Thay vì mua vàng miếng với mục đích tích trữ, nhiều người có nhu cầu mua vàng trang sức

Thay vì mua vàng miếng với mục đích tích trữ, nhiều người có nhu cầu mua vàng trang sức

Cần gỡ vướng thị trường vàng trang sức

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chênh lệch giá giữa vàng miếng thương hiệu độc quyền SJC và vàng thế giới ngày một giãn rộng, khiến người mua gặp rủi ro. Trong khi đó, nhu cầu về trang sức vàng gia tăng, nhưng các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh nữ trang vàng thường xuyên thiếu nguyên liệu do không được xuất nhập khẩu.

Khi giá vàng miếng SJC quá đắt so với vàng quốc tế

Giá vàng thế giới tăng cao trong thời gian qua, nhiều thời điểm vượt mức 2.000 USD/ounce, song giá vàng miếng thương hiệu SJC trong nước có mức chênh ngày càng lớn với giá vàng quốc tế, có thời điểm lên đến 19 triệu đồng/lượng và hiện nay khoảng 18 triệu đồng/lượng. Nguyên nhân là do thị trường vàng trong nước đóng cửa với quốc tế nên giá khó có thể liên thông, khiến người mua vàng ở thị trường nội địa gặp rủi ro, không ít người muốn chuyển đổi sang tiền đồng hoặc kênh đầu tư khác.

Tuy nhiên, nhu cầu vàng vẫn luôn lớn, thậm chí gia tăng đối với người châu Á nói chung, Việt Nam nói riêng. Vàng được xem là của để dành, của hồi môn của người dân Việt Nam, đồng thời được coi là nơi trú ẩn an toàn khi tình hình kinh tế khó khăn, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là lạm phát cao.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam

Theo báo cáo xu hướng nhu cầu vàng mới nhất của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), tổng nhu cầu vàng cả năm 2021 ở Việt Nam ở mức 43 tấn, đạt mức tăng trưởng khoảng 8%. Còn báo cáo xu hướng nhu cầu vàng quý I/2022 từ WGC cho biết, tổng nhu cầu vàng trong quý này của người tiêu dùng Việt Nam đạt mức 19,6 tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, cùng với sự phục hồi của nhu cầu vàng toàn cầu, nhu cầu vàng của người tiêu dùng ở Việt Nam tăng từ 18,6 tấn trong quý IV/2021 lên 19,6 tấn trong quý I/2022, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi tổng nhu cầu về vàng thỏi và đồng xu vàng tăng 4%, từ 13,5 tấn trong quý đầu năm 2021 lên 14 tấn trong quý đầu năm 2022 và nhu cầu vàng trang sức tăng 10% trong cùng khoảng thời gian, từ 5,1 tấn lên 5,6 tấn.

Thực tế, vàng là loại tài sản giá trị lớn, có mặt trong rất nhiều gia đình Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung, với quan niệm vàng đem lại sự may mắn và an tâm lâu dài cho cuộc sống. Nhưng kể từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP ra đời đã phần nào hạn chế giao dịch vàng miếng, đồng thời, việc độc quyền thương hiệu vàng SJC dẫn tới nguồn cung vàng miếng này trên thị trường khan hiếm. Nguồn cung nhiều thời điểm khó cân bằng được lực cầu, trong khi thị trường vàng Việt Nam không được liên thông với quốc tế do cấm xuất nhập khẩu vàng, nên chênh lệch giá vàng miếng SJC và giá vàng quốc tế ngày càng giãn rộng, lên đến hàng chục triệu đồng/lượng, khiến cho người mua vàng ở thị trường nội địa gặp rủi ro.

Trong những năm qua, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) đã có văn bản góp ý sửa đổi Nghị định 24. Quan điểm của VGTA là Ngân hàng Nhà nước cần sửa đổi, bổ sung các điều kiện kinh doanh vàng hợp lý, bình đẳng, từng bước trả lại thị trường vàng cho doanh nghiệp. Bởi lẽ, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý, không có chức năng kinh doanh. Trên thế giới, không có ngân hàng trung ương nào sản xuất và bán vàng miếng ra thị trường, mà thường giao cho một tổ chức độc lập thực hiện.

Thị trường vàng ổn định trong thời gian qua góp phần hiệu quả cho công cuộc chống vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế. Đây cũng cơ sở để trả lại thị trường vàng về bản chất như một loại hàng hóa thông thường, bởi vàng hiện không còn là phương tiện thanh toán, các tổ chức tín dụng cũng không được huy động, cho vay vàng từ khi có Nghị định 24. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 đến nay, trước áp lực lạm phát gia tăng trên toàn cầu, nhất là tại Mỹ và khủng hoảng địa chính trị Nga - Ukraine leo thang, giá vàng miếng SJC càng cách biệt với giá vàng thế giới, nhưng cao hơn hàng chục triệu đồng mỗi lượng là hiện tượng không bình thường.

Cần thiết phải mở rộng thị trường nữ trang vàng

Nhu cầu về trang sức của người tiêu dùng Việt Nam dần tăng khi cuộc sống ngày càng được cải thiện. Ở các thành phố lớn, sức mua nữ trang tiếp tục tăng, còn ở khu vực nông thôn, người dân bắt đầu thay đổi thói quen mua sắm. Cụ thể, thay vì mua vàng với mục đích tích trữ thì họ có nhu cầu mua trang sức phân khúc trung và cao cấp.

Theo thống kê của WGC, nhu cầu về trang sức vàng ở Việt Nam đạt 12 tấn trong năm 2021, cao hơn 11% so với con số 11 tấn trong năm 2020.

Tính riêng quý IV/2021, nhu cầu vàng giảm còn 2 tấn, thấp hơn 12% so với cùng kỳ năm 2020, do thị trường bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Trong khi đó, thị trường trang sức nội địa gặp nhiều thách thức khiến các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh lĩnh vực này khó có thể trụ vững, ngoại trừ những thương hiệu lớn. Bên cạnh đó, hàng ngoại nhập vào thị trường có mẫu mã đa dạng, thu hút không ít người tiêu dùng quan tâm, dù chất lượng khó có thể kiểm soát.

Tuy nhiên, khi vàng miếng được hạn chế thì cần thiết phải mở rộng thị trường nữ trang vàng. Chẳng hạn, cho phép xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu và xuất khẩu hàng nữ trang vàng có kiểm soát. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp sản xuất nữ trang không có nguyên liệu vàng, chủ yếu thu gom trên thị trường với giá cao, vô tình tạo điều kiện cho vàng nhập lậu, ảnh hưởng đến mục tiêu ổn định tỷ giá. Trong khi đó, Nghị định 24 quy định, Ngân hàng Nhà nước độc quyền xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu, đồng nghĩa sẽ không có doanh nghiệp nào được phép nhập khẩu loại vàng này. Vì thế, theo VGTA, cần thiết mở cửa đối với thị trường vàng, ít nhất là cho nhập vàng nguyên liệu để các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh nữ trang có nguyên liệu đầu vào.

Có những thời điểm giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới, nhưng do doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng không được phép xuất khẩu nên vàng miếng SJC bị xuất lậu sang các nước lân cận. Còn các doanh nghiệp sản xuất nữ trang tranh thủ thời điểm giá vàng thế giới cao để xuất khẩu sản phẩm. VGTA khuyến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần sớm sửa đổi điều kiện xuất nhập khẩu vàng cho phù hợp với diễn biến của thị trường để các doanh nghiệp sản xuất nữ trang thuận lợi trong việc xuất khẩu sản phẩm.

Theo VGTA, cần thiết mở cửa đối với thị trường vàng, ít nhất là cho nhập vàng nguyên liệu để các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh nữ trang có nguyên liệu đầu vào.

Không thể chỉ bằng cách hạn chế điểm bán vàng miếng thì người dân sẽ không giữ vàng, nhất là trong tình hình kinh tế toàn cầu còn bất ổn. Ngoài ra, thị trường đã xuất hiện vàng SJC giả hiệu để đáp ứng lỗ hổng thiếu vàng SJC. Điều này là tất yếu, đúng quy luật hàng hóa thay thế trên thị trường, nhưng người dân sẽ chịu rủi ro khi mua các loại vàng nguyên liệu, nữ trang không thương hiệu và chất lượng không được kiểm soát chặt chẽ.

Để kiểm soát chất lượng nữ trang, Bộ Khoa học và Công nghệ quy định đã ban hành Thông tư 22/2013/TT-BKHCN quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường, có hiệu lực từ ngày 1/6/2014, nhưng hiện vẫn rất ít doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh nữ trang thực hiện đúng chuẩn. Thực tế cho thấy, trong ngành vàng Việt Nam, số lượng doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh vàng quy mô lớn, có thương hiệu tầm quốc gia chỉ đếm trên đầu ngón tay, mà chủ yếu là các cửa hàng nhỏ lẻ. Theo quy định, các cửa hàng buộc phải đăng ký là công ty nên nếu tính tổng các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh vàng thì số lượng rất nhiều, còn tính riêng các thương hiệu nữ trang lớn là rất ít. Vì vậy, việc còn nhiều doanh nghiệp chưa áp dụng chuẩn vàng của Thông tư 22 là không quá khó hiểu. Bởi thực tế, một bộ phận doanh nghiệp chưa nắm rõ các quy định của Thông tư 22.

Trong khi đó, thói quen của người Việt Nam lâu nay trong mua vàng là “mua đâu, bán đó” và họ cảm thấy không mất mát gì nên vẫn tin tưởng vào cách mua bán này. Đó cũng là lý do giải thích cho hiện tượng vì sao cho đến nay vẫn có phản ánh cho thấy, quy định ghi tuổi vàng không thể thay đổi được tập quán mua bán của các doanh nghiệp, tức người tiêu dùng vẫn phải “mua đâu, bán đó”, nếu không muốn bị thiệt.

Việc kiểm soát chất lượng vàng không phải đến thời điểm này các cơ quan quản lý mới đưa ra quy định, mà lực lượng quản lý thị trường đã tích cực làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, so với thị trường rộng lớn, lực lượng chức năng kiểm tra cũng như công cụ để kiểm soát chất lượng vàng liệu đã đáp ứng được hay chưa chính là vấn đề cần phải bàn đến, chứ không chỉ đưa ra quy định sẽ kiểm soát được. Một thực trạng hiện nay cho thấy, cơ quan quản lý không cho phép các doanh nghiệp có đủ tiêu chuẩn bán vàng miếng, nhưng trên thị trường, nhiều cửa hàng vẫn bán vàng miếng, cho dù họ không đủ tiêu chuẩn. Đó là thách thức lớn đối với cơ quan quản lý trong việc đưa ra các chính sách quản lý và phát triển thị trường vàng.

Tin bài liên quan