Chỉ số giá tiêu dùng tăng nhẹ, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát

0:00 / 0:00
0:00
Giá xăng dầu, giá dịch vụ y tế, giá lương thực… đã không ảnh hưởng nhiều tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2023. So với tháng trước, CPI tháng này chỉ tăng 0,25%.
Việc một số địa phương tăng học phí đã ảnh hưởng tới chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2023

Việc một số địa phương tăng học phí đã ảnh hưởng tới chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2023

Giá xăng dầu, giá dịch vụ y tế, giá lương thực… đã không ảnh hưởng nhiều tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2023. So với tháng trước, CPI tháng này chỉ tăng 0,25%.

Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, CPI tháng 11/2023 tăng 0,25% so với tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu do một số địa phương thực hiện tăng giá dịch vụ y tế, tăng học phí, cũng như do giá gạo trong nước tiếp tục tăng theo giá gạo xuất khẩu.

Tuy vậy, mức tăng 0,25% không quá cao, và cũng phù hợp với xu thế chung của giá cả thị trường. Kể từ năm 2019 tới nay, ngoại trừ CPI tháng 11/2020 giảm 0,01%, thì CPI tháng 11 của các năm 2019, 2021, 2022 đều cao hơn CPI tháng 11 năm nay, tương ứng tăng 0,96%; 0,32% và 0,39%.

Dù chỉ tăng 0,25% so với tháng trước, nhưng CPI tháng 11/2023 tăng 3,46% so với tháng 12/2022 và tăng 3,45% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính bình quân, mức tăng là 3,22%. Chỉ còn 1 tháng cuối cùng của năm, do vậy, CPI bình quân năm - chỉ số được lấy để tính làm chỉ số lạm phát của Việt Nam - vẫn trong tầm kiểm soát và nhiều khả năng sẽ đạt mức dưới 4%. Mục tiêu kiểm soát CPI trong năm 2023 được Quốc hội quyết nghị là dưới 4,5%.

Quay trở lại với diễn biến giá cả thị trường tháng 11/2023, Tổng cục Thống kê cho biết, trong mức tăng 0,25% của CPI tháng 11/2023 so với tháng trước, có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm, riêng nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình không biến động.

Trong 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất - với 2,9%, làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm. Nguyên nhân chủ yếu do một số địa phương triển khai áp dụng giá dịch vụ y tế mới theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT ngày 17/11/2023 của Bộ Y tế.

Tốc độ tăng/giảm CPI tháng 11 các năm từ 2019 trở lại đây

Tốc độ tăng/giảm CPI tháng 11 các năm từ 2019 trở lại đây

Trong khi đó, nhóm giáo dục tăng 0,38%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,32%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,2%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,19%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,1%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,09%; còn nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,05%.

Ngược lại, có 2 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, bao gồm nhóm giao thông (giảm 0,01%) và nhóm bưu chính - viễn thông (giảm 0,11%).

Như vậy, nhìn chung, ngoại trừ việc tăng giá của dịch vụ y tế và học phí, trong tháng qua, giá cả thị trường tương đối ổn định.

Tuy vậy, lạm phát cơ bản vẫn là điều đáng lưu ý. Số liệu thống kê cho thấy, lạm phát cơ bản tháng 11/2023 tăng 0,16% so với tháng trước, tăng 3,15% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 11 tháng năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,27% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,22%).

Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 11 tháng năm 2023 giảm 12,12% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 7,5%. Đây là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Ở góc độ khác, theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá vàng tháng 11/2023 tăng 2,77% so với tháng trước; tăng 8,8% so với tháng 12/2022; tăng 9,29% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 11 tháng năm 2023 tăng 3,38%.

Còn chỉ số giá USD tháng 11/2023 tăng 0,05% so với tháng trước; tăng 1,61% so với tháng 12/2022; giảm 1,03% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 11 tháng năm 2023 tăng 1,94%.

Tin bài liên quan