Chỉ gia hạn, không nên miễn giảm thuế

0:00 / 0:00
0:00

Kéo dài thời gian giảm các loại phí, lệ phí ban hành năm 2020 sang năm 2021 nhằm giúp doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn là cần thiết, nhưng không nên thực hiện miễn, giảm các loại thuế.

Chỉ gia hạn, không nên miễn giảm thuế

Theo PGS-TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS), đề xuất kéo dài thời gian giảm các loại phí, lệ phí ban hành năm 2020 sang năm 2021 nhằm giúp doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do Covid-19 là cần thiết, nhưng không nên thực hiện miễn, giảm các loại thuế.

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 đã được Quốc hội thông qua với tổng số thu từ phí, lệ phí là 70.433 tỷ đồng, nhưng mới đây Bộ Tài chính đề xuất kéo dài thời gian giảm các loại phí, lệ phí đến hết tháng 6/2021 sẽ tác động ngay đến dự toán. Quan điểm của ông về đề xuất này thế nào?

Năm 2020, nhằm hỗ trợ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do Covid-19, Bộ Tài chính đã đề xuất, ban hành hàng loạt chính sách miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất với tổng số tiền ước vào khoảng 110.000 tỷ đồng, trong đó, số tiền gia hạn khoảng 80.000 tỷ đồng và số miễn, giảm 30.000 tỷ đồng.

Trong số tiền giảm phí, lệ phí, thì nhiều nhất là giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ ngày 28/6/2020 đến hết ngày 31/12/2020, ước tính vào khoảng 3.700 tỷ đồng. Chính sách này không được Bộ Tài chính đề nghị kéo dài sang năm 2021, còn các khoản phí, lệ phí thực hiện giảm đến hết năm 2020 được ban hành tại 21 thông tư khác nhau với số giảm không nhiều, ước cỡ 1.000 tỷ đồng. Vì vậy, nếu tiếp tục kéo dài chính sách giảm phí, lệ phí thêm 6 tháng hoặc 12 tháng nữa, thì tác động không nhiều tới số thu từ phí, lệ phí đã được Quốc hội thông qua, đặc biệt là tới tổng số thu ngân sách nhà nước. Hơn nữa, nếu tiếp tục kéo dài chính sách giảm phí, lệ phí sẽ có hiệu ứng tốt lên hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, qua đó, ngân sách nhà nước cũng thu được trở lại phần nào.

Vậy theo ông có nên kéo dài thời gian gia hạn tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân (TNCN), giá trị gia tăng và tiền thuê đất đến hết 30/6/2021, thậm chí đến hết 31/12/2021?

Việc gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí và các khoản thu ngân sách nhà nước mà không ảnh hưởng tới cân đối ngân sách là quyền của Chính phủ. Tuy nhiên, có nên gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế TNCN và tiền thuê đất như năm 2020, thì cần phải xem lại tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp trong quý IV/2020 và quý I/2021.

Nếu doanh nghiệp vẫn còn khó khăn thì nên tiếp tục gia hạn. Tất nhiên, đối tượng được gia hạn, mức độ gia hạn cũng phải xem từng ngành nghề, lĩnh vực cụ thể và có thể ban hành chính sách mới, chứ không kéo dài chính sách cũ được thực hiện năm 2020.

Thu ngân sách quý I hàng năm đạt rất cao, do ngày 31/3 mới hết hạn quyết toán thuế năm trước, nên doanh nghiệp nộp số tiền thuế còn thiếu của năm trước. Tuy nhiên, năm 2021, chắc chắn khoản thu từ năm 2020 chuyển sang không còn nhiều, nên nếu gia hạn, ngân sách sẽ bị căng thẳng ngay từ đầu năm, thưa ông?

Tôi cho rằng, khi xây dựng chính sách liên quan đến ngân khố quốc gia, Bộ Tài chính đã phải tính toán, cân nhắc rất kỹ để bảo đảm cân đối. Giả sử đại bộ phận doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn, không còn nguồn lực để thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước thì có muốn thu cũng không được. Nếu không gia hạn thì nợ thuế sẽ gia tăng, không chỉ gây áp lực cho cơ quan quản lý thuế, mà còn tạo áp lực, gây thêm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp vì không nộp thuế đúng hạn, doanh nghiệp sẽ phải nộp thêm tiền chậm nộp bằng 0,03%/ngày trên số tiền chậm nộp.

Theo tôi, nếu tiếp tục gia hạn một số loại thuế thì ngân sách nhà nước cũng không quá khó khăn vào những tháng đầu năm, vì thông thường chi tiêu ngân sách những tháng đầu năm bao giờ cũng ít căng thẳng hơn những tháng cuối năm, đặc biệt là chi đầu tư công do giải ngân đầu tư công trong quý I thường thấp nhất cả năm.

Nếu tiếp tục kéo dài chính sách giảm phí, lệ phí thì doanh nghiệp được hỗ trợ không nhiều, vì vậy có ý kiến cho rằng, nên mạnh dạn miễn, giảm thuế suất một số loại thuế, thưa ông?

Một trong những cái tôi gọi là “vấn nạn” trong chính sách thuế hiện nay là ưu đãi miễn, giảm thuế quá nhiều. Giảm thuế không chỉ căn cứ vào địa bàn đầu tư, ngành nghề, lĩnh vực, mà còn căn cứ cả vào quy mô vốn, lao động… dẫn tới sự phức tạp khiến chính sách thuế kém minh bạch.

Trong bối cảnh Covid-19, việc thực hiện miễn, giảm thuế được thực hiện sâu hơn, rộng hơn, không chỉ giảm thuế trực thu (thu nhập doanh nghiệp, TNCN), mà còn giảm cả thuế gián thu (giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường). Hiện Covid-19 đã được khống chế, hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh dần hồi phục thì không nên lạm dụng chính sách này. Thay vì miễn, giảm, thì ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng gặp khó khăn.

Có ý kiến cho rằng, năm 2020 và năm 2021 không tăng lương cơ bản cho đối tượng thụ hưởng ngân sách nhà nước và lương tối thiểu vùng trong khu vực doanh nghiệp, trong khi lạm phát năm 2020 và 2021 ước vào khoảng 7-8% thì cần giảm thuế TNCN để thu nhập thực tế của người dân không bị giảm quá nhiều. Tôi cho rằng, việc giảm thuế TNCN là không cần thiết, vì nếu lấy lý do này thì sắc thuế nào cũng có thể giảm được. Hơn nữa, thuế TNCN chỉ đánh vào người có thu nhập trên mức trung bình và kể từ năm 2020, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế TNCN đã nâng từ 9 triệu lên 11 triệu đồng/tháng.

Câu hỏi nữa đặt ra là, nếu thực hiện các chính sách giảm thuế thì sức chống chịu của ngân sách nhà nước duy trì được bao lâu, trong khi dịch bệnh vẫn tiếp tục kéo dài, kinh tế thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, phải mất một thời gian nữa mới phục hồi được như trước dịch.

Tin bài liên quan