Chủ sở hữu của các ngân hàng rất đa dạng và nhiều ông chủ không xuất hiện với tư cách người lãnh đạo cao nhất ngân hàng

Chủ sở hữu của các ngân hàng rất đa dạng và nhiều ông chủ không xuất hiện với tư cách người lãnh đạo cao nhất ngân hàng

Chủ tịch ngân hàng không cổ phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trước đây, người ngồi ghế “nóng” ngân hàng thường sở hữu lượng lớn cổ phiếu, nhưng tại không ít nhà băng hiện nay, “ông chủ” không xuất hiện ở cương vị cao nhất.

Những vị chủ tịch hội đồng quản trị không sở hữu cổ phiếu

Tại HDBank, TPBank, Saigonbank, VietABank, Nam A Bank…, người ngồi ghế “nóng” chủ tịch hội đồng quản trị không sở hữu bất kỳ cổ phiếu nào của ngân hàng.

Cuối tháng 4/2022, HDBank lần đầu tiên bầu người nước ngoài làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, đó là ông Kim Byoungho, người từng đảm nhiệm vị trí Giám đốc tài chính, Tổng giám đốc tại Hana Bank, ngân hàng lớn thứ hai Hàn Quốc. Trong gần 3 thập kỷ, ông Kim Byoungho dẫn dắt Hana Bank đổi mới toàn diện và phát triển mạnh mẽ, vươn tầm quốc tế. Trước khi rời Hana Bank vào năm 2019, ông Kim Byoungho đã đưa Hana Bank trở thành cổ đông chiến lược, nắm giữ 15% vốn tại BIDV, với khoản đầu tư gần 1 tỷ USD. Hiện tại, tuy đang cùng HDBank ở đỉnh lợi nhuận, nhưng ông Kim Byoungho cho rằng, với HDBank, mọi thứ mới chỉ bắt đầu.

Tại Nam A Bank, ông Trần Ngô Phúc Vũ được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2021 - 2026 vào tháng 12/2022. Trước đó, ông Vũ đảm nhận chức vụ Phó chủ tịch thường trực kể từ năm 2019, từng đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Ngân hàng.

Tương tự, VietA Bank bổ nhiệm Phó tổng giám đốc Phương Thành Long giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2018 - 2023 kể từ ngày 8/9/2021. Tính đến cuối năm 2022, ông Long không nắm giữ cổ phiếu nào của Ngân hàng.

Hiện VietABank có vốn điều lệ 5.400 tỷ đồng, tổng tài sản tính đến cuối quý I/2023 là gần 94.792 tỷ đồng, nợ khó đòi đã xử lý đạt 4.253 tỷ đồng, trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành ghi nhận ở mức 10.086 tỷ đồng, cho vay khách hàng tăng 7%, tiền gửi khách hàng tăng 10%.

Thực tế cho thấy, chủ sở hữu của các ngân hàng rất đa dạng và nhiều ông chủ không xuất hiện với tư cách người lãnh đạo cao nhất ngân hàng.

Chấm dứt sở hữu vượt trần, giảm sở hữu chéo

Tỷ lệ sở hữu thực tại một số ngân hàng được che giấu trong ma trận công ty con và hệ sinh thái chằng chịt, cũng như những người thân quen, nhằm chi phối ngân hàng, tạo lợi ích nhóm.

Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017, các cổ đông cá nhân không được sở hữu vượt quá 5%, tổ chức không được sở hữu vượt quá 15%, đồng thời tổng sở hữu của cổ đông và nhóm cổ đông liên quan không vượt quá 20% vốn điều lệ của một ngân hàng.

Thực tế, việc siết quy định về sở hữu cổ phần của cổ đông đóng vai trò quan trọng để các ông chủ ngân hàng không nắm quyền lực tuyệt đối, góp phần giúp hoạt động ngân hàng minh bạch hơn, các khoản cấp tín dụng cho doanh nghiệp được thẩm định chuẩn mực hơn, tránh tình trạng dồn vốn cho các doanh nghiệp sân sau.

Báo cáo quản trị năm 2022 của các ngân hàng cho thấy, tình trạng vượt trần sở hữu ngân hàng đã chấm dứt.

Tại ACB, ngân hàng này vừa tăng vốn điều lệ thêm hơn 5.000 tỷ đồng, lên gần 39.000 tỷ đồng, thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 15%. Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB Trần Hùng Huy hiện sở hữu 3,43% cổ phần, cộng với tỷ lệ sở hữu của người thân là bà Đặng Thu Thủy (mẹ ông Huy) và các doanh nghiệp liên quan gồm Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Giang Sen, Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Vân Môn, Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Bách Thanh, tổng tỷ lệ sở hữu chỉ là 7,66%.

Chống sở hữu chéo không phải là tỷ lệ sở hữu 5% hay 3%, mà quan trọng là cơ chế giám sát, báo cáo công khai
Chống sở hữu chéo không phải là tỷ lệ sở hữu 5% hay 3%, mà quan trọng là cơ chế giám sát, báo cáo công khai

Tại TPBank, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đỗ Minh Phú không sở hữu cổ phiếu nào, song nhóm người có liên quan nắm giữ hơn 290 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 18,36%, giữ nguyên so với năm 2021. Trong đó, ông Phú là đại diện cho gần 94 triệu cổ phiếu vốn góp của Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji, nơi ông đang là Chủ tịch Hội đồng sáng lập, còn những người có liên quan là lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn.

Một ngân hàng thu hút sự quan tâm của thị trường và dư luận trong thời gian gần đây liên quan đến ghế “nóng” cũng như tỷ lệ sở hữu của các nhóm cổ đông lớn là Eximbank.

Cuối tháng 6/2023, bà Đỗ Hà Phương được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank. Bà Phương được đề cử bởi nhóm cổ đông gồm Công ty cổ phần Hoàn Vũ Sài Gòn, Công ty cổ phần Rồng Ngọc, Công ty cổ phần Hoàng Gia ĐL, Công ty TNHH M8 và 7 cổ đông cá nhân (ông Dương Tiến Dũng, ông Nguyễn Quốc Toàn, bà Nguyễn Thị Kim Phượng, bà Trương Vũ Họa Mi, bà Lê Mộng Tuyền, ông Trần Ngọc Nhật, bà Lưu Như Trân). Các doanh nghiệp này đều có mối liên quan đến gia đình ông Nguyễn Quốc Toàn, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Nam A Bank.

Tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhóm cổ đông lớn tại Eximbank chưa được công khai và mâu thuẫn nội bộ không dễ tìm được tiếng nói chung, còn người ngồi ghế “nóng” nắm giữ rất ít cổ phiếu Ngân hàng. Trước đó, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank Lương Cẩm Tú cũng chỉ sở hữu hơn 1% cổ phần.

Tình trạng sở hữu chéo, sở hữu ngầm trong các ngân hàng được che giấu trong ma trận công ty con và hệ sinh thái chằng chịt, cũng như những người thân quen, nhằm nắm cổ phần chi phối, thao túng ngân hàng vì lợi ích nhóm đến nay đã giảm sau các lần sửa đổi luật, nhưng vẫn khiến không ít ý kiến lo ngại.

Vì thế, trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đang trình Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước đề xuất sửa đổi theo hướng giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại tổ chức tín dụng từ 5% xuống 3% với cổ đông là cá nhân; từ 15% xuống 10% với cổ đông là tổ chức; từ 20% xuống 15% với cổ đông và người có liên quan. Đồng thời, dự thảo Luật bổ sung các quy định về người có liên quan, những trường hợp không cùng đảm nhiệm chức vụ, giảm tỷ lệ cấp tín dụng cho một khách hàng và người có liên quan…

TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, chống sở hữu chéo không phải là tỷ lệ sở hữu 5% hay 3%, mà quan trọng là cơ chế giám sát, báo cáo công khai để biết được pháp nhân liên quan cũng như chi phối tổ chức hoạt động ngân hàng. Do đó, việc quản lý tỷ lệ sở hữu cổ phần cần phải được Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thực hiện một cách chặt chẽ và những người vi phạm mức độ nhẹ có thể bị xử phạt hành chính, nếu có dấu hiệu lừa dối thì xử lý hình sự. Thậm chí, những ngân hàng không khai báo trung thực nên bị rút giấy phép hoạt động.

Tin bài liên quan