Hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp, bổ sung và xem xét miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân người lao động

Ông Bùi Tuấn Minh, Phó tổng giám đốc Tư vấn thuế, Deloitte Việt Nam, cho rằng, cần thiết phải có thêm những chính sách hỗ trợ về thuế cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.
Ông Bùi Tuấn Minh, Phó tổng giám đốc Tư vấn thuế, Deloitte Việt Nam.

Ông Bùi Tuấn Minh, Phó tổng giám đốc Tư vấn thuế, Deloitte Việt Nam.

Thưa ông, thời gian gần đây, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, đặc biệt là các giải pháp về thuế, để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ông đánh giá thế nào về các giải pháp này?

Có thể nói, Chính phủ đã có những hành động quyết liệt để hỗ trợ cho các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch COVID-19. Các biện pháp được áp dụng là cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí; tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, miễn đóng bảo hiểm thất nghiệp; chưa tăng giá các mặt hàng đầu vào cho sản xuất trong quý I và quý II/2020…

Đáng chú ý, mới đây Bộ Tài chính cũng đã đề xuất với Chính phủ về việc gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với thời hạn gia hạn lên đến 5 tháng.

Các giải pháp nêu trên sẽ góp phần quan trọng giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay. Đặc biệt, việc gia hạn nộp thuế sẽ giúp các doanh nghiệp giải quyết được bài toán về dòng tiền, dành nguồn lực tập trung duy trì và phục hồi sản xuất - kinh doanh. 

Tuy nhiên, để các giải pháp này mang lại hiệu quả cao, Chính phủ và các bộ, ngành cần có các hướng dẫn cụ thể, chi tiết và kịp thời. Đồng thời, cần có các biện pháp quản lý chặt chẽ để tránh tình trạng trục lợi chính sách, ưu đãi không đúng đối tượng.

Chính sách đã có, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, vẫn còn chưa đủ. Theo ông, chúng ta có nên bổ sung các chính sách hỗ trợ khác?

Các doanh nghiệp hiện nay đang đối mặt với nhiều vấn đề cấp bách, như thanh khoản, thiếu hụt nguồn vồn lưu động, đang phải cơ cấu nợ, tìm kiếm các giải pháp về quản trị hiệu quả, tiết giảm chi phí, quản trị rủi ro liên quan đến các điều khoản hợp đồng, đảm bảo tính hoạt động liên tục do ảnh hưởng của dịch COVID-19…

Do đó, các giải pháp hỗ trợ về thuế cần được thiết kế, xây dựng cùng với các nhóm giải pháp hỗ trợ khác theo một lộ trình phù hợp, đặc biệt là cần nhanh chóng, kịp thời, và cập nhật liên tục trong điều kiện có thể của Chính phủ. 

Xét riêng với các giải pháp hỗ trợ về thuế, theo tôi, có thể được xây dựng theo 2 giai đoạn: trong dịch và sau dịch. Đây cũng là cách mà nhiều quốc gia trên thế giới, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Đức, Bỉ… đang làm. Họ đã thực hiện việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, kéo dài thời gian chuyển lỗ hoặc giảm trừ chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn và hoàn thuế giá trị gia tăng đối với một số hàng hoá, dịch vụ phục vụ phòng chống dịch bệnh; gia hạn thời hạn kê khai, nộp thuế…

Hiện nay, Việt Nam mới chỉ đề xuất gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo tôi, trong thời gian tới, Chính phủ nên tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các giải pháp tài chính và hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp cho giai đoạn trong và sau dịch

Ông có thể đưa ra gợi ý cụ thể hơn về giải pháp trong dịch và sau dịch?

Đề xuất gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 về cơ bản được Chính phủ nhất trí, do vậy cần phải thông qua sớm nhất có thể. 

Cho đến ngày hôm nay, nhiều doanh nghiệp là khách hàng của Deloitte vẫn thắc mắc liệu Chính phủ có giải pháp chính thức gì hỗ trợ doanh nghiệp hay không. 

Từ tình hình thực tế của Việt Nam và trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm của các nước, theo tôi, Chính phủ có thể cân nhắc triển khai một số các giải pháp sau:

Thứ nhất, kéo dài thời gian gia hạn nộp thuế để hỗ trợ về vốn và dòng tiền cho các doanh nghiệp. Theo quy định tại Luật Quản lý thuế, thời hạn gia hạn nộp thuế tối đa là 2 năm, vì vậy, Chính phủ, có thể trong thẩm quyền của mình, hoặc báo cáo Quốc hội kéo dài thời gian gia hạn (theo dự thảo hiện nay là 5 tháng). 

Diễn biến của dịch đang rất phức tạp và có thể kéo dài đến hết quý II/2020, vì thế, chỉ gia hạn 5 tháng theo tôi là chưa đủ. Chính phủ có thể cân nhắc kéo dài thời gian gia hạn nộp thuế lên 9 tháng hoặc 1 năm để phù hợp hơn với tình hình. Một số quốc gia trong khu vực như Hàn Quốc cũng đã áp dụng như vậy.

Thứ hai, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiêu thụ đặc biệt, tiền thuê đất và thậm chí tiếp tục gia hạn nộp thuế đối với các nhóm doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề và cần được bổ sung nguồn lực tài chính để phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh. 

Thứ ba, xem xét, giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm vật tư y tế phòng chống dịch hoặc chuyển sang đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm này giảm giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cung ứng cho thị trường.

Thứ tư, miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân phải nộp của người lao động cho thu nhập nhận được từ tiền lương, tiền công, làm việc tại các doanh nghiệp.

Và thứ năm, cho phép các doanh nghiệp bị thua lỗ do ảnh hưởng của dịch bệnh được kéo dài thời gian chuyển lỗ như chính sách hiện nay mà Trung Quốc đang thực hiện trong giai đoạn tái thiết nền kinh tế sau dịch. Thời gian chuyển lỗ nên được kéo dài từ 5 năm như hiện hành lên 8 năm hoặc 10 năm.

Song song với việc ban hành các chính sách miễn giảm, Chính phủ và các bộ, ngành nên tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận kịp thời các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ.

Ngoài ra, về tổng thể, Chính phủ cần rà soát, đánh giá thường xuyên tình hình triển khai gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng liên quan đến các giải pháp về thuế như đã nêu tại Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 để có kế hoạch bổ sung phù hợp theo tình hình thực tế nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động.

Tin bài liên quan