ông Huây nói.

Ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch Thường trực VBA khuyến nghị, việc thúc đẩy ứng dụng blockchain trong đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số không chỉ cần sự hỗ trợ phát triển công nghệ, mà còn cần sự ủng hộ từ góc độ pháp lý và tuân thủ, đồng thời đề xuất các nhà lập pháp tiếp cận các hình thái tài sản mới như Tiền ảo (VA), Tiền mã hoá (CA), Tài sản số dưới (DA) góc độ Bộ luật Dân sự năm 2015 trong lúc nghiên cứu, soạn thảo các bộ luật mới.

Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực VBA trình bày tại Hội thảo

Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực VBA trình bày tại Hội thảo

Được biết, tại Việt Nam, tài sản số tuy chưa có hành lang pháp lý đầy đủ nhưng đã được đề cập tại một số văn bản quy phạm pháp luật, thể hiện sự chủ động tiếp cận các vấn đề mới của các cơ quan quản lý và các cơ quan lập pháp trong việc thúc đẩy tiến trình phát triển nền kinh tế số và thực hiện thành công cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 theo Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị và phát triển nền kinh tế số theo định hướng chỉ đạo Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Quang Huy, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, Quốc hội đánh giá cao tiềm năng của công nghệ blockchain và đang tích cực tiếp cận theo hướng thúc đẩy sự phát triển công nghệ, làm tiền đề cho công cuộc đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế, tăng trưởng đột phá cho Việt Nam.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành những văn bản có nhắc đến công nghệ blockchain/tài sản ảo/tiền điện tử/tiền ảo:

- Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 21/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.

- Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/1/2019: “Phê duyệt Đề án triển khai, ứng dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sử dụng công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động truy xuất nguồn gốc” trong đó: Triển khai các đề tài, dự án, nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển các giải pháp, công nghệ (Blockchain, IoT, AI, Big data và các công nghệ mới phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới) ứng dụng trong truy xuất nguồn gốc.

- Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Blockchain là một trong một số công nghệ cốt lõi được lựa chọn nghiên cứu ưu tiên mà Việt Nam có thể dẫn đầu cũng như có khả năng để tạo nên bước đột phá mạnh mẽ.

- Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử theo hướng Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030” về giải pháp “Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ Blockchain”.

Từ năm 2017 đến 2023, Việt Nam ghi nhận hai vụ án liên quan đến tiền ảo và blockchain.

Vào tháng 9/2017 tại Bến Tre, xảy ra vụ án kinh tế liên quan đến truy thu thuế sai của một thợ đào Bitcoin. Cụ thể, vụ án này xoay quanh việc Cơ quan thuế Bến Tre truy thu thuế từ năm 2016 đối với một thợ đào BTC. Trị giá số tiền truy thu lên đến 2,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi kiện, cơ quan thuế thất bại vì luật pháp hiện tại chưa công nhận Bitcoin là một tài sản pháp lý.

Tiếp theo, vào tháng 5/2023 tại TP.HCM, xảy ra một vụ án hình sự liên quan đến cướp tài sản ảo. Vụ án này kéo dài từ năm 2017 và có trị giá lên đến 37 tỷ đồng. Đối tượng cướp đã lấy đi USB chứa thông tin về mã khóa cá nhân, sau đó sử dụng mã này để chuyển Bitcoin từ ví cá nhân của nạn nhân sang ví của chính đối tượng. Hành vi này được xác định là cướp tài sản dựa trên giá trị token và phương pháp định giá gián tiếp.

Tin bài liên quan