Chứng khoán Đông Nam Á hồi phục khi chủ đề mở cửa trở lại xuất hiện ở nhiều quốc gia

Chứng khoán Đông Nam Á hồi phục khi chủ đề mở cửa trở lại xuất hiện ở nhiều quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chứng khoán và tiền tệ khu vực Đông Nam Á nằm trong số những kênh hoạt động tốt nhất trên thế giới trong tháng 8 khi mức tiêm chủng tăng và tỷ lệ lây nhiễm giảm. 

Chỉ số chứng khoán khu vực Đông Nam Á đã tăng hơn 5% trong tháng 8 trong khi đồng ringgit của Malaysia, đồng baht của Thái Lan và đồng Rupiah của Indonesia nằm trong số bốn đồng tiền tăng tốt nhất của nhóm các thị trường mới nổi trong giai đoạn này.

JPMorgan cho biết, các chính sách ủng hộ tăng trưởng đang làm cải thiện xu hướng thị trường, trong khi BNP Paribas Wealth Management cho biết kỳ vọng lãi suất thấp đã khiến việc định giá trở nên hấp dẫn.

Alexander Wolf, người đứng đầu chiến lược đầu tư châu Á tại JPMorgan ở Hồng Kông (Trung Quốc) cho biết: “Khi các trường hợp lây nhiễm mới tiếp tục giảm và một số biện pháp hạn chế được nới lỏng, chủ đề mở cửa trở lại đã xuất hiện trên khắp các quốc gia Đông Nam Á. Chúng tôi có thể thấy một số lợi thế hơn nữa từ hỗ trợ chính sách bổ sung và miễn là việc mở cửa trở lại tiếp tục diễn ra, sẽ có chỗ cho các nhà đầu tư toàn cầu gia tăng thêm tỷ trọng”.

Wolf cho biết ông đặc biệt đánh giá tích cực về thị trường chứng khoán và tiền tệ của Indonesia vì việc rút dần lại các biện pháp hạn chế sẽ dẫn đến sự phục hồi vững chắc, trong khi ông cũng ưa thích thị trường Singapore do tiến bộ đáng kể trong tiêm chủng.

Chỉ số MSCI khu vực ASEAN và MSCI toàn cầu

Chỉ số MSCI khu vực ASEAN và MSCI toàn cầu

Kỳ vọng mở cửa trở lại đã ủng hộ các tài sản Đông Nam Á khi Thái Lan trong tuần này đã báo cáo về số ca nhiễm ít nhất trong hơn một tháng và công bố kế hoạch mở cửa trở lại các nhà hàng, thẩm mỹ viện và trung tâm mua sắm. Malaysia cũng giảm bớt các hạn chế ở Thung lũng Klang, trung tâm kinh tế của quốc gia.

Mọi thứ ở Đông Nam Á đang rất khác so với một tháng trước. Chỉ số MSCI AC Asean đã giảm gần 7% trong 3 tháng 5, 6, 7 khi sự lây lan của biến thể delta khiến khu vực này trở thành điểm nóng về virus tồi tệ nhất trên thế giới, trong khi đồng baht của Thái Lan, peso của Philippines và đồng ringgit của Malaysia cũng giảm ít nhất 3% trong giai đoạn này.

Khi các trường hợp lây nhiễm mới tiếp tục giảm và một số biện pháp hạn chế được nới lỏng, chủ đề mở cửa trở lại đã xuất hiện trên khắp các quốc gia Đông Nam Á

BNP Paribas Wealth Management cho biết, các lý do tích cực cho thị trường Đông Nam Á bao gồm triển vọng tiêm chủng được cải thiện và tỷ lệ phục hồi dự kiến ​​đối với cổ phiếu chu kỳ, đây cũng là nhóm cổ phiếu có tỷ trọng lớn trong chỉ số chứng khoán của ASEAN.

Prashant Bhayani, Giám đốc đầu tư khu vực châu Á của BNP Paribas Wealth ở Singapore cho biết: “Malaysia, Philippines và Thái Lan đã có tăng trưởng lợi nhuận hai con số bất ngờ trong quý II do kỳ vọng là quá thấp. Hơn nữa, các trường hợp Covid-19 đang đạt đỉnh ở Thái Lan và có thể ở các nước ASEAN khác trong những tuần tới”.

BNP ủng hộ cổ phiếu Singapore do nền kinh tế này sắp mở cửa trở lại, lợi suất và định giá cổ tức hấp dẫn cũng như kỳ vọng về tăng trưởng lợi nhuận khả quan.

Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang tham gia trở lại. Theo dữ liệu của Bloomberg, chứng khoán Thái Lan trong tháng 8 đã thu hút dòng tiền khối ngoại đầu tiên kể từ tháng 12, trong khi các quỹ nước ngoài cũng tăng cường nắm giữ cổ phiếu ở Malaysia, Indonesia và Philippines trong giai đoạn này.

Trái phiếu rủi ro cao (Junk Bond)

Đà tăng của thị trường cổ phiếu cũng tràn qua thị trường trái phiếu rủi ro của khu vực. Lợi nhuận của trái phiếu doanh nghiệp lãi suất cao được phát hành bằng USD đã quay trở lại mức trung bình 1,9% trong tháng 8, vượt trội so với trái phiếu cấp đầu tư lần đầu tiên kể từ tháng 2.

Các nhà phát triển bất động sản ở Indonesia vốn bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các quy định thắt chặt hơn đã dẫn đầu sự phục hồi trong số các trái phiếu được đánh giá thấp của khu vực.

Asia Plus Group Holding, công ty môi giới chứng khoán lớn thứ hai của Thái Lan lạc quan rằng Thái Lan đang chuyển hướng sau khi sự phụ thuộc vào du lịch đã khiến nước này bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi đại dịch.

Pithayain Assavanig, Giám đốc điều hành của Asia Plus ở Bangkok cho biết: “Việc mở cửa kinh doanh trở lại sẽ cung cấp hỗ trợ rất cần thiết cho nền kinh tế Thái Lan đang gặp khó khăn. Việc kiểm soát hiệu quả sự lây lan của biến thể mới sẽ khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế. Chúng ta sẽ thấy sự trở lại của nhiều dòng vốn nước ngoài hơn”.

Tin bài liên quan