Nên tính chuyện đầu tư vào doanh nghiệp hơn là đầu tư vào cổ phiếu.

Nên tính chuyện đầu tư vào doanh nghiệp hơn là đầu tư vào cổ phiếu.

Chọn hàng tránh bão

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bất chấp định giá thị trường đã về mức khá hấp dẫn, cùng với việc lợi nhuận quý I của các doanh nghiệp tăng trưởng so với cùng kỳ, đà bán tháo vẫn diễn ra.

Nội bán, ngoại gom

Theo Quỹ AFC, trong các đợt giảm giá mạnh, quỹ này thường tách thị trường thành hai phần độc lập để nghiên cứu và đánh giá: một phần là hoạt động cơ bản của thị trường như yếu tố vĩ mô, kết quả kinh doanh của công ty niêm yết; phần còn lại là các yếu tố ảnh hưởng giao dịch như cung - cầu cổ phiếu, tin tức.

Hiện tại, xét về yếu tố vĩ mô, có hai luồng thông tin chính ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán trong nước: Một là các ảnh hưởng trên bình diện quốc tế như rủi ro xung đột Nga - Ukraine kéo dài, ngân hàng trung ương các nước thắt chặt chính sách tiền tệ và áp lực lạm phát; Hai là những yếu tố vĩ mô nội tại của Việt Nam như tỷ giá, lãi suất.

Tất nhiên, các yếu tố bên ngoài có tác động đến thị trường Việt Nam, nhưng sự lo lắng thái quá đã tác động đến tâm lý nhà đầu tư và trong đợt giảm giá vừa qua thì ảnh hưởng của các yếu tố trên đã được phản ánh vào giá cổ phiếu.

Trong khi đó, những yếu tố vĩ mô nội tại của Việt Nam vẫn rất ổn định và được kiểm soát tốt từ tỷ giá, lãi suất cho tới lạm phát, sự phục hồi về sản xuất (chỉ số PMI ngành sản xuất của Việt Nam đạt 51,7 điểm trong tháng 4/2022) lẫn tiêu dùng hỗ trợ cho triển vọng lợi nhuận cả năm 2022 của các công ty niêm yết.

Theo số liệu cập nhật đến hết tháng 4, lợi nhuận sau thuế quý I/2022 của các công ty niêm yết trên HOSE tăng trưởng 37,9% so với cùng kỳ. Mức định giá P/E hiện tại của thị trường vào khoảng 12 lần - mức khá hấp dẫn.

Như vậy, có thể nói, về cơ bản, các yếu tố vĩ mô và hoạt động của doanh nghiệp vẫn ổn định, đợt giảm giá này là cơ hội cho các nhà đầu tư giá trị giải ngân. Còn trong ngắn hạn, thị trường vẫn tiềm ẩn rủi ro biến động dưới áp lực cung - cầu, điển hình là việc siết trái phiếu doanh nghiệp.

Thị trường điều chỉnh mạnh khiến dòng tiền lo ngại và rút ra trước các thông tin tiêu cực, nhưng vẫn có những chỉ số đáng lưu ý. Chẳng hạn, trong tháng 4, nếu như nhà đầu tư cá nhân bán ròng mạnh nhất từ đầu năm 2021, với 4.300 tỷ đồng thì khối ngoại mua ròng 1.828 tỷ đồng thông qua giao dịch khớp lệnh trên HOSE. Đây cũng là tháng đầu tiên khối ngoại mua ròng kể từ tháng 7/2021 đến nay.

Trong đó, Quỹ ETF Fubon mua ròng 39,4 triệu USD, Quỹ VN Diamond và E1VFVN30 lần lượt mua ròng 40,2 triệu USD và 9,2 triệu USD. Giai đoạn này, nhà đầu tư tổ chức trong nước cũng mua ròng 770 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, giá trị khớp lệnh bình quân tháng 4 giảm 17% so với tháng trước, đạt 20.700 tỷ đồng/phiên. Sự sụt giảm thanh khoản của nhóm VN Mid và VN Small đóng góp chính khi giảm lần lượt ở mức 20% và 27%, nhưng thanh khoản của nhóm VN30 chỉ giảm 5% so với tháng trước.

Chọn hàng tránh bão

Thị trường chứng khoán vẫn đang có những tín hiệu tiêu cực, tâm lý bi quan của nhà đầu tư bao trùm. Các chuyên gia phân tích cho rằng, trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, việc đón nhận các thông tin bất thường là việc rất dễ xảy ra. Điều cần thiết nhất bây giờ với nhà đầu tư là giữ tài khoản an toàn và chờ điểm cân bằng của thị trường. Cụ thể, cần duy trì trạng thái tài khoản hợp lý, hạn chế tối đa việc sử dụng margin.

Việc thị trường giảm điểm mạnh, rất nhiều cổ phiếu được chiết khấu với giá thấp. Nhiều nhà đầu tư có vị thế kẹt hàng gần như sẽ có tâm lý muốn mua vào để quân bình giá. Trên một số diễn đàn, nhà đầu tư có kinh nghiệm cũng chia sẻ phương pháp “cưa chân bàn”, tức là chọn mua cổ phiếu ở giá thấp, canh khi hồi lên là bán ra cổ phiếu đã mua có sẵn trong tài khoản để hạ giá vốn. Tuy vậy, hành động này chỉ phù hợp với những nhà đầu tư có kinh nghiệm và thời gian canh bảng, trading liên tục.

Với nhiều nhà đầu tư chọn cầm cổ phiếu trung hạn, kết quả kinh quý I/2022 và kế hoạch định hướng năm 2022 sau mùa đại hội cổ đông đang là mối quan tâm chính. Trước tác động của các sự kiện lớn, cũng như sự cẩn trọng hơn với nhóm cổ phiếu đầu cơ, nhà đầu tư sẽ lựa chọn khẩu vị là cổ phiếu của các doanh nghiệp quản trị minh bạch và hưởng lợi trong thời gian tới.

Các mục tiêu kinh doanh của các doanh nghiệp trong năm 2022 cũng như kế hoạch trả cổ tức định kỳ theo năm sẽ là những yếu tố tích cực tác động lên kỳ vọng của các cổ phiếu.

Tại hội thảo của Finn Group mới đây, các chuyên gia đã liệt kê những nhóm ngành có triển vọng tăng giá trong quý II và quý III.

Nhóm cổ phiếu có triển vọng quý II, III.

Nhóm cổ phiếu có triển vọng quý II, III.

Đó là nhóm xuất khẩu, gồm logistics có kết quả kinh doanh quý I tăng 77%, P/E dự phóng 2022 là 17,8; vận tải thủy tăng trưởng lợi nhuận quý I là 85,3%, P/E là 20,9 lần; thủy sản tăng trưởng lợi nhuận quý I là 263,2%, P/E là 10,5 lần; nhóm bán lẻ tăng trưởng lợi nhuận 23,1%, P/E 17 lần; nhóm điện tăng trưởng lợi nhuận 75,9%, P/E 27,8 lần; nhóm công nghệ thông tin tăng trưởng lợi nhuận 47,3%, P/E 19,1 lần.

Hàng ngon bổ rẻ, theo các chuyên gia của Finn Group, gồm các doanh nghiệp có triển vọng lợi nhuận năm 2022 và 2023 tích cực, tình hình tài chính lành mạnh, hệ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) trên 15%, định giá dự báo 2022 hấp dẫn.

Cụ thể hơn, các cổ phiếu được xem là địa chỉ “trú ẩn trong bão” thị trường phải đáp ứng được các tiêu chí:

Thứ nhất, tỷ suất cổ tức thực trả cho năm 2022 (Tỷ lệ cổ tức thực trả/Thị giá lớn hơn 6%, không bao gồm phần cổ tức đã tạm ứng);

Thứ hai, thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) dự báo năm 2022 lớn hơn cổ tức kế hoạch 2022;

Thứ ba, doanh thu/lợi nhuận sau thuế tăng trưởng trong 3 trên 5 quý gần nhất;

Thứ tư, triển vọng lợi nhuận 2023 khả quan;

Thứ năm, khối lượng giao dịch bình quân 3 tháng lớn hơn 50.000 cổ phiếu/phiên;

Thứ sáu, tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng (freefloat) lớn hơn 20%.

Tin bài liên quan