Chỉ số PMI ngành sản xuất của Việt Nam giảm mạnh trong tháng 3, xuống 47,7 điểm

Chỉ số PMI ngành sản xuất của Việt Nam giảm mạnh trong tháng 3, xuống 47,7 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo báo cáo Chỉ số Nhà Quản trị mua hàng (PMI) mới nhất của S&P Global, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 3/2023 giảm xuống còn 47,7 điểm từ mức 51,2 điểm hồi tháng 2. 

Trong đó, cả sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm đều giảm, việc này là do nhu cầu của khách hàng giảm bởi khó khăn chung của nền kinh tế, tuy nhiên, nhu cầu giảm đã làm giảm áp lực lạm phát.

PMI ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 3/2023 giảm xuống còn 47,7 điểm. Nguồn: S&P Global

PMI ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 3/2023 giảm xuống còn 47,7 điểm.

Nguồn: S&P Global

Số liệu công bố của Tổng cục Thống kê cho biết, tăng trưởng GDP quý I/2023 của Việt Nam chỉ đạt 3,32% so với cùng kỳ, mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Trong đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư, thu hút FDI… gặp nhiều khó khăn. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) quý I giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2022 tăng 6,8%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,4% (quý I/2022 tăng 7,3%). Lĩnh vực công nghiệp giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023.

Điều này cũng lý giải phần nào cho lý do chỉ số PMI tháng 3 sụt giảm khi cả tổng số lượng đơn đặt hàng mới và số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đều ghi nhận giảm. Trong đó, tổng số lượng đơn đặt hàng mới đã giảm lần thứ 4 trong vòng 5 tháng trở lại đây. Số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài cũng ghi nhận giảm lần đầu tiên kể từ đầu năm. Chỉ duy nhất lĩnh vực dịch vụ là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Việt Nam trong quý I, với giá trị tăng thêm của ngành này tăng 6,79% so với cùng kỳ.

Đầu tư công sẽ là một động lực then chốt khác cho việc phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 và 2024, giúp thúc đẩy ngành xây dựng và các hoạt động kinh tế liên quan.

Nếu như Việt Nam giải ngân được hết 30 tỷ USD thì sẽ đóng góp khoảng 1% vào GDP của cả nước.

Ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng ADB nhận định

Ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá, muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,5% như kịch bản 2 mà Chính phủ đã đặt ra là 6,5%, tăng trưởng kinh tế quý II là 6,7%, quý III và quý IV tăng trưởng lần lượt là 7,5% và 7,9% thì Việt Nam cần phải đạt được 3 đột phá chính.

Theo đó, đột phá thứ nhất đến từ lĩnh vực đầu tư công. Chính phủ đã cam kết giải ngân 30 tỷ USD trong năm nay, trong đó 90% đã được phân bổ cho các bộ ngành và tỉnh để giải ngân từ tháng 1/2023.

Theo ông Cường, đầu tư công sẽ là một động lực then chốt khác cho việc phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 và 2024, giúp thúc đẩy ngành xây dựng và các hoạt động kinh tế liên quan.

Thứ hai là việc Việt Nam chuyển hướng sang hỗ trợ tăng trưởng, nới lỏng chính sách tiền tệ.

Thứ ba là tận dụng được những cơ hội hiện có như việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế trở lại. Lượng khách du lịch Trung Quốc bắt đầu quay trở lại từ ngày 15 tháng 3 được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cho ngành du lịch và dịch vụ ở Việt Nam, với dự báo tăng trưởng của ngành đạt 8,0% trong năm nay và cũng sẽ góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế.

"Nếu Việt Nam đạt được 3 đột phá đó thì khả năng nền kinh tế Việt Nam đạt được tăng trưởng 6,5% sẽ thành hiện thực", ông Cường nhấn mạnh.

Tin bài liên quan