Vùng đáy đang ở đâu đây?

Vùng đáy đang ở đâu đây?

Chờ thị trường “sau cơn mưa”…

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kể từ khi lập đỉnh 1.528 điểm vào tháng 4/2022, chỉ số VN-Index đã sụt giảm mạnh, thủng mốc 1.000 điểm trong phiên giao dịch ngày 24/10. Đa phần nhà đầu tư còn ở trong thị trường đang mất niềm tin trầm trọng, nhưng như một quy luật, khi thị trường hoảng loạn nhất cũng là lúc đáy… đang ở đâu đây.

Đạp đổ thành quả 2 năm

Cú rơi của thị trường trong phiên đầu tuần qua đã khiến nhiều nhà đầu tư hoảng loạn khi trong vòng hơn một tháng vừa qua, VN-Index mất tới 300 điểm, cường độ mất điểm vào loại mạnh nhất trong lịch sử chứng khoán Việt Nam trong một khoảng thời gian rất ngắn.

Bối cảnh kinh tế vĩ mô với câu chuyện tăng lãi suất là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến nhịp giảm điểm của thị trường vừa qua. Cụ thể, ngày 24/10, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định lần thứ hai nâng các mức lãi suất điều hành lên 1% trong tháng 10 và tiếp theo động thái này, nhiều ngân hàng thương mại cũng tăng dần các mức lãi suất huy động, cho vay, gián tiếp khiến dòng tiền trên thị trường chứng khoán trở nên yếu ớt hơn.

Sau khi rơi xuống các mốc điểm thấp kỷ lục, VN-Index đã bật dậy vượt lên trên mốc 1.000 điểm. Nhận định về xu hướng này, ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, Phó giám đốc Chiến lược đầu tư, Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư SSI (SSI Research) cho rằng VN-Index đã hình thành nến rút chân kết hợp khả năng pull-back có thể xuất hiện nhịp hồi kỹ thuật (pull-back phản ánh giá của thị trường đang đi ngược lại với xu hướng).

Tuy nhiên, theo chuyên gia SSI Research, VN-Index vẫn tiếp diễn xu hướng giảm ngắn hạn. Câu chuyện tăng lãi suất tiếp tục ảnh hưởng chính đến nhịp giảm điểm của thị trường.

Câu chuyện của thị trường chứng khoán hiện tại làm nhiều nhà đầu tư nhớ đến diễn biến thị trường những năm 2006 - 2007. Chia sẻ trên một diễn đàn đầu tư chứng khoán, nhà đầu tư Quan Doan Le cho biết, năm 2006, thị trường có một đợt bùng nổ từ mốc VN-Index 307 điểm vào ngày 31/12/2005 lên 751 điểm vào cuối năm 2006.

Đến tháng 3/2007, thị trường chứng khoán tiếp tục bùng nổ thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia, đẩy chỉ số VN-Index lên mốc 1.170 điểm. Tuy nhiên, sau đó là giai đoạn nhiều nhà đầu tư mất hết thành quả khi thị trường lao dốc khi đến tháng 6/2008, VN-Index chỉ còn 370 điểm.

Hiện nay, VN-Index quay về mốc điểm của năm 2020 (giai đoạn dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam), đạp đổ thành quả của nhiều nhà đầu tư trong 2 năm qua. Nhà đầu tư Hoài An kể, năm 2020-2021, vừa bước chân vào thị trường, cô đã lời tiền tỷ khi nắm giữ các cổ phiếu blue-chip như HPG, SSI, VHM…, nhưng “chỉ từ tháng 4/2022 đến nay, sau hơn nửa năm, mọi thành quả đã tan tành mây khói khi tài khoản giảm đến 40% với tỷ trọng nắm giữ chủ yếu là HPG”.

“Phải làm gì lúc này?” là câu hỏi của đa số nhà đầu tư, nhất là với các F0. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đã trải qua nhiều giai đoạn “bầm dập” như Quan Doan Le thì… “sau cơn mưa trời lại sáng”, vùng đáy đang ở đâu đây và thị trường sẽ sớm test xong đáy để hồi lên.

“Tôi có niềm tin với kinh tế Việt Nam, đáy VN-Index quanh đây thôi, chứng khoán ở ta luôn có độ trễ với thế giới, nhất là Dow Jones. Chỉ số Dow Jones tại Mỹ lại tăng mấy tuần qua, báo hiệu nền kinh tế thế giới đã tạo đáy và sẽ hồi phục. Bi quan chỉ làm ta tuyệt vọng để không dám tiến lên phía trước, nhưng lạc quan sẽ giúp ta vượt qua thời điểm khó khăn này”, nhà đầu tư Quan Doan Le bày tỏ quan điểm.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Quan Đức Hoàng, Chủ tịch Quỹ A+ nhận định, thị trường sập sâu quá khiến nhiều nhà đầu tư có tâm lý lo sợ, bán hàng ra bằng mọi giá để giữ tiền mặt.

“Nhà đầu tư đang hoảng loạn trước tác động của nhiều thông tin, tuy nhiên quan điểm cá nhân tôi cho rằng, tốt nhất nên bình tĩnh ở giai đoạn này, nhất là những ai còn tiền mặt thì hiện là cơ hội được mua hàng tốt, giá rẻ”,ông Quan Đức Hoàng nhận định.

Trú ẩn vào đâu?

Sau cú sập mạnh ngày 24/10, các chỉ số chứng khoán đã có phiên bật lại ngoạn mục vào ngày 27/10 khi VN-Index tăng hơn 34 điểm - mức tăng mạnh nhất trong 5 tháng qua; trước đó phiên 25/10, chỉ số cũng có cú hồi gần 12 điểm khiến kỳ vọng thị trường tạo đáy nhen nhóm trở lại. Phải hành động thế nào trong thời gian tới là câu hỏi thường trực của nhà đầu tư còn ở trong thị trường.

Ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, Phó giám đốc Chiến lược đầu tư, SSI Research cho rằng, việc ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất sẽ tác động có lợi cho những doanh nghiệp đang có lượng tiền mặt lớn, đơn cử như nhóm doanh nghiệp bảo hiểm.

Bối cảnh tăng lãi suất, nhóm cổ phiếu có tiền mặt lớn sẽ hưởng lợi khi có thể đầu tư tài chính, cho vay lãi suất cao. Theo ông Tâm, nhóm cổ phiếu bảo hiểm sẽ có phản ứng tích cực trong ngắn hạn với câu chuyện này

Trong phiên giao dịch ngày 25/10, hàng loạt cổ phiếu ngân hàng như BID, CTG, MBB… cũng đã tăng kịch trần, phản ứng tích cực với thông tin kết quả kinh doanh tốt của ngành và việc các ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất.

Khuyến nghị nhà đầu tư hành động gì trong lúc này, ông Tâm cho rằng, với nhà đầu tư ngắn hạn nên giữ tỷ trọng 30% là cổ phiếu, còn lại 70% là tiền mặt để có thể dò đáy. Khi xuất hiện mô hình hai đáy, nhà đầu tư có thể tăng tỷ trọng cổ phiếu lên.

Còn khi cổ phiếu giảm 5-7% trên giá mua, nhà đầu tư có thể hạ tỷ trọng, đảm bảo duy trì lượng vốn canh mua khi thị trường tạo đáy.

Tuân thủ kỷ luật tuyệt đối, là mấu chốt để nhà đầu tư tồn tại ở thị trường có nhiều biến động này. Những nhà đầu tư có tỷ trọng cổ phiếu cao có thể canh nhịp hồi trong phiên để hạ bớt tỷ trọng.

Một số cổ phiếu có thể lưu ý thời điểm nay như PCI, NCB khi đã giảm giá sâu và tạo đáy. Ngoài ra, nhà đầu tư có thể nghiên cứu những cổ phiếu đã có định giá P/B dưới 1 lần.

Đối với nhà đầu tư dài hạn, đây là cơ hội vàng để gom cổ phiếu giá rẻ. Hãy chọn những cổ phiếu đầu ngành có chỉ số P/B xuống dưới 1 để mua và giữ trong một năm. Nhà đầu tư dùng tiền nhàn rỗi và chia nhỏ lượng tiền phân phối vào các nhóm cổ phiếu đầu ngành cho triển vọng tăng trưởng tốt mà định giá đang rẻ.

Ngoài ra, nhà đầu tư có thể tìm kiếm những cổ phiếu chi trả cổ tức bằng tiền mặt cao như VEA (Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam) chi trả 45%, DPM (Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí) chi trả 50% trong năm 2021 và 2022. Nhà đầu tư cũng có thể cân nhắc mua nắm giữ dài hạn với các cổ phiếu trong ngành điện như NT2 (CTCP Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2), QTP (CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh)

Có cùng quan điểm, ông Quan Đức Hoàng cho rằng, nhóm cổ phiếu ngành năng lượng là nhóm nhà đầu tư có thể nắm giữ lâu dài với triển vọng sáng.

Về bối cảnh thị trường chung, so với giai đoạn năm 2006-2008, ông Hoàng phân tích, thị trường hiện tại có nét tương đồng nhưng sóng hồi có thể nhanh hơn. Nếu như sau cú sụp 2006-2008, thị trường phải mất nhiều năm mới quay trở lại thì ở giai đoạn này, ông Hoàng cho rằng, thời gian chờ đợi thị trường trở lại quỹ đạo tăng sẽ không quá lâu vì nền kinh tế thực của Việt Nam cũng như hoạt động của các doanh nghiệp đầu ngành vẫn có triển vọng rất sáng.

Tin bài liên quan