Không có gì đảm bảo những “thí điểm” mạnh tay sẽ thành công, nhưng nếu không làm thì chắc chắn nhà đầu tư không dám tin vào những gì công ty báo cáo nữa

Không có gì đảm bảo những “thí điểm” mạnh tay sẽ thành công, nhưng nếu không làm thì chắc chắn nhà đầu tư không dám tin vào những gì công ty báo cáo nữa

Chứng khoán Việt Nam: Đừng để nhà đầu tư giá trị quay đi

(ĐTCK) Một thị trường mà thông tin không minh bạch thì sản phẩm chứng khoán sẽ dễ bị làm giá, đầu cơ, bởi vì chính môi trường đầu tư đã đẩy những nhà đầu tư giá trị đi và thu hút những người lướt sóng trên tin đồn đến.

Quan ngại số liệu kế toán

Nhân một chuyến về Việt Nam trong năm 2017, tôi có dịp gặp một số người thân và người quen cũ làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Thị trường chứng khoán (TTCK) tăng trưởng tốt trong năm 2017 nên câu chuyện liên quan đến chứng khoán ít nhiều được bàn đến.

Ông Hồ Quốc Tuấn

Trong những thảo luận đó, tôi hỏi một người thân buôn bán bất động sản khá thành đạt là chú có mua cổ phiếu không? Chú ấy trả lời rằng, không bao giờ mua cổ phiếu, bởi có những công ty niêm yết “làm số liệu giả, báo đăng đầy ra”.

Một người bạn khác của tôi làm kỹ sư ở nước ngoài nhiều năm, bây giờ về Việt Nam mở công ty riêng cho rằng, công ty niêm yết Việt Nam làm ăn không đàng hoàng, làm giả số liệu. Anh ấy đang giữ một số cổ phiếu ở Mỹ và không muốn mua cổ phiếu Việt Nam.

Nếu nói người chú kia của tôi là người thuộc thế hệ cũ, không bắt kịp thời đại và làm giàu nhờ bất động sản nên không muốn thử cái mới, thì người bạn kia của tôi là thuộc cùng thế hệ như tôi và là người đã mua cổ phiếu ở nước ngoài. Trùng hợp ở chỗ, họ cùng cho rằng, công ty niêm yết của Việt Nam báo cáo số liệu “không đàng hoàng”.

Đây là những người sở hữu không phải một mà là nhiều công ty kinh doanh ở Việt Nam, cho nên họ không phải là những người bảo thủ cẩn thận, chỉ đem tiền gửi ngân hàng hay mua vàng, ngoại tệ. Họ không lạ lẫm gì việc kinh doanh ở Việt Nam. Điều đáng buồn là họ không tin tưởng con số báo cáo kinh doanh của các công ty niêm yết nên không mua cổ phiếu.

Tôi tự hỏi, với những người gọi là có hiểu biết về thương trường ở Việt Nam như vậy mà còn nhận định như thế, vậy thì làm sao người dân ít hiểu biết về cổ phiếu dám bỏ tiền ra mua? Họ thỉnh thoảng lại thấy báo chí đưa thông tin về việc doanh nghiệp niêm yết chuyển lãi thành lỗ sau kiểm toán thì làm sao không có nhận định như thế?

Một thống kê đáng chú ý của Vietstock mà tôi đọc được vào tháng 4/2018 là 540/709 công ty niêm yết có lợi nhuận sau thuế năm 2017 sau kiểm toán chênh lệch so với báo cáo tự lập. Trong đó, 5 doanh nghiệp chuyển từ lãi thành lỗ và không có doanh nghiệp nào từ lỗ sang lãi sau kiểm toán. Một trường hợp khác mà ai quan tâm đến TTCK Việt Nam đều biết là trường hợp của Gỗ Trường Thành (TTF) chuyển lãi thành lỗ năm 2016 sau khi hàng tồn kho đột nhiên “bay hơi” xấp xỉ cả nghìn tỷ đồng.

Những khoảng trống màu xám trong báo cáo tài chính như các khoản dự phòng, định giá hàng tồn kho, khoản phải thu, cách ghi nhận doanh thu và lợi thế thương mại được ghi nhận sau các thương vụ thâu tóm và sáp nhập đều có thể bóp méo con số lợi nhuận, giá trị tài sản và giá trị vốn cổ phần của doanh nghiệp.

Kiểm toán độc lập: Khoảng trống giữa kỳ vọng và thực tế

Kiểm toán độc lập vốn được mong đợi là một chốt chặn quan trọng của chất lượng báo cáo tài chính nhưng luôn có khoảng trống nhất định giữa kỳ vọng của công chúng và công việc thực sự của kiểm toán và càng có sự khác biệt trong chất lượng kiểm toán của các công ty kiểm toán khác nhau. Các công ty kiểm toán luôn phải đối mặt với sự mâu thuẫn giữa duy trì danh tiếng và tính độc lập của mình với các hoạt động mang lại phí kiểm toán và phí phi kiểm toán (tư vấn thuế, M&A, tái cấu trúc…).

Khi mà các khoản doanh thu từ hoạt động tư vấn và dịch vụ phi kiểm toán khác ngày càng tăng lên, một công ty kiểm toán ngày càng khó giữ được tính độc lập trong các hoạt động kiểm toán, dù là với công ty kiểm toán thuộc tốp hàng đầu thế giới. Gần đây, hầu như mỗi tuần đều có thông tin về một công ty kiểm toán thuộc Top 4 bị các cơ quan quản lý ở Mỹ, Anh, Đức xử phạt.

Hơn nữa, cho dù công ty kiểm toán thật sự độc lập, nhưng cũng khó có thể phát hiện ra tất cả các thủ thuật mà doanh nghiệp đánh lừa nhà đầu tư qua báo cáo tài chính. Theo một báo cáo của PCAOB (cơ quan giám sát hoạt động kiểm toán công ty ở Mỹ) năm 2014, kiểm toán viên độc lập không được đào tạo để phát hiện ra những thủ thuật lừa đảo và quy trình kiểm toán độc lập cũng không tạo nhiều cơ hội để có thể phát hiện điều đó.

Kiểm toán nội bộ ít được chú ý

Một số nghiên cứu ở nước ngoài bắt đầu nêu vai trò then chốt của kiểm toán nội bộ trong phát hiện các hoạt động lừa đảo và ngăn ngừa chúng. Quan điểm của các nghiên cứu này cho rằng, khi công ty minh bạch, không có khuất tất và lừa đảo trong hoạt động hàng ngày thì họ ít có nhu cầu lừa đảo qua số liệu kế toán hơn.

Đó là lý do mà kiểm toán nội bộ đóng vai trò quan trọng trong việc áp dụng luật Sarbanes-Oxley ở Mỹ, một cải cách nhằm nâng cao tính minh bạch của doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư, nâng cao chất lượng báo cáo tài chính. Điểm đến cuối cùng của đạo luật này là lập lại niềm tin của nhà đầu tư vào các công ty niêm yết ở Mỹ.

Ở Việt Nam, vai trò của kiểm toán nội bộ trong phát hiện và ngăn ngừa lừa đảo đã được chú ý hơn sau nhiều trường hợp lừa đảo ở các ngân hàng lớn ở Việt Nam được phát hiện. Tuy nhiên, tính hiệu quả của kiểm toán nội bộ bị đặt câu hỏi khi những vụ lừa đảo như vụ án Huỳnh Thị Huyền Như diễn ra mà không bị phát hiện.

So với kiểm toán độc lập, kiểm toán nội bộ ở Việt Nam ít được chú ý hơn và tùy nguồn lực của doanh nghiệp mà hội đồng quản trị và ban điều hành có thể ít quan tâm đến vai trò của kiểm toán nội bộ, khiến cho họ không được tự do và độc lập để thật sự tư vấn hiệu quả cho lãnh đạo doanh nghiệp về những rủi ro tiềm ẩn.

Đến đây thì một số câu hỏi xuất hiện: vì sao lãnh đạo doanh nghiệp muốn nâng cao chất lượng báo cáo tài chính và kiểm toán nội bộ nếu như họ thật tâm muốn tạo ra một màn sương mờ ảo để dễ bề lấy tiền của cổ đông đi làm chuyện gì mà họ muốn? Làm sao để lãnh đạo doanh nghiệp làm đúng chức trách là bảo vệ lợi ích cổ đông? Câu trả lời ở các nước phương Tây là nâng cao hiệu quả quản trị công ty, cụ thể là vai trò của cổ đông độc lập, cổ đông tổ chức trong và ngoài nước.

Thế nhưng, do đặc thù các công ty gia đình và tính sở hữu tập trung ở nhiều công ty ở Việt Nam (chưa nói đến sở hữu nhà nước), việc nâng cao hiệu quả quản trị công ty bị bóp méo. Có ngân hàng có đầy đủ cổ đông độc lập, cổ đông chiến lược nước ngoài, ban kiểm soát, kiểm toán nội bộ…, nhưng hoạt động vẫn trì trệ, có những scandal bị nêu lên mặt báo.

Điều đó cho thấy, chỉ đem công thức của nước ngoài về áp dụng ở Việt Nam là không đủ. Vì sao như vậy? Là vì chuyện thực thi giải pháp không thực chất. Các công ty vẫn “giả vờ” làm đủ bài bản, chấm đủ vào các mục quản trị công ty như cổ đông độc lập, cổ đông chiến lược, ban kiểm soát, nhưng sự độc lập đôi khi là tương đối và những định chế này bị vô hiệu hóa bằng nhiều thủ thuật bên trong doanh nghiệp. Về cơ bản, doanh nghiệp làm “cho có” và khi “có chuyện” thì cũng không bị chế tài gì đáng kể.

Cần những thí điểm mạnh tay

Những thảo luận trên chỉ ra rằng, doanh nghiệp Việt Nam hiện tại nếu nhìn về bề ngoài thì cũng “hoành tráng” không khác gì một doanh nghiệp niêm yết ở các thị trường lớn, cũng áp dụng quản trị công ty, cổ đông độc lập, cổ đông chiến lược nước ngoài, sử dụng công ty kiểm toán Big 4, có kiểm toán nội bộ. Nhưng ở không ít công ty, đó chỉ là những “vật trưng bày”, không có hiệu quả thực chất.

Muốn có hiệu quả thực chất, cơ quan quản lý phải mạnh tay mỗi khi công ty có sai phạm về báo cáo tài chính, ví dụ phạt nặng các sai phạm báo cáo tài chính, hủy niêm yết, phạt nặng thành viên có trách nhiệm của hội đồng quản trị và ban lãnh đạo, giới hạn việc họ được tham gia quản lý công ty... Có như vậy, việc xử phạt mới có tính răn đe và buộc các lãnh đạo công ty phải xem trọng việc kiểm soát nội bộ hiệu quả.

Có người sẽ nói, ở Mỹ còn không làm được mạnh tay như vậy thì sao Việt Nam làm được? Vấn đề là chúng ta có xuất phát điểm thấp hơn, văn hóa doanh nghiệp không minh bạch bằng, nếu còn nhẹ tay, chùng bước thì “nhập khẩu” giải pháp của nước ngoài về cũng bằng không.

Muốn quyết tâm tạo ra sự khác biệt và khiến nhà đầu tư tin tưởng thì phải cho nhà đầu tư thấy cơ quan quản lý TTCK Việt Nam quyết tâm thế nào bằng hành động. Không có gì đảm bảo những “thí điểm” mạnh tay đó sẽ thành công, nhưng nếu không làm thì chắc chắn nhà đầu tư vẫn không dám tin vào những gì công ty báo cáo nữa. Một thị trường mà thông tin không minh bạch thì sản phẩm chứng khoán sẽ dễ bị làm giá, đầu cơ, bởi vì chính môi trường đầu tư đã đẩy những nhà đầu tư giá trị đi và thu hút những người lướt sóng trên tin đồn đến.

Tin bài liên quan