Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc NHNN Việt Nam

Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc NHNN Việt Nam

Cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa: Khó khăn "chạy" vòng tròn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bình quân giai đoạn 2018-2022, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tăng 14,17%, cao hơn bình quân chung toàn nền kinh tế.

Kiến nghị giảm điều kiện vay

Phát biểu tại hội nghị “Các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho DNNVV phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh”, ông Hoàng Minh Nhật, Giám đốc CTCP Hoàng Minh Nhật xuất khẩu gạo, doanh nghiệp có doanh số 1 năm khoảng 1.000 tỷ đồng nhận định, NHNN đã có chủ trương rất rõ ràng, các DNNVV không thể thiếu vốn trong sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt ở đây là ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, do đó khi đầu tư cho một doanh nghiệp vay thì phần khả năng thu hồi vốn và quản lý tốt được cho doanh nghiệp vay thì vấn đề này chưa gặp được nhau.

“Các ngân hàng có chuẩn cho doanh nghiệp vay. Đạt chuẩn thì ngân hàng cho vay còn các doanh nghiệp dưới chuẩn hoặc tài chính chưa đạt thì khó tiếp cận vốn. Trong khi đó, ngành hàng lúa gạo nông sản, các sản phẩm nông sản Đồng bằng sông Cửu Long thì có tính chất thời vụ. Do đó, khi doanh nghiệp có nhu cầu thời vụ thì lại gặp khó khăn. Tôi nêu lên cái này để NHNN xem làm sao để tháo gỡ điểm thắt này, làm sao để DNNVV kinh doanh ngành nghề này tìm được điểm chung với ngân hàng để tháo gỡ khó khăn”, ông Nhật nói.

Còn bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hưng Yên cũng chia sẻ tình hình thực tế của Hưng Yên: “Hiện nay, một số doanh nghiệp cần phải được giãn nợ, hoãn nợ bởi nếu các ngân hàng siết nợ có thể dẫn đến phá sản. Bối cảnh hiện nay, các DNNVV kinh doanh khó khăn, sức cạnh tranh rất kém so với các tập đoàn lớn nên DNNVV không dám vay, khả năng mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh là không có”.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV phát biểu

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV phát biểu

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV cho rằng, câu chuyện ở đây muốn giúp DNNVV cần phải đồng hành từ Chính phủ xuống, thông qua NHNN rồi mới đến các NHTM. Nếu các ngân hàng bị bó về mặt thể chế thì doanh nghiệp dù rất mong muốn tháo gỡ nhưng cũng không được như mong muốn. Làm sao giảm điều kiện cho vay xuống và phải được Chính phủ cho phép.

“Nên chăng NHNN đề nghị Chính phủ cho phép các điều kiện cho vay đối với DNNVV thấp hơn bởi những gì làm được đã làm hết rồi”, ông Thân nói.

Hệ thống ngân hàng đã làm gì?

Trong một tương quan khác, ông Trần Phương, Phó tổng giám đốc BIDV chia sẻ, Ngân hàng cũng nhận thức rất cao, DNNVV đóng vai trò rất quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế. BIDV có tỷ lệ cho vay DNNVV lên đến 24% tổng dư nợ, 40% trên tổng dư nợ khách hàng doanh nghiệp. Con số đến nay là đã cho vay dư nợ tín dụng 329 nghìn tỷ đồng trên 1,5 triệu tỷ đồng là con số rất lớn hệ thống BIDV nỗ lực sáng tạo để quản lý dư nợ lớn, nhưng từng khoản vay thì nhỏ. Số lượng khách hàng DNNVV trên 320 nghìn, chiếm 98% lượng khách hàng của BIDV.

“Đề cập đến những con số trên để thấy BIDV cũng tương tự như Agribank đã rất cố gắng trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, NHNN. Hội nghị không chỉ nên nghe khó khăn của DNNVV mà cũng nên dành một chút thời gian nghe các NHTM đã làm gì để tháo gỡ khó khăn”, ông Phương nói.

Cụ thể tại BIDV, thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31, hỗ trợ lãi suất cho DNNVV trên 4.200 tỷ đồng. Chủ động triển khai các gói tín dụng ưu đãi cho DNNVV từ nguồn vốn của BIDV là 16 gói tín dụng triển khai từ đầu năm, tổng quy mô 700.000 tỷ đồng, giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng phục hồi phát triển kinh tế…

“Tổng thu nhập đã giảm của BIDV từ năm 2022 đến nay là 5.516 tỷ đồng, lãi suất giảm 0,5-2,5% cho các đối tượng”, ông Phương nói.

Toàn cảnh Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị

Từ phía Agribank, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó tổng giám đốc thông tin thêm, đến nay, dư nợ cho vay khách hàng pháp nhân là DNNVV là trên 325 ngàn tỷ đồng/hơn 20 ngàn khách hàng (chiếm tỷ lệ 80,64% dư nợ khách hàng pháp nhân). Agribank tập trung cho vay DNNVV trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn theo đúng định hướng của Chính phủ và của NHNN.

“Agribank là một trong những ngân hàng đầu tiên đưa ra chương trình hỗ trợ vốn cho DNNVV, Agribank triển khai lãi suất cho vay theo mặt bằng mà Chính phủ, NHNN chỉ đạo đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, trong đó có DNNVV với mức lãi suất cho vay thấp hơn rất nhiều (giảm đến 50%) so với lãi suất cho vay thông thường để tạo cơ hội cho khách hàng có thể mở rộng đầu tư theo chiều sâu, nâng cao năng lực cạnh tranh”, ông Hùng nói.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc NHNN Việt Nam cho biết, hệ thống ngân hàng cũng nhận thấy doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn, hạn chế bởi những nguyên nhân do khách quan và chủ quan. Thống đốc cho biết, cũng nắm được các thông tin từ các phương tiện thông tin, báo cáo địa phương, của từng TCTD, cũng như là làm việc với các hiệp hội, đặc biệt là DNNVV thì nhận thấy các DNNVV tình hình tài chính, khả năng tài chính thường là hạn chế chủ yếu.

“Đây là vướng mắc khi các doanh nghiệp tiếp cận tín dụng trong khi hệ thống ngân hàng thực hiện rất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và điều này khiến chính hệ thống ngân hàng cũng đối mặt những khó khăn”, bà Hồng nói.

Cần đẩy mạnh nhiều nguồn vốn khác nhau hỗ trợ DNNVV

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN thông tin, hiện nay hầu hết các TCTD đã tham gia cho vay đối với khu vực DNNVV, bình quân giai đoạn 2018-2022, dư nợ tín dụng đối với DNNVV tăng 14,17%, cao hơn bình quân chung toàn nền kinh tế.

Đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đối với DNNVV tăng 8,28% so với cuối năm 2021, chiếm khoảng gần 19% tổng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế (từ 2017-2020 có xu hướng tăng (17,86% lên 19,78%), tuy nhiên từ 2021 đến nay có xu hướng giảm (từ 19,78% xuống còn 18,33% năm 2022). Dư nợ tín dụng DNNVV phần lớn tập trung vào khu vực Thương mại và dịch vụ (56,29%), Công nghiệp và Xây dựng (40,85%).

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN phát biểu tại Hội nghị

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN phát biểu tại Hội nghị

“Các NHTM nhà nước đang cho vay DNNVV chiếm 48,05%. Khối NHTM cổ phần cho vay chiếm 47,43%, khối Ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng Liên doanh, CTTC và Ngân hàng hợp tác xã tham gia cho vay 4,52%”, bà Giang nói.

Trong khi đó, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận: “DNNVV tiếp cận tín dụng qua một số kênh nhưng lớn nhất vẫn là các NHTM với khoảng 90%. Quỹ phát triển DNNVV và Quỹ bảo lãnh DNNVV vẫn còn rất nhiều vấn đề về cơ chế”.

Thông tin tại Hội nghị cho biết, dư nợ tín dụng có bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng các địa phương tăng từ 411 tỷ đồng năm 2016 lên 648 tỷ đồng năm 2017, sau đó giảm dần qua các năm 2018-2022. Tổng dư nợ có bảo lãnh của quỹ đến cuối tháng 2/2023 đạt 261.327 triệu đồng hiện chỉ có 2 ngân hàng phát sinh dư nợ là Agribank và Vietcombank do một số nguyên nhân như:

Một là, một số địa phương chưa cấp đủ vốn điều lệ cho Quỹ theo quy định; hoạt động nhiều Quỹ không hiệu quả, trình độ nhân lực còn hạn chế, nguồn thu hạn hẹp chủ yếu là lãi tiền gửi tại các NHTM;

Hai là, bảo lãnh của Quỹ là bảo lãnh có điều kiện, Quỹ được quyền từ chối nghĩa vụ bảo lãnh nên có nhiều trường hợp Quỹ bảo lãnh tín dụng từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh và xảy ra tranh chấp với các TCTD cho vay;

Ba là, nguyên tắc hoạt động của Quỹ là phải bảo toàn vốn, trong khi hoạt động bảo lãnh là hoạt động có rủi ro, mức trích lập dự phòng rủi ro không đủ lớn để có thể thực hiện nghĩa vụ trả thay khi DNNVV không có khả năng trả nợ, do đó, không khuyến khích Quỹ thực hiện bảo lãnh cho DNNVV.

Về phía Quỹ Phát triển DNNVV, đến nay chưa phát sinh cho vay trực tiếp đối với DNNVV, nên DNNVV chưa thể tiếp cận trực tiếp các nguồn vốn này. Mặt khác, khi tiếp cận nguồn vốn này gián tiếp qua các TCTD, thì ngoài việc đáp ứng các điều kiện cho vay của các NHTM thông thường, DNNVV phải chịu chi phí vốn cao hơn so với trực tiếp, thủ tục, hồ sơ phức tạp.

Được biết, tính đến 28/02/2023, Quỹ đã ký thỏa thuận giao vốn cho 6 ngân hàng thương mại (BIDV, MBBank, SHB, HDBank, Bắc Á Bank và Sacombank), tổng số vốn chấp thuận cho vay của Quỹ đạt khoảng 300 tỷ đồng; tổng số vốn đã giải ngân là khoảng 230 tỷ đồng. Các DNNVV đã trả nợ gốc khoảng 100 tỷ đồng, số tiền lãi đã trả là khoảng 20 tỷ đồng, dư nợ hiện tại khoảng 130 tỷ đồng. Hiện chưa phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu đối với toàn bộ dự án đã được chấp thuận ủy thác, cho vay gián tiếp.

Tin bài liên quan