Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước phát biểu tại Họp báo.

Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước phát biểu tại Họp báo.

Chính sách hỗ trợ 2% lãi suất đến cuối tháng 11 có doanh số đạt hơn 38.000 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dư nợ hỗ trợ lãi suất 2% đã đạt 28.500 tỷ đồng, số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng đạt hơn 85 tỷ đồng.

Tại buổi Họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2023, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tín dụng toàn nền kinh tế, tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực đều tăng ngay từ đầu năm 2022 và hầu hết tăng cao hơn cùng kỳ 2021, 2020 (là 2 năm chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19), theo đó tín dụng nền kinh tế tăng trưởng 12,87%.

Cụ thể, cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong đó tín dụng ngành nông lâm thủy sản tăng 7,53%, ngành công nghiệp và xây dựng tăng 7,96%, ngành thương mại và dịch vụ tăng 13,67% phù hợp với đóng góp và tăng trưởng của các ngành kinh tế trong GDP.

Bên cạnh đó, tín dụng các lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng tốt, phù hợp với định hướng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN, có thể kể đến như tín dụng nông nghiệp nông thôn tăng 11,09%; doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 6,88%; tín dụng công nghiệp hỗ trợ tăng 12,99%. Tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro tiếp tục được kiểm soát theo định hướng.

Liên quan đến việc triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất đối với một số ngành, lĩnh vực thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bà Giang chia sẻ, sau khi các văn bản quy phạm pháp luật và giải đáp về chính sách được ban hành, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại chủ động rà soát để nắm bắt nhu cầu, thông báo, hướng dẫn khách hàng về hồ sơ, thủ tục; tích cực truyền thông, thông tin về chính sách bằng nhiều hình thức; thành lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh.

Đồng thời, NHNN đã tổ chức 4 hội nghị toàn quốc, trong đó có 1 hội nghị trực tuyến với các bộ ngành, địa phương và ngân hàng thương mại do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì. Tổ chức các đoàn khảo sát liên ngành nhằm nắm bắt thực tế triển khai, kịp thời đôn đốc, trực tiếp xử lý, tháo gỡ khó khăn. Nhiều địa phương đã tổ chức triển khai chính sách rất bài bản, quyết liệt thông qua việc phối hợp với các Hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, Ban Tuyên giáo tỉnh...

“Đến cuối tháng 11, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt hơn 38.000 tỷ đồng đối với trên 1.500 khách hàng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt 28.500 tỷ đồng, số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng đạt hơn 85 tỷ đồng”, bà Giang thông tin.

Theo bà Giang, thực tế cho thấy, chưa có một chính sách nào mà ngành ngân hàng triển khai đồng bộ với tinh thần quyết liệt và khẩn trương như chính sách hỗ trợ lãi suất này. Tuy nhiên, kết quả hỗ trợ lãi suất còn thấp, chưa như kỳ vọng do nhiều nguyên nhân. Hiện nay, NHNN đã rà soát, đề xuất nội dung sửa đổi Nghị định 31 và đang lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.

Một vấn đề được xã hội rất quan tâm, đó là các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, ngân hàng xanh, theo bà Giang, để triển khai quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, NHNN đã xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

Tích cực phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để đề xuất, xây dựng các nội dung về cơ chế khuyến khích và lộ trình thực hiện tín dụng xanh tại Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Đồng thời, tham gia xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.

“Đến cuối quý III/2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt gần 478.000 tỷ đồng, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt hơn 2,2 triệu tỷ đồng, với hơn 1,1 triệu món vay được đánh giá”, bà Giang nói.

Liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách Xã hội, bà Giang cho biết, Ngân hàng đã đẩy mạnh triển khai 23 chương trình tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách; đồng thời, tích cực triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Kết quả của các hoạt động trên, bà Giang thông tin, tổng dư nợ tín dụng chính sách ước đạt trên 284.000 tỷ đồng, với hơn 6,5 triệu khách hàng còn dư nợ; trong đó các chính sách cho vay theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội ước đạt trên 16.000 tỷ đồng. Cho vay Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP do NHNN trình ban hành đạt trên 350 tỷ đồng. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với dư nợ cho vay trên địa bàn các xã đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng.

Tin bài liên quan