Ông Nguyễn Sĩ Dũng.

Ông Nguyễn Sĩ Dũng.

Cân nhắc lại những khoản đầu tư đem lại lợi nhuận cao

(ĐTCK-online) “Cá nhân có trách nhiệm cao nhất và gần như duy nhất trong việc bảo vệ tài sản của mình. Các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế chỉ có trách nhiệm giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ tài sản cá nhân mà thôi”, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, TS. Nguyễn Sỹ Dũng nhắc đi nhắc lại câu này khi trao đổi với báo chí xung quanh hành vi lừa đảo đầu tư tài chính qua mạng Internet gần đây.

Thưa ông, hàng chục ngàn người bị lừa đảo bằng hình thức đầu tư tài chính qua mạng Internet, nhưng số người bị hại vẫn tiếp tục kéo dài, vậy việc xử lý sẽ tiến hành ra sao?

Lừa đảo bằng hình thức đầu tư tài chính thông qua mạng Internet là loại tội phạm mới lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, các cơ quan chức năng chưa có kinh nghiệm xử lý nên việc xử lý cũng như khắc phục hậu quả có thể còn phải kéo dài.

 

Nhiều người tham gia đầu tư tài chính qua mạng Internet đã thực hiện chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng, nhưng hệ thống ngân hàng không hề có cảnh báo về tình trạng lừa đảo này?

Cá nhân có tài khoản tại ngân hàng, nếu để lộ mật khẩu, bị kẻ gian lợi dụng để rút tiền trong tài khoản thì ngân hàng có bảo vệ được không? Tôi nghĩ là không! Khi sự việc xảy ra, người bị hại cho rằng, ngân hàng và các cơ quan không bảo vệ họ là không công bằng. Việc lừa đảo đầu tư tài chính còn phức tạp hơn nhiều, không chỉ là việc gửi và rút tiền qua tài khoản, nhưng cũng không thể quy kết hệ thống ngân hàng hay cơ quan quản lý nhà nước không cảnh báo sớm.

 

Ông còn nhớ vụ “Nước hoa Thanh Hương” đã xảy ra gần 20 năm trước không?

Vụ huy động tiền gửi của dân cư với lãi suất hơn 10%/tháng của Công ty Nước hoa Thanh Hương trước đây là bài học đau xót cho hàng ngàn người, nhiều người phải trả giá cho lòng tham và sự kém hiểu biết của mình qua vụ này. Nhưng rất tiếc, những gì xảy ra trong quá khứ lại không giúp gì cho người đầu tư tài chính qua mạng hiện tại. Bài học “đồng tiền đi liền khúc ruột” còn nhiều người không thuộc nên mới xảy ra tình trạng này.

 

Có lẽ ông muốn gửi gắm nhiều điều qua việc này?

Tôi chỉ muốn nói rằng, không có cái gì tự nhiên trên trời rơi xuống, tất cả những khoản đầu tư mà đem lại lợi nhuận cao bất hợp lý thì cần cân nhắc.

 

Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng hàng chục ngàn người dân bị lừa đảo thông qua đầu tư tài chính?

Những kẻ lừa đảo đưa ra lợi nhuận quá hấp dẫn. Điều này đã đánh vào “lòng tham” của người dân như có thời kỳ người ta đổ xô đi đầu tư vào TTCK, vì cứ sau 1 ngày, lợi nhuận của họ tăng 2 - 3%. Một số người thu được lợi nhuận, thậm chí là lợi nhuận khổng lồ khiến những người chưa tham gia “sốt ruột” và bị “tối mắt” trước những khoản lợi nhuận mà người khác dễ dàng kiếm được. Đây là tâm lý bầy đàn đã từng lặp đi, lặp lại trên thị TTCK, mặc dù các cơ quan thông tin đại chúng đã nhiều lần cảnh báo. Khi TTCK như một cái máy in tiền với lợi nhuận lên đến 2 - 3%/ngày, nhiều nhà đầu tư chứng khoán cũng không cần biết một khái niệm cơ bản nào về chứng khoán cũng như những quy định về giao dịch, nhưng họ vẫn cứ tham gia trong “cơn say tiền”. Cũng như tham gia TTCK, nhiều “nhà đầu tư tài chính” không hề biết bất cứ khái niệm cơ bản nào về giao dịch điện tử, về máy tính, về Internet… nhưng họ vẫn cứ tham gia vì khoản lợi nhuận quá lớn mà họ kỳ vọng được hưởng.

 

Trong số tiền bị lừa đảo có một phần là tiền được “nhà đầu tư” vay ngân hàng, tổ chức tín dụng, tiền vay xóa đói giảm nghèo… Số tiền này sẽ được xử lý ra sao, thưa ông?

Các cơ quan chức năng phải thống kê cụ thể xem số tiền bị lừa đảo có bao nhiêu được vay từ ngân hàng, tổ chức tín dụng, từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ xóa đói giảm nghèo… để tìm cách xử lý, nhưng trên quan điểm ngân sách không thể bỏ tiền ra để trả giá cho lòng tham, sự kém hiểu biết của một bộ phận người dân.

Tình trạng lừa đảo này đã xuất hiện khá lâu và diễn ra tại nhiều địa phương trên toàn quốc. Điều này cho thấy, chính quyền cơ sở chưa thực sự sâu sát?

Gần đây, “hiện tượng” em Nguyễn Thị Bình (người bị chủ nhà hành hạ liên tục 13 năm tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng khiến dư luận đặt ra vấn đề quản lý nhà nước tại cấp cơ sở. Nhưng nhìn lại mới thấy, lãnh đạo chính quyền cơ sở gặp phải 2 vấn đề khó khăn là mức phụ cấp thấp nên họ không toàn tâm, toàn ý với công việc và trình độ của cán bộ chính quyền cơ sở còn hạn chế. Tình trạng lừa đảo tài chính này cũng vậy, nếu quy kết hết lỗi cho chính quyền cơ sở thì cũng không công bằng, tất nhiên để tránh tình trạng này thì phải cải tổ lại chính quyền cơ sở.

 

Theo ông, bài học kinh nghiệm rút ra từ sự việc này là gì?

Phải củng cố chính quyền cơ sở, chỉ có cơ sở mới biết những gì đang xảy ra xung quanh. Ví dụ như tình trạng hụi họ trước đây, chính quyền cơ sở không thể không biết, nếu chính quyền cơ sở và cơ quan truyền thông thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình thì những sự việc đáng tiếc này sẽ không xảy ra.