Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV phát biểu tại Hội nghị.

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV phát biểu tại Hội nghị.

Chiến lược chuyển đổi số đến 2030 của BIDV được triển khai với 4 trụ cột

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Số hóa 360°; Xây dựng hệ sinh thái số; Xây dựng văn hóa chuyển đổi số; Làm chủ tương lai số hóa - làm chủ công nghệ là 4 trụ cột về Chiến lược chuyển đổi số đến 2030 của BIDV.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết, kết thúc niên độ 2023, Ngân hàng đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch NHNN giao. Quy mô Tổng tài sản đạt trên 2,26 triệu tỷ đồng. Dư nợ tín dụng đạt 1,75 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 16,6%; vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN. Đặc biệt, BIDV đã quyết liệt triển khai chỉ đạo của Chính phủ, NHNN trong việc thực hiện các chương trình tín dụng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận tín dụng, cơ cấu lại nợ, cho vay mới, giảm, miễn lãi, phí.

“Với tất cả các biện pháp đó, năm 2023, BIDV giảm lợi nhuận gần 5.900 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh”, Chủ tịch BIDV cho biết.

Liên quan đến chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng và kết quả thực hiện tại BIDV, ông Tú nhận định, bản thân các tổ chức tín dụng cũng ý thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, đến nay, theo thống kê đã có trên 96% ngân hàng thương mại đã và đang xây dựng Chiến lược chuyển đổi số. Còn tại BIDV, ngay sau khi NHNN ban hành Quyết định 810 ngày 11/05/2021 về Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến 2025, định hướng đến 2030, ngày 31/05/2021, BIDV cũng ban hành Nghị quyết về Chiến lược chuyển đổi số đến 2030 với 4 trụ cột: Số hóa 360°; Xây dựng hệ sinh thái số; Xây dựng văn hóa chuyển đổi số; Làm chủ tương lai số hóa - làm chủ công nghệ”.

Cũng theo ông Tú, sau hơn 2 năm thực hiện, BIDV đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu theo lộ trình kế hoạch của NHNN.

Cụ thể, BIDV đã chuyển đổi căn bản hoạt động kinh doanh Ngân hàng, chuyển dịch từ kênh quầy sang kênh số, với 02 kênh ngân hàng điện tử chủ lực phục vụ doanh nghiệp và người dân là iBank và SmartBanking. Số lượng và giá trị giao dịch tăng trưởng mạnh (năm 2023, có hơn 93% số lượng giao dịch toàn hàng thực hiện trên kênh số; có 15 triệu khách hàng giao dịch trên kênh số với doanh số giao dịch hơn 14,2 triệu tỷ đồng).

Ngân hàng cũng đã triển khai mô hình eZone tại các chi nhánh trên toàn quốc, theo đó cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch tự động, tự phục vụ, áp dụng triệt để công nghệ số, tăng trải nghiệm của khách hàng.

BIDV cũng đã nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) Robot tự động, Chatbot trong phục vụ chăm sóc khách hàng; ứng dụng AI vào việc định danh khách hàng điện tử eKYC.

Đặc biệt, ngày 29/11/2023, BIDV công bố và trở thành ngân hàng đầu tiên cho ra mắt hệ thống BIDV OPEN API phục vụ cho mô hình Ngân hàng mở (Openbanking) với trên 3.000 đối tác kết nối API; 47 trung gian thanh toán; dịch vụ công; Kho bạc Nhà nước; Bảo hiểm xã hội và các định chế tài chính hoạt động tại Việt Nam. BIDV cũng là ngân hàng Việt Nam đầu tiên triển khai thành công thanh toán QR xuyên biên giới với Thái Lan và Campuchia; chuyển tiền kiều hối trực tiếp với Hàn Quốc. BIDV cũng là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam áp dụng chuẩn ISO 20022 với tổ chức SWIT và hàng loạt tổ chức thanh toán lớn trên Thế giới.

Liên quan đến việc triển khai Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 06) và Quyết định 264/QĐ-NHNN ngày 02/03/2023 của Thống đốc NHNN, ông Tú thông tin, BIDV đang tích cực phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an, NHNN triển khai phục vụ 04 nhóm tiện ích của Đề án 06:

Một là, phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến (BIDV là 1 trong 4 ngân hàng đạt được cấp độ 4 (cao nhất) về hỗ trợ công dân thanh toán toàn bộ các dịch vụ công thông qua các kênh trực tuyến của BIDV).

Hai là, BIDV là ngân hàng đầu tiên thử nghiệm rút tiền qua máy ATM bằng căn cước công dân và đã triển khai đầy đủ các hạng mục eKYC sử dụng căn cước công dân mới.

Ba là, BIDV đang tích cực tham gia Chương trình phục vụ công dân số (dự án sử dụng tài khoản định danh điện tử kèm tài khoản Ngân hàng);

Bốn là, BIDV đang phối hợp với C06 Bộ Công an và các đơn vị liên quan triển khai chương trình làm giàu cơ sở dữ liệu khách hàng, dữ liệu sinh trắc học phục vụ cho yêu cầu tất cả các giao dịch có giá trị trên 10 triệu đồng phải xác thực bằng dữ liệu sinh trắc học theo Quyết định 2345 của NHNN.

“Về thể chế và nền tảng công nghệ, BIDV đã ban hành khung quản lý rủi ro tổng thể và tuyên bố khẩu vị rủi ro công nghệ vào năm 2022; đã xây dựng Chiến lược phát triển CNTT; triển khai xây dựng, mua sắm các dự án CNTT nền tảng; hệ thống an ninh bảo mật và đội ngũ cán bộ công nghệ có khả năng đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong giai đoạn tới”, ông Tú nói.

Tại Hội nghị, Chủ tịch HĐQT BIDV đã kiến nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ và chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp tục nâng cấp hạ tầng số (viễn thông, mạng Internet, kết nối 5G); ban hành đồng bộ các cơ chế chính sách nền tảng pháp lý số (quy định về chia sẻ thông tin, về dữ liệu; xây dựng và ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox) hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng…).

“Luật giao dịch điện tử có hiệu lực từ 01/07/2024 sẽ tạo ra xung lực rất lớn đẩy mạnh giao dịch số. Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm ban hành các quy định, hướng dẫn (đặc biệt là Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt) tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái phục vụ nhu cầu của khách hàng”, ông Tú kiến nghị.

Tin bài liên quan