Ông Lê Nhị Năng.

Ông Lê Nhị Năng.

Chứng khoán giảm giá, dự phòng ra sao?

(ĐTCK-online) Hiện nhiều DN có những khoản đầu tư tài chính lớn nhưng rất ít DN trích lập dự phòng giảm giá cho các khoản đầu tư này, dù giá chứng khoán thời gian qua liên tục giảm mạnh. ĐTCK đã trao đổi với ông Lê Nhị Năng, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM xung quanh vấn đề này.

Ông có thể cho biết tầm quan trọng của việc trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính?

Theo tinh thần của Thông tư số 13/2006/TT-BTC ngày 27/02/2006 về "Hướng dẫn chế độ trích lập và sử dụng các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư tài chính, nợ khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp tại DN" thì việc trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính giúp cho DN có nguồn tài chính để bù đắp tổn thất có thể xảy ra trong năm kế hoạch, nhằm bảo toàn vốn kinh doanh; đảm bảo cho DN phản ánh giá trị các khoản đầu tư tài chính không cao hơn giá cả trên thị trường tại thời điểm lập báo cáo tài chính. Điều này cũng rất có ý nghĩa đối với NĐT khi xem xét, đánh giá tình hình tài chính của DN thông qua các báo cáo tài chính, đồng thời thể hiện mức độ minh bạch của công ty trong hoạt động quản trị tài chính nói riêng và quản trị công ty nói chung.

 

Mức dự phòng giảm giá đầu tư tài chính được tính toán như thế nào, thưa ông?

Đối với các loại chứng khoán đầu tư và được tự do mua bán trên thị trường, mức trích lập dự phòng được tính theo công thức 1.

DN phải lập dự phòng riêng cho từng loại chứng khoán đầu tư có biến động giảm giá so với giá đang hạch toán tại sổ kế toán tại thời điểm lập báo cáo tài chính.

Đối với các khoản đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết và các khoản đầu tư tài chính dài hạn khác, phải trích lập dự phòng nếu tổ chức kinh tế mà công ty đang đầu tư bị lỗ (trừ trường hợp lỗ theo kế hoạch đã được xác định trong phương án kinh doanh trước khi đầu tư), mức trích tối đa cho mỗi khoản đầu tư tài chính bằng số vốn đã đầu tư và tính theo công thức 2. Trong đó, vốn thực tế của các bên tại tổ chức kinh tế được xác định trên bảng cân đối kế toán của tổ chức kinh tế năm trước thời điểm trích lập dự phòng; vốn chủ sở hữu thực có được xác định tại bảng cân đối kế toán của tổ chức kinh tế năm trước thời điểm trích lập dự phòng.

Căn cứ để lập dự phòng khi vốn góp thực tế của các bên tại tổ chức kinh tế lớn hơn vốn chủ sở hữu thực có tại thời điểm báo cáo tài chính của tổ chức kinh tế. DN phải lập dự phòng riêng cho từng khoản đầu tư tài chính có tổn thất.

DN phải lập Hội đồng để thẩm định mức trích lập các khoản dự phòng với thành phần gồm giám đốc, kế toán trưởng, các trưởng phòng có liên quan và một số chuyên gia (nếu cần).

Các công ty chuyên kinh doanh chứng khoán không  phải thực hiện trích lập dự phòng các khoản đầu tư chứng khoán theo quy định trên. Các tổ chức tín dụng thực hiện trích lập dự phòng theo hướng dẫn chế độ tài chính đối với các tổ chức tín dụng.

 

Đầu tư trái phiếu được coi là  an toàn nhưng hiện cũng khiến nhiều DN lao đao do lãi suất ngân hàng tăng cao, tỷ lệ chiết khấu trái phiếu theo đó tăng mạnh. DN kinh doanh trái phiếu có phải dự phòng rủi ro cho khoản mục này?

Theo quy định tại Thông tư 13 thì đối tượng để trích lập dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính là toàn bộ chứng khoán được tự do mua bán trên thị trường, bao gồm cả cổ phiếu, trái phiếu theo công thức đã nêu trên.

 

Trường hợp DN không trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính, chế tài áp dụng cho DN là gì, thưa ông?

Đối với các công ty niêm yết tại Sở GDCK TP. HCM (HOSE), nếu không trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính thì căn cứ Quyết định 168/QĐ-SGDHCM về việc ban hành Quy chế niêm yết chứng khoán tại HOSE, công ty sẽ bị nhắc nhở bằng văn bản, cảnh cáo trên toàn thị trường, cổ phiếu của công ty sẽ bị đưa vào diện kiểm soát hoặc bị tạm ngừng giao dịch trong trường hợp mà Sở xét thấy cần thiết để bảo vệ lợi ích của NĐT và Sở sẽ báo cáo vụ việc lên Thanh tra UBCK để xử phạt theo quy định.

Ngoài ra, để tránh lạm dụng việc trích lập dự phòng để tính thêm vào chi phí các khoản dự phòng, không có đủ căn cứ nhằm làm giảm nghĩa vụ nộp ngân sách, Thông tư 13 cũng quy định rõ, những DN cố tình vi phạm sẽ bị xử phạt như hành vi trốn thuế theo quy định.

 

Một trong những khó khăn khi DN thực hiện trích dự phòng giảm giá chứng khoán  hiện nay là việc không xác định được rõ một số tiêu chí trong công thức trích dự phòng nêu trên. Vậy, vấn đề này nên được xử lý theo hướng nào, thưa ông?

Theo tôi, về lâu dài, cơ quan chức năng cần có hướng dẫn cụ thể hơn về cách thức trích lập dự phòng đối với DN đầu tư tài chính để giúp DN có căn cứ thực hiện việc trích dự phòng hợp lý và chuẩn xác hơn.