Chương trình giáo dục tài chính “Khéo khôn với tiền” đến Tuyên Quang

Chương trình giáo dục tài chính “Khéo khôn với tiền” đến Tuyên Quang

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 24/1/2024, Vụ Truyền thông NHNN phối hợp tổ chức chương trình giáo dục tài chính “Khéo khôn với tiền” tại trường THCS Lê Quý Đôn và trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT, tỉnh Tuyên Quang. Chương trình đã thu hút hơn 1.500 học sinh tham gia.

Việc truyền thông giáo dục tài chính (GDTC) cho người dân là một xu hướng của ngân hàng trung ương các nước trên thế giới nhằm tăng cường tính minh bạch của thông tin, hiểu biết về tài chính, minh bạch hóa pháp luật với người dân.

Trên thế giới, GDTC cho người dân, đặc biệt là với giới trẻ được chú trọng ngay từ khi còn nhỏ. Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020. Trong đó, tăng cường hiểu biết tài chính cho người dân là một trong những mục tiêu quan trọng, nhằm thay đổi nhận thức, hành vi và tạo thói quen tài chính tốt cho cộng đồng.

Thời gian qua, NHNN đã chú trọng và tổ chức thực hiện nhiều chương trình truyền thông GDTC, như: Tiền khéo tiền khôn, Đồng tiền thông thái, cuộc thi Hiểu đúng về tiền, nhà Ngân hàng tương lai, Hiểu biết về tài chính… Các chương trình được đánh giá cao về sự đổi mới, sáng tạo, đột phá trong truyền thông. Tiếp tục các mục tiêu nâng cao nhận thức, hiểu biết về kiến thức, kĩ năng tài chính cho học sinh, chương trình giáo dục tài chính Khéo khôn với tiền được tổ chức cho hơn 1.500 học sinh trung học tại 2 trường THCS Lê Quý Đôn, trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tại Tuyên Quang.

Thông qua các chia sẻ đến từ chuyên gia của NHNN và nội dung thi thực tế, cuộc thi “Khéo khôn với tiền” đã cung cấp các kiến thức bổ ích, lý thú về đồng tiền Việt Nam, một số hình thức thanh toán, các cảnh báo bảo mật trong thanh toán không dùng tiền mặt đến với các bạn học sinh một cách sinh động, đơn giản, dễ hiểu và có sức lan tỏa rộng rãi. Qua đó, giúp các em học sinh sớm tiếp cận với kiến thức cơ bản về tài chính, như: chi tiêu hợp lý, tiết kiệm, đầu tư; đồng thời, có những hiểu biết về tiền và lịch sử đồng tiền Việt Nam, cách ứng xử với đồng tiền, biết quý trọng giá trị sức lao động, cảm nhận được những thông điệp về lòng yêu lao động, lòng nhân văn, nhân ái.

Đại diện lãnh đạo Trường THCS Lê Quý Đôn cho biết, chương trình được học sinh và các phụ huynh của trường đặc biệt quan tâm. Các kiến thức về sự ra đời của tiền tệ, lịch sử đồng tiền Việt Nam và các nội dung giáo dục tài chính thực sự hữu ích cho các em học sinh.

Bà Hà Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT Tuyên Quang đánh giá, những kiến thức cơ bản, bài học về giá trị đồng tiền có tác động đến tâm lý học sinh của trường, các em rất nghiêm túc khi tìm hiểu về những kiến thức này. “Chúng tôi tin rằng từ những quan tâm ban đầu sẽ là nền tảng cho các em sau này tiếp nhận và tìm hiểu nhiều hơn kiến thức, kĩ năng về tài chính.” Đặc biệt, thông qua chương trình đã có 1.500 cuốn sách về giáo dục tài chính “Khéo khôn với tiền – Tránh những ưu phiền” đến được với các học sinh.

Đây là cuốn sách của tác giả Lê Thị Thúy Sen – Vụ trưởng Vụ truyền thông Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, người có 20 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính, truyền thông, bảo hiểm tiền gửi. Cuốn sách được coi là một học liệu rất tốt để giáo dục tài chính cho cộng đồng hiện nay. Các khái niệm tưởng chừng phức tạp, khó hiểu như: lạm phát, giảm phát, lãi suất, tỷ giá… đã được cuốn sách định nghĩa và lý giải một cách dễ hiểu, logic, được lồng ghép vào nội dung của 30 câu chuyện trong cuốn sách. Cuốn sách còn giúp các em học sinh rèn luyện văn hóa đọc, hoàn thiện kĩ năng, nhân cách và phát triển một cách toàn diện. Các thầy cô, học sinh và phụ huynh tại 2 trường trung học trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang cũng đánh giá cao cuốn truyện tranh “Khéo khôn với tiền – Tránh những ưu phiền”.

Theo nhận xét của một học sinh trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Tuyên Quang, lần đầu tiên các em được tiếp cận và tìm hiểu về những khái niệm, những kiến thức liên quan đến tài chính như cách nhận biết tiền thật, giả, các hình thức về tiết kiệm, đầu tư để tiền đẻ ra tiền, và những khái niệm lần đầu các em được nghe... đều rất ấn tượng đối.

Thời gian tới, Vụ Truyền thông sẽ tiếp tục triển khai các chương trình GDTC để lan tỏa kiến thức, kỹ năng tài chính thông minh, qua đó giảm thiểu rủi ro cho người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính, cũng như góp phần bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính tại Việt Nam.

Thông tin thêm tại sự kiện Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, ngày 23/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 05/2022/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 về tín dụng đối với học sinh sinh viên (HSSV). Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 19/5/2022.

Theo đó, mức cho vay tối đa kể từ ngày 19/05/2022 đến nay tăng lên là 4.000.000 đồng/tháng/HSSV; Chính sách tín dụng đối với HSSV được áp dụng để hỗ trợ cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn góp phần trang trải chi phí cho việc học tập, sinh hoạt của HSSV trong thời gian theo học tại trường bao gồm: tiền học phí; chi phí mua sắm sách vở, phương tiện học tập, chi phí ăn, ở, đi lại. Đồng thời, cũng mở rộng đối tượng được vay vốn HSSV là thành viên của hộ gia đình thuộc hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định.

Đây không chỉ là tin vui cho những HSSV có hoàn cảnh khó khăn mà còn là niềm hứng khởi, tinh thần tránh nhiệm của Ngân hàng Chính sách xã hội - Vì an sinh xã hội, được đồng hành cùng các em tiếp bước trên con đường tri thức.

Tin bài liên quan