Chiến lược giao dịch ngắn hạn: Chỉ nên ở tỷ trọng thấp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, Chuyên gia Chiến lược Đầu tư, Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư SSI đưa ra lời khuyên như vậy cho nhà đầu tư trong giai đoạn hiện nay, đồng thời, khuyến nghị hạn chế giao dịch đối với nhóm cổ phiếu yếu hơn hoặc biến động đồng pha với thị trường.

Phiên thứ 6, VN-Index hình thành cây nến búa ngược, lực cung gia tăng, cho thấy trạng thái thận trọng của thị trường, đóng cửa 1.329 điểm, giảm 11% so với đầu năm.

Ông Nguyễn Trọng Đình Tâm

Ông Nguyễn Trọng Đình Tâm

Ông Tâm nhận định, VN-Index có thể giao dịch thận trọng và về lại các vùng hỗ trợ tiếp theo, nằm tại 1.320 và 1.300 điểm, nhiều khả năng chỉ số hình thành mẫu hình 2 đáy trước khi hồi phục lại, kịch bản 2 là chỉ số thời gian tới có thể thu hẹp độ biến động, tạo ra trạng thái giằng co đi ngang (sideway).

Với 2 kịch bản này, nhà đầu tư chỉ nên gia tăng mạnh cổ phiếu cũng như tỷ lệ margin trở lại khi chỉ số thị trường hình thành 1 trong 2 mẫu hình trên.

Chiến lược giao dịch ngắn hạn chỉ nên ở tỷ trọng thấp, hạn chế giao dịch đối với nhóm cổ phiếu yếu hơn hoặc biến động đồng pha với thị trường (ngân hàng, bất động sản, xây dựng…).

Đối với nhóm cổ phiếu khoẻ (cơ bản), có thể chốt lời một phần (30 - 50%) số lượng cổ phiếu đang nắm, phần còn lại có thể giữ và stop loss (chốt lời/dừng lỗ) khi cần thiết.

Với thị trường tương lai, theo ông Tâm, đây là thị trường không dành cho số đông, do có độ biến động cao.

Nhà đầu tư tham gia thị trường tương lai cần lưu ý, ưu tiên giao dịch theo xu thế chính của thị trường. Ví dụ như giai đoạn hiện tại, chủ yếu canh Short, nếu Long thì nên đóng vị thế ngay trong ngày. Cụ thể như canh short khi VN30F1M cắt xuống dưới 1.358, mục tiêu 1.345 - 1.330, dừng lỗ 1.361.

Nói về thị trường chứng khoán tháng 5 có 2 sự kiện thường được quan tâm. Trong chương trình Bí mật đồng tiền số 19, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng CTCK SSI cho biết, tháng 5 thường có 2 sự kiện xảy ra liên tục.

Thứ nhất là họp quốc hội tháng 5. Có một điểm có thể tác động đến thị trường nhưng năm nay khó xảy ra là sửa đổi Nghị quyết 42 liên quan đến xử lý nợ xấu sẽ không bao gồm các khoản nợ xấu phát sinh do Covid - mà chỉ đưa vào nghị quyết thông thường của kỳ họp nên không tạo ra nhiều kỳ vọng. Nhưng kỳ họp này có thể thông qua một số các dự án lớn về đầu tư công, về cơ sở hạ tầng, như các đường vành đai Hồ Chí Minh, Hà Nội… trong khi 4 tháng đầu năm, giải ngân đầu tư công đang rất thấp.

Ngoài ra, tháng 5 hàng năm còn có sự kiện là MSCI xem xét đưa Việt Nam vào watchlist hay không. Theo ông Hưng, trong đợt vừa qua có nhiều động thái thanh lọc thị trường và liên quan đến vấn đề này cũng kỳ vọng sẽ làm cho quá trình nâng hàng dễ hơn. “Mặc dù khả năng chúng ta được vào watchlist là không có nhưng mong rằng trong bản đánh giá của MSCI có những kết luận tích cực của Việt Nam như đã làm được việc này, việc kia”, ông Hưng nói.

Với câu chuyện Fed tăng lãi suất trong tháng 5 có tác động ra sao tới thị trường?

Ông Hưng nhìn nhận, Fed tăng lãi suất 50 điểm thì thị trường kỳ vọng rồi, hay việc họ giảm quy mô bảng cân đối tài sản thì không phải chuyện mới, trong bài phát biểu của thống đốc Fed trong kỳ họp của IMF cũng đã chia sẻ tất cả các vấn đề này, nên thị trường không có phản ứng gì bất ngờ.

Theo ông Hưng, cái mà thị trường ảnh hưởng nhiều hơn không bởi các con số đó mà là ảnh hưởng như thế nào sau các quyết định tăng lãi suất mạnh của Fed khi mà lịch sử cho thấy rằng, trước đây họ có những nhận định không chính xác lắm về lạm phát, như là lạm phát chỉ 2% và chỉ vài tháng sẽ hết nhưng bây giờ không phải thế. Hiện tăng lãi suất với tốc độ cao thì ảnh hưởng đến nền kinh tế trong giai đoạn tới như thế nào - nói theo cách của Việt Nam là “đánh giá tác động của chính sách là Fed chưa làm” nên nếu có ảnh hưởng mạnh hơn, xấu hơn, việc tăng lãi suất mạnh nếu dẫn đến suy thoái - điều mà thị trường đang lo ngại, và con số GDP quý I/2022 của Mỹ lại âm thì càng làm vấn đề căng thẳng hơn, tiêu cực hơn.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Founder FinPeace chia sẻ thêm, năm 2022 là năm đặc biệt, vì còn có chính sách Trung Quốc muốn vươn lên vị trí số 1. Trước đây chúng ta quan sát kỹ Fed đi tiền như thế nào, giờ cần quan tâm thêm cả Trung Quốc - sức ảnh hưởng của họ tới nền kinh tế toàn cầu rõ ràng không nhỏ, dù có những lập luận là chỉ số của Trung Quốc đã có điều chỉnh để “bớt khỏe”.

Điểm thứ 2 là nội lực Việt Nam đang khỏe, vậy thì khi bão tố xảy ra trên thế giới, nếu ta tự tin ta khỏe thì đây là cơ hội vượt lên tương đối.

Ông Hưng giải thích, mỗi quốc gia trong quá trình hồi phục thì có đoạn đường khác nhau, như Mỹ mở cửa sớm, Việt Nam mở cửa muộn hơn so với các quốc gia khác nên lạm phát còn ổn, hay các gói kích thích kinh tế về mặt tài khoá là còn, chẳng có quốc gia nào vẫn còn có các gói chuẩn bị triển khai trong nửa cuối năm 2022. Hay vấn đề Trung Quốc đóng cửa thì xu hướng năm ngoái đơn hàng chạy từ Việt Nam sang một số quốc gia khác, nay các đơn hàng của Trung Quốc cũng có xu hướng chạy sang Việt Nam trong thời điểm này. Do đó, Việt Nam cũng hưởng lợi nhất định khi đất nước đang ở một giai đoạn khác trong quá trình hồi phục.

Tin bài liên quan