Thương vụ bán 49% cổ phần FE Credit của VPBank cho SMBC với giá trị gần 1,4 tỷ USD hiện đang giữ kỷ lục về giá trị

Thương vụ bán 49% cổ phần FE Credit của VPBank cho SMBC với giá trị gần 1,4 tỷ USD hiện đang giữ kỷ lục về giá trị

Chờ những thương vụ M&A tỷ USD trong ngành ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường M&A Việt Nam năm 2022 dự báo sẽ có thêm thương vụ bán cổ phần trị giá tỷ USD trong ngành ngân hàng.

Nhiều thương vụ khủng sắp diễn ra

Ngay những tháng đầu năm, thị trường đã chứng kiến hàng loạt thương vụ M&A đình đám trong ngành ngân hàng, điển hình là tại VPBank. Đầu tiên là việc nhà băng này công bố muốn bán 15% cổ phần cho đối tác ngoại. Sau đó, VPBank đã tiến hành lấy ý kiến cổ đông về điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài từ mức 15% lên 17,607% vốn điều lệ. Dù chưa tiết lộ cụ thể về thời gian hoàn thành kế hoạch bán vốn, nhưng đại diện VPBank cho biết sẽ sớm thực hiện trong các tháng tới.

Trước đó, việc SMBC chấm dứt liên minh với Eximbank khiến thị trường đồn đoán nhà đầu tư Nhật Bản sẽ thoái 15% vốn tại ngân hàng này để mở đường cho kế hoạch rót vốn vào VPBank. Suy đoán này còn dựa trên cơ sở là mối quan hệ hai bên trở nên gắn bó sau thương vụ M&A Công ty tài chính FE Credit.

Làn sóng M&A ngành ngân hàng sôi động trở lại kể từ năm ngoái, trong đó, thương vụ bán 49% cổ phần FE Credit của VPBank cho SMBC với giá trị gần 1,4 tỷ USD được coi là lớn nhất. Việc Việt Nam gia nhập EVFTA cũng dẫn tới một số ngân hàng thương mại được phép nới trần tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên 49%. Đây cũng sẽ là một yếu tố thúc đẩy hoạt động M&A trong ngành này.

Trong thời gian tới, dự báo một số thương vụ M&A giá trị tỷ USD khác sẽ diễn ra. Đơn cử, Vietcombank chào bán riêng lẻ 6,5% vốn, thương vụ nếu thành công sẽ giúp Ngân hàng thu về nguồn vốn xấp xỉ 30.000 tỷ đồng. Đây là kế hoạch được Vietcombank đặt ra từ lâu. Ngoài ra, Vietcombank sẽ nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém trong hệ thống.

Thương vụ đáng chú ý khác là MB đã trình cổ đông thông qua phương án nhận chuyển giao bắt buộc OceanBank. Ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc MB cho biết, việc hợp tác với OceanBank vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là cơ hội để Ngân hàng mở rộng quy mô hoạt động. MB sẽ phối hợp cùng OceanBank kiểm tra hệ thống dữ liệu và xây dựng phương án trình Chính phủ. Phía OceanBank cũng cho hay, một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 là phối hợp với MB triển khai chương trình cho vay hợp vốn, kể cả cho vay bán lẻ; nghiên cứu phát triển một số sản phẩm làm lợi thế cạnh tranh, vừa để thu hút khách hàng vừa để tăng thương hiệu trên thị trường tín dụng.

Theo nhận định của giới chuyên gia phân tích, trong giai đoạn đầu, với sự thanh khoản lớn từ Ngân hàng Nhà nước, có thể MB không cần phải rót vốn hỗ trợ ngay mà sẽ hỗ trợ Oceanbank trước về nhân sự quản lý cấp cao. Với việc tham gia nhận chuyển giao bắt buộc OceanBank, MB sẽ được hưởng một số quyền lợi, trong đó có quyền lợi được cấp hạn mức tín dụng cao hơn. Nhìn chung, đây là thương vụ có lợi cho cả hai bên.

M&A sẽ nóng trong năm 2022

Một vài ngân hàng mới đây cũng được Chính phủ giao cho nghiên cứu phương án hỗ trợ các “ngân hàng 0 đồng”. 4 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu hiện nay gồm DongABank và 3 ngân hàng “0 đồng” là CBBank, Oceanbank, GPBank. Trong các động thái "lưu tâm" đến nhóm này, đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 02/2022/TT-NHNN thay cho Thông tư số 08/2021/TT-NHNN về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Một trong những điểm mới của Thông tư là quy định việc cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến mức 0% đối với ngân hàng thương mại đã được mua bắt buộc.

Nếu năm 2021, hoạt động M&A công ty tài chính tiêu dùng dậy sóng, thì năm 2022, thị trường sẽ chứng kiến hàng loạt thương vụ bán cổ phần ngân hàng cho đối tác ngoại.

TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế

Ngoài ra, Thông tư cũng đề cập đến vai trò của các phương án cơ cấu lại, phương án chuyển nhượng của các ngân hàng. Mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là sẽ quan tâm đẩy nhanh hoạt động tái cơ cấu đối với các “ngân hàng 0 đồng”. Đối với các ngân hàng yếu kém, M&A là cơ hội để “thay da đổi thịt”.

Báo cáo “Các xu hướng M&A toàn cầu năm 2022” do PwC phát hành đã đưa ra nhận định, hoạt động M&A dự kiến tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022, bất chấp biến động thị trường nhờ nguồn vốn sẵn có dồi dào và nhu cầu tăng cao. Trong đó, các thương vụ trong lĩnh vực ngân hàng được dự báo sẽ nở rộ, với sự tham gia của tổ chức tài chính nước ngoài.

Theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, trong xu thế chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ, các doanh nghiệp đang đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi. Các mô hình kinh doanh mới xuất hiện nhiều hơn, dẫn tới mức độ cạnh tranh ngày càng cao, điều này cũng ảnh hưởng và dẫn dắt cả xu thế M&A của các tổ chức trên thị trường tài chính, ngân hàng. Đối với việc mua bán, chuyển nhượng cổ phần của ngân hàng mẹ, thương vụ đáng chú ý nhất năm nay là OCB dự kiến phát hành riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài, thực hiện trong năm 2022 và đang đàm phán với đối tác. Thương vụ nếu thành công, sẽ đưa tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại OCB lên 30%.

TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng, bất chấp ảnh hưởng Covid-19, việc hàng loạt thương vụ M&A trong lĩnh vực ngân hàng thành công chứng tỏ nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất cao tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam nói chung, lĩnh vực ngân hàng nói riêng. Nếu năm 2021, hoạt động M&A công ty tài chính tiêu dùng dậy sóng, thì năm 2022, thị trường sẽ chứng kiến hàng loạt thương vụ bán cổ phần ngân hàng cho đối tác ngoại.

BIDV đã lên kế hoạch chào bán riêng lẻ 8,5% cổ phần trong năm nay. Với thị giá cổ phiếu hiện nay, nếu chào bán thành công, BIDV sẽ thu về khoảng 14.000 -15.000 tỷ đồng. Hiện ngân hàng này chưa hé lộ thông tin gì về lộ trình chào bán riêng lẻ số cổ phần này.

SHB đã tạm khóa tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 10% để tìm kiếm đối tác chiến lược. Tương tự, OCB đang chuẩn bị bán 10% vốn cho đối tác nước ngoài. NamA Bank, SCB, LienVietPostBank… cũng có kế hoạch thu hút thêm vốn ngoại.

Ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam nhận định, khi dịch bệnh được kiểm soát, M&A ngân hàng tại Việt Nam sẽ sôi động trở lại. Mặc dù nợ xấu ngân hàng Việt có nguy cơ tăng lên do ảnh hưởng của Covid-19, song nhờ kết quả kinh doanh của đa số ngân hàng rất lạc quan và dư địa thị trường còn rộng lớn, nhất là các lĩnh vực cho vay tiêu dùng, ngân hàng bán lẻ, ngân hàng Việt vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế.

Ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia cũng cho rằng, ngành tài chính Việt Nam sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều thương vụ M&A. Lý do là, số lượng ngân hàng vẫn lớn, trong khi đó, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang từng bước tái cơ cấu và tinh gọn quy mô của hệ thống ngân hàng để lĩnh vực này ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ. Đáng chú ý là những ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu và những ngân hàng nhỏ yếu kém sẽ khó tránh khỏi M&A.

Tin bài liên quan